Hiểu đúng về sở hữu nhà chung cư có thời hạn

Theo quan niệm ‘ăn chắc, mặc bền’ lâu nay của nhiều người Việt, căn hộ chung cư không chỉ đơn thuần là nơi ở mà còn là tài sản lớn, cần được sở hữu lâu dài để có thể truyền lại cho con cái sau này.

Tuy nhiên, trên thực tế, chung cư được coi là một dạng tiêu sản, vì càng sử dụng lâu sẽ càng hao mòn, xuống cấp theo thời gian. Mua chung cư, người ta cần chấp nhận sẽ có lúc chung cư đó phải trải qua quá trình bảo trì, sửa chữa, thậm chí dỡ bỏ để xây mới.

Bố mẹ vợ tôi có căn hộ chung cư khoảng 60 m2 tại khu tập thể Kim Liên, Hà Nội. Ông bà sống ở đó đến nay đã hơn 40 năm. Tòa nhà được xây dựng từ những thập niên 70, vật liệu bê tông lắp ghép, nên trần và tường hầu hết đã loang lổ, xuống cấp.

Nhìn những tòa chung cư mới xây, hiện đại, thoáng mát, đầy đủ tiện nghi, nhiều người dân trong khu tập thể, trong đó có bố mẹ vợ tôi, cũng mong muốn được hưởng những tiện ích như vậy.

Tuy nhiên, sau nhiều lần họp bàn với một số doanh nghiệp bất động sản tới đề xuất xây dựng mới mà không đi đến thống nhất, dự án rơi vào bế tắc và đến nay vẫn nằm trên giấy.

Ảnh nh họa kinhtedothi

 

Thực tế, lâu nay chúng ta đã nghe nói quá nhiều về các dự án chung cư xuống cấp, những khu nhà tập thể cần được cải tạo, nhưng vẫn tồn tại vô số khó khăn, vướng mắc dẫn đến tỉ lệ thành công vô cùng thấp.

Theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội hiện có hơn 1.500 chung cư cũ, phần lớn trong số đó đã xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Trải qua hàng chục năm nghiên cứu, lên phương án, khảo sát ý kiến… nhưng đến nay, công tác sửa chữa, cải tạo, xây mới vẫn “ì ạch”, không có tiến triển.

Còn theo thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 474 chung cư cũ với 573 lô được xây dựng trước năm 1975. Qua kiểm định chất lượng, có 14 chung cư cấp D (bị hư hỏng nặng, nguy hiểm), 116 chung cư cấp C, 332 chung cư cấp B, 12 chung cư đã tháo dỡ hoặc chuyển mục đích.

Chính vì vậy, quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn nêu ra trong dự thảo lần Luật Nhà ở (sửa đổi) lần này, được kỳ vọng sẽ có những quy định cụ thể, rõ ràng, nhất là sau khi hết thời hạn sử dụng, việc phá dỡ, xây mới sẽ được tiến hành như thế nào, từ đó giải quyết được những khó khăn, ách tắc trong cải tạo lại các nhà tập thể cũ đang diễn ra hiện nay.

Ngoài ra, việc thực hiện quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư sẽ giúp nhiều người có cách nhìn nhận thực tế, bao quát hơn về loại hình nhà ở này. Chung cư sẽ được kéo về đúng giá trị thật của nó. Khi ấy, các hoạt động đầu cơ không còn diễn ra phổ biến, tạo điều kiện cho nhiều người có thể mua nhà hơn. Các chủ đầu tư cũng sẽ phải nhìn nhận lại để có chiến lược phát triển phù hợp.

Có thể nói, trong bối cảnh quỹ đất ở các trung tâm đô thị ngày càng eo hẹp, việc áp thời hạn sở hữu chung cư sẽ tạo cơ hội để tái phát triển hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, từ đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu xã hội trong tương lai.

Tuy nhiên, cần có giải pháp đồng bộ, phù hợp và đánh giá rất nhiều khía cạnh để hài hòa lợi ích các bên.

Muốn làm được như vậy thì rõ ràng những nhà làm chính sách cần phải có tư duy vượt thời gian, lường trước các vấn đề để giải quyết quyền lợi cho người dân, có như vậy người dân mới đồng thuận với đề xuất này.