Hãy thay thế nhà ở xã hội bằng nhà cho thuê

Hàng triệu người thu nhập thấp không có khả năng tiếp cận nhà ở, hàng triệu lao động nhập cư phải ở trong những xóm trọ tồi tàn không có bất cứ tiêu chuẩn nào, trong khi chính sách nhà ở xã hội thì bộc lộ quá nhiều điểm bất hợp lý.

Giữa tháng 4, HĐND TP HCM phối hợp công đoàn, hội phụ nữ thành phố khảo sát 41.000 lao động nữ về nhu cầu nhà ở.

Kết quả cho thấy trên 40% công nhân ở nhà thuê; 36% ở chung với gia đình và chỉ có 17% có nhà ở tại thành phố, 40% có thu nhập dưới 5 triệu đồng/tháng.

Những kết quả này không làm ai bất ngờ. Nhưng nó là cơ sở để khẳng định chính sách xây nhà ở xã hội để bán cho người có thu nhập thấp là điều không khả thi.

Chung cư - nhà ở xã hội Topaz City ở Q.8, TP.HCM. Ảnh: Ngọc Dương/Thanh niên

Sau gần 20 năm vận dụng chính sách xây nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu nhà ở cho người nghèo, người thu nhập thấp, đến thời điểm hiện tại chúng ta vẫn thường đọc được các tít báo kiểu “vợ chồng công nhân phải tiết kiệm 1000 năm mới mua được nhà ở xã hội”.

Tất nhiên, đó là một góc nhìn châm biếm, nhưng không xa thực tế. Thực tế, những khu nhà ở xã hội ở TP.HCM hoặc Hà Nội đang thuộc về ai, những chủ nhân thực sự của nhà ở xã hội có phải là người nghèo?

Cần phải thẳng thắn khẳng định với mức thu nhập dưới mức phải nộp thuế thu nhập thì việc tiết kiệm mua nhà ở xã hội giá 1 tỷ là điều bất khả.

Chúng ta không thể xây dựng những khu nhà có phẩm cấp, chất lượng thấp đến mức tiệm cận với thu nhập của người nghèo trong cùng một địa bàn mà mặt bằng giá bất động sản cao chót vót ở các thành phố lớn. Chúng ta không thể hạ chuẩn nhà ở đô thị.

Mặt khác, thử nhìn lại nội hàm của khái niệm nhà ở xã hội. Về mặt khái niệm, nó được coi là nhà ở có sự hỗ trợ của nhà nước dành cho những đối tượng cần được hỗ trợ, trong đó có người lao động có thu nhập thấp. Với cách diễn giải này, có thể thấy nhà ở xã hội giống như một chính sách để từ thiện hỗ trợ, hơn là một chính sách để giải quyết nhu cầu của một bộ phận cư dân trong xã hội.

Mà cái chúng ta thực sự cần giải quyết trong câu chuyện này là nhu cầu nhà ở của một lực lượng lao động quan trọng của xã hội, chứ không phải làm từ thiện cho một nhóm người thuộc diện chính sách.

Điều đáng nói hơn. Chính sách về nhà ở xã hội hiện nay quy định người được mua, nếu như có đủ tiền, là những người phải có đăng ký tạm trú tối thiểu 1 năm. Điều này có nghĩa là người lao động nhập cư, lực lượng lao động đông đảo nhất ở các thành phố lớn, bị loại bỏ khỏi chính sách này.

Vậy, làm thế nào để giải được bài toán nhà ở cho người thu nhập thấp, đặc biệt là nhóm lao động nhập cư?

Người thu nhập thấp ở thành phố hiện nay hầu hết đang ở nhà thuê. Và các chính sách của nhà nước nhằm hỗ trợ nhóm người lao động thu nhập thấp hoàn toàn không tác động tới thị trường nhà cho thuê.

Chất lượng sống của người lao động ở các xóm trọ hiện nay hoàn toàn không có bất cứ tiêu chuẩn nào. Điều kiện vệ sinh, an ninh, an toàn và giá cả hoàn toàn bị thả nổi trong tay các chủ nhà trọ.

Vì vậy, muốn thực sự cải thiện điều kiện sống cho người thu nhập thấp ở khía cạnh nhà ở, thay vì ưu đãi cho các doanh nghiệp xây nhà ở xã hội, nhà nước cần có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư xây nhà cho thuê, với các tiêu chí để nó không thể chuyển đổi mục đích sử dụng.

Tại các khu công nghiệp, tiêu chí phải có ký túc xá, nhà ở cho thuê đảm bảo tiêu chuẩn cũng phải được xác lập là một phần hạ tầng bắt buộc theo quy mô sử dụng lao động.

Thị trường bất động sản đô thị hiện nay đang lệch lạc một cách đáng kinh ngạc khi mà 10 dự án căn hộ bán ra thì 9 dự án được quảng cáo là căn hộ cao cấp, với các tiêu chí sang chảnh và sinh lời. Điều đó khiến cho người thu nhập thấp càng ngày càng khó tiếp cận nhà ở hơn.

Thị trường nhà cho thuê hiện nay chủ yếu được cung cấp bởi những người đầu cơ, cho thuê những căn hộ chưa có nhu cầu sử dụng, hoặc những căn hộ mua chỉ để chờ tăng giá chốt lời, thậm chí mua để giữ tiền nhàn rỗi.

Việc không có chủ trương phát triển nhà cho thuê đã vô tình tạo ra một nghịch cảnh khi mà hàng triệu người lao động phải sống trong những xóm trọ nhếch nhác tồi tàn không có bất cứ tiêu chuẩn nào thì có hàng trăm khu biệt thự bỏ hoang trong các khu đô thị đầy đủ hạ tầng.

Đó là một sự lãng phí nghiêm trọng nguồn lực xã hội, hơn thế nữa, còn tạo nên một hình ảnh phát triển lệch lạc của các đô thị lớn ở Việt Nam.