Hộ chiếu vaccine có tiềm ẩn rủi ro không?

Hiện nay các nước tiêm rất nhiều loại vaccine. Có thể có một nước không công nhận một loại vaccine nào đó, dẫn tới một nhóm người tiêm vaccine đó không được công nhận.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Ảnh nh họa

Văn phòng Chính phủ mới đây cũng đã ban hành Công văn số 6891/VPCP-KGVX, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc công nhận “Hộ chiếu vaccine”. Vậy bên cạnh những lợi ích về việc bảo vệ sức khoẻ cộng đồng và phát triển kinh tế trong đại dịch COVID-19, việc triển khai “Hộ chiếu vaccine” lẫn nhau giữa Việt Nam với các quốc gia khác liệu có gặp phải khó khăn, hay tiềm ẩn rủi ro gì hay không?

PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam.

PV: Ông có nhận định như thế nào về việc Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Công văn số 6891 về việc công nhận “Hộ chiếu vaccine” ở nước ta ? Nó sẽ có ý nghĩa như thế nào trong việc phòng chống dịch Covid-19 ở nước ta hiện nay?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Việc xem xét, công nhận hộ chiếu vacine COVID-19 giữa Việt Nam và các nước có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình mở cửa trở lại của Việt Nam, cũng như các nước.

Việc quốc tế hóa hộ chiếu vaccine vừa tạo điều kiện cho người dân giữa các quốc gia, giữa các vùng đi lại thuận tiện, vừa tạo điều kiện khôi phục, phát triển kinh tế, thương mại, du lịch, v..v…của các nước.

Tất nhiên là phải dựa trên nguyên tắc bảo đảm được phòng bệnh COVID-19 cả người đi đến, cũng như người dân nước mà đi đến. 

PV: Bên cạnh những lợi ích về việc có thể bảo vệ sức khoẻ cộng đồng trong giai đoạn bình thường mới, việc triển khai “Hộ chiếu vaccine” liệu có gặp khó khăn hay tiềm ẩn rủi ro gì hay không? 

PGS.TS Trần Đắc Phu: Hiện nay các nước tiêm rất nhiều loại vaccine khác nhau. Có thể có một nước không công nhận một loại vaccine nào đó, dẫn tới một nhóm người tiêm vaccine đó không được công nhận. Thế rồi tỉ lệ tiêm chủng của các nước cũng không giống nhau, rồi vấn đề công nghệ thông tin cũng có khó khăn. Bởi vì có thể có nước người ta theo dõi trên mạng rất là dễ cho việc xem xét công nhận hộ chiếu vaccine, rồi giám sát nó như thế nào.

Thế nhưng nước nào mà không đưa lên trên mạng, thì rất khó khăn cho việc mà xem xét, đặc biệt là vấn đề hộ chiếu giả. Hộ chiếu giả nghĩa là không tiêm mà cũng có hộ chiếu chẳng hạn, thì đấy là những cái mà tôi cho rằng là có những cái khó khăn và tiêu cực như vậy.

PV: Để việc công nhận “Hộ chiếu vaccine” trong tương lai có thể đạt hiệu quả như mong muốn, theo ông, chúng ta cần phải chú ý những vấn đề gì?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Theo tôi cái thứ nhất là cần phải đưa ra được những quy định về các chủng loại vaccine, vấn đề thời gian tiêm, vấn đề một mũi hay hai mũi, rồi tiêm được bao nhiêu ngày, v..v…Thế rồi việc tiêm nó phải đạt được tỷ lệ cao, ít nhất là phải đạt từ 70%, mới đạt được ễn dịch cộng đồng trên phạm vi quốc gia.

Các bạn biết rằng là hiện nay Việt Nam chúng ta cũng đã áp dụng một số quy định cho những người nhập cảnh, đã được tiêm đủ liều vaccine hai mũi. Nhưng tiến tới, chúng ta cũng phải có quy định hoặc là song phương, hoặc là đa phương với nhiều quốc gia, khu vực. Thế rồi vấn đề trách nhiệm, người dân phải tuân thủ việc này như thế nào.

Và cuối cùng tôi muốn nói là sự trung thực. Vì nếu chúng ta mà lại sử dụng hộ chiếu giả, giấy chứng nhận tiêm chủng giả thì nó sẽ là cái việc vô cùng có hại cho cộng đồng. 

PV: Xin cảm ơn ông