Hình mẫu phát triển xe điện tại Na Uy và cái khó của Việt Nam

Khuyến khích sử dụng xe điện là giải pháp mà nhiều quốc gia đang áp dụng. Nhưng làm cách nào để khuyến khích người dân chuyển từ xe động cơ đốt trong sang xe điện? Việt Nam cần làm gì để bắt kịp xu hướng?

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 
Một bãi đỗ xe có trạm sạc cho xe điện tại thủ đô Oslo, Na-uy. Ảnh: InsideEVs

Theo số liệu của Leaseplan vào năm 2020, dịch vụ cho thuê xe có mặt tại hơn 30 quốc gia, Na-uy đang là quốc gia có thị phần xe điện lớn nhất thế giới với 61,5% số xe sản xuất mới là xe điện và chỉ có 11% số xe đăng ký mới là xe động cơ đốt trong. 

Thủ đô Oslo của quốc gia này cũng là hình mẫu cho các nước về phát triển hạ tầng và chính sách xe điện. Từ tháng 6/2015, thành phố 700 nghìn dân này đã có tới 22 nghìn xe điện. Xe điện tại Na-uy không chỉ là ô tô mà còn là các phương tiện công cộng, và cả xe đạp.

Để đạt được con số này, từ năm 2008, một liên nh đã được thành lập để định hướng phát triển xe điện ở cả tầm vi mô và vĩ mô. Ông Sture Portvik , người đứng đầu Dự án xe điện của cơ quan Môi trường đô thị thành phố Oslo chia sẻ: “Đây là một liên nh vững chắc bao gồm các cơ quan của nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân, các nhà cung cấp điện lưới và cả hiệp hội người sử dụng xe điện. Tất cả chúng tôi có cùng chí hướng.”

Nhờ liên nh này mà Na-uy có một cơ sở hạ tầng vững chắc trước khi xe điện được sản xuất hàng loạt. Số lượng trạm sạc tại Na-uy tính tới năm 2020 là hơn 16 nghìn trạm, trong đó có 3.300 trạm sạc nhanh. Với số lượng người dùng ngày một tăng nhanh, giới chức đang nỗ lực thúc đẩy xây dựng thêm nhiều trạm sạc trong những năm tới.

Bên cạnh đó, để khuyến khích người dân sử dụng xe điện, chính sách của chính phủ Na-uy hướng tới việc giảm mọi chi phí như thuế, chi phí duy trì, bảo dưỡng, đỗ xe, phí sử dụng đường bộ v.v… cho người dùng xe điện và tăng mọi chi phí đó đối với người sử dụng xe động cơ đốt trong. 

Bà Christina Bu, Tổng thư ký Hiệp hội xe điện Na-uy chia sẻ: “Chính phủ xác định rằng xe điện không được đắt hơn xe chạy xăng, do đó chúng tôi bỏ đi nhiều loại thuế của xe điện và tăng mạnh thuế đối với xe chạy xăng. Nói cách khác, chúng tôi đánh thuế thứ chúng tôi không cần và khuyến khích sử dụng thứ chúng tôi muốn.”

Theo tạp chí tài chính Forbes, một yếu tố không kém phần quan trọng giúp xe điện Na-uy phát triển mạnh, đó là nhờ nguồn năng lượng tái tạo tại quốc gia này. 96% điện sản xuất tại Na-uy là thủy điện. Do đó chi phí nạp pin xe điện sẽ rẻ hơn so với các quốc gia khác. Chưa kể việc sử dụng thủy điện khiến xe điện tại Na-uy thuộc dạng sạch nhất thế giới. Hầu hết các quốc gia khác vẫn sử dụng nguồn điện từ nhiên liệu hóa thạch khiến xe điện của họ không hoàn toàn thân thiện với môi trường.

Những trạm sạc điện ô tô đang được VinFast hoàn thiện

Dù chi phí mua xe có rẻ đến mấy, nếu hạ tầng phục vụ cho xe điện không đủ để đáp ứng thì thất bại của dòng xe sẽ chỉ là chuyện một sớm một chiều. Do đó, phát triển hạ tầng xe điện, trong đó yếu tố chính là trạm sạc, là chuyện phải làm. Đây cũng là vấn đề chính được đưa ra thảo luận, chia sẻ tại Hội thảo "Hạ tầng cho xe điện tại Việt Nam" tổ chức hôm 3/9 vừa qua.

Chia sẻ tại hội thảo, bà Phan Thị Thùy Dương, Giám đốc Trung tâm phát triển trạm pin VinFast cho biết, trong năm 2021, VinFast quy hoạch 2.121 vị trí trạm sạc trên 63 tỉnh thành với trên 2 nghìn trạm sạc với gần 40.000 cổng sạc. Các trạm sạc VinFast sẽ có mặt ở các chung cư, cây xăng, trạm dừng nghỉ, bãi đỗ xe, trường học…. cho khách hàng yên tâm di chuyển trên các cung đường.

Tuy nhiên, đại diện Vinfast cũng chia sẻ về những khó khăn trong quá trình triển khai các trạm sạc:

“Thứ nhất là toàn bộ các hệ thống văn bản, quy phạm pháp luật của chúng ta còn trống vì đây là một lĩnh vực mới. Dẫn đến khi đi xuống các địa phương, có nơi làm được nhưng cũng có nơi phân vân, còn chờ ý kiến. 

Thứ hai là chúng ta hoàn toàn chưa có quy hoạch trạm sạc để đồng bộ với mạng lưới hạ tầng điện, dẫn đến việc các đơn vị phát triển hạ tầng trạm sạc gặp khó khăn trong việc đấu nối, làm thủ tục cũng như chi phí làm trạm rất tốn kém”.

Liên quan tới vấn đề này, ông Trần Quang Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Bộ GTVT cho biết sắp tới Bộ sẽ cập nhật quy định quản lý, khai thác xe điện:

“Do có đặc điểm vận hành đặc biệt nên cần thiết phải nghiên cứu, xây dựng hệ thống quy định pháp luật phù hợp để quản lý, vận hành đảm bảo an toàn.Bộ GTVT đã có chủ trương xây dựng các quy định liên quan đến xe điện như: an toàn điện, động cơ, pin, hệ thống điều khiển, an toàn thông tin, chuẩn sạc …. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn được xây dựng trên cơ sở hài hòa các tiêu chuẩn quốc tế.”

Đồng thời, ông Trần Quang Hà cho biết Bộ GTVT sẽ rà soát, cập nhật các quy định quản lý, khai thác phương tiện giao thông điện trong quá trình xây dựng Luật giao thông đường bộ sửa đổi tới đây, Luật chất lượng hàng hóa, Luật Bảo vệ môi trường mới được quốc hội thông qua năm 2020, Luật đầu tư…