Hiện đại hóa hay giết chết taxi truyền thống

Ngày 25/3 vừa qua, các tài xế taxi ở Quebec (Canada) đồng loạt đi chậm biểu tình nhằm phản đối Dự luật số 17 của chính phủ được cho là sẽ bãi bỏ các quy định của ngành công nghiệp taxi.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Trong khi các nhà chức trách cho rằng Dự luật mới sẽ mang lại nhiều lợi ích khi thúc đẩy sự cạnh tranh giữa taxi truyền thống và các dịch vụ gọi xe qua ứng dụng như Uber thì các tài xế gọi dự luật này là một “hành động gây chiến”.

Các tài xế taxi ở Quebec (Canada) đồng loạt đi chậm biểu tình trên đường phố nhằm phản đối Dự luật số 17. Ảnh: rcinet.ca

Ở Montreal, thành phố Quebec và Laval, các tài xế tổ chức cuộc biểu tình đi chậm gây tắc nghẽn giao thông. Tại thành phố Quebec, họ biểu tình trước tòa nhà Quốc hội, chặn một đại lộ lớn, bấm còi và giơ cao biểu ngữ, trong khi ở Montreal, các tài xế tập trung ở Quốc lộ 20, làm gián đoạn giao thông.

Sở dĩ xảy ra sự việc này bởi, chính quyền tỉnh Quebec đệ trình Dự luật số 17, nhằm cho phép taxi truyền thống tính cước linh hoạt giống các ứng dụng gọi xe như Uber và bãi bỏ các quy định của ngành taxi.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Francois Bonardel cho biết: Dự luật mới giúp hiện đại hóa ngành công nghiệp taxi trong kỷ nguyên đặt chỗ trên ứng dụng.

 

“Sẽ có ít sự quản lý hơn, ít tác động tài chính hơn đối với ngành công nghiệp taxi và họ sẽ thu được nhiều tiền hơn. Dự luật mà chúng tôi đệ trình trước tiên là hướng tới hành khách, và giống như tôi đã nói, mục đích của dự luật là tìm sự cân bằng giữa công nghệ mới và ngành công nghiệp taxi truyền thống đã tồn tại suốt 50 năm ở Quebec”.

Tuy nhiên, một số người coi dự luật này là một cách để chính phủ ủng hộ các ứng dụng gọi xe.  Trên thực tế, mâu thuẫn giữa các tài xế taxi và Uber đã có từ lâu; họ cho rằng Uber đã giảm giá cước và hoạt động tự do khi không phải tuân theo các các quy của ngành taxi.

Tài xế Souheil Saade của hãng taxi Co-Op de LithOuest cho biết sự trỗi dậy của Uber buộc các tài xế phải làm việc nhiều giờ hơn để kiếm sống.

 

“Chúng tôi làm việc 16 giờ mỗi ngày và mọi tài xế đều không thể gặp mặt gia đình mình. Nhiều vấn đề tồn tại bởi điều này. Rất nhiều người bị trầm cảm, rất nhiều người bị ốm”.

Được biết, theo quy định, tài xế taxi truyền thống phải thuê giấy phép hoạt động với giá 300 -500 USD/tuần hoặc mua với giá từ 100.000 – 150.000 USD; thậm chí có người phải mua với giá hơn 200.000 USD.

Tuy nhiên, do sự xuất hiện của Uber, giá trị của giấy phép giảm mạnh, hiện chỉ còn 90.000 USD một giấy phép.

Nếu dự luật mới được thông qua, những giấy phép trở nên vô giá trị. Chính phủ hứa hẹn sẽ bồi thường cho các tài xế 500 triệu đô la. Thế nhưng, hiện có khoảng 8.300 giấy phép taxi ở Quebec; vì thế các tài xế lo ngại số tiền đó không đủ để đền bù cho một nửa những thiệt hại của họ.

Tài xế Hassan Hachem, người đã phải thế chấp nhà để vay 150.000$ mua giấy phép taxi, hiện vô cùng lo lắng vì có thể không đủ khả năng trả nợ nếu dự luật mới có hiệu lực.

 

"Chúng tôi không muốn trở thành Uber, bạn biết đấy. Chúng tôi thích làm việc như một taxi truyền thống, giống như mọi nơi trên thế giới”.

Một số người coi dự luật này là một cách để chính phủ ủng hộ các ứng dụng gọi xe

Các chủ doanh nghiệp taxi cho biết có nhiều lựa chọn tốt hơn là bãi bỏ các quy định của ngành taxi. Họ đấu tranh không phải để loại bỏ Uber mà để giữ ngành công nghiệp taxi sống sót, hướng tới sự đổi mới. Nhưng họ không nhìn thấy bất cứ sự đổi mới nào trong kế hoạch của Bộ trưởng.

Bất chấp các cuộc đình công của hàng nghìn tài xế, Bộ trưởng Bonnardel cho biết ông sẽ không rút lại dự luật này và tái khẳng định rằng các tài xế sẽ không nhận được thêm một đồng nào tiền bồi thường.

 

"Nửa tỷ đô là rất nhiều tiền rồi. Tôi nghĩ rằng đó là một số tiền hợp lý để bồi thường cho ngành công nghiệp taxi. Đó là số tiền cuối cùng dành cho họ”.

Kể từ khi Uber chính thức xuất hiện ở Quebec vào năm 2014, các tài xế taxi Montreal sống trong tình cảnh khó khăn. Họ nhiều lần phản đối và yêu cầu chính quyền hành động để bảo vệ ngành công nghiệp taxi. Tháng 1 năm nay, công ty Teo Taxi tuyên bố sẽ ngừng hoạt động, khiến 450 tài xế không có việc làm.

Không chỉ tại Canada mà ngay tại Việt Nam, “cuộc chiến” giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Không chỉ là vấn đề cạnh tranh thị trường mà còn dẫn tới cuộc chiến pháp lý, với vụ kiện tụng dai dẳng giữa Vinasun và Grab. Đặc biệt mới đây, Hiệp hội taxi Đà Nẵng cho biết đang làm việc với Văn phòng luật sư để hoàn tất thủ tục khởi kiện Grab Việt Nam.

Thế nhưng, đại đa số người tiêu dùng cho biết họ không quan tâm ai đúng ai sai; với họ  dịch vụ nào đem lại nhiều thuận tiện, giá thành rẻ... thì sẽ được lựa chọn.