Những tiếng cười giòn tan của cả cô lẫn trò... khi nhìn thấy những chú hươu cao cổ nhẩn nha ăn lá cây và cụ bà voi Chuông đang chậm rãi bước, uyển chuyển chào mọi người.
Trong không gian của Thảo Cầm Viên, những đứa trẻ được tìm hiểu về thế giới động vật, và thoả thích khám phá thế giới tự nhiên. Chuyến đi học mà chơi “Gieo hạt yêu thương - Lan toả hạnh phúc” không chỉ giúp các em lần đầu biết đến các loài động vật quý hiếm mà còn được tìm hiểu về đặc điểm, tập tính của từng loài thông qua trò chơi ghép hình.
Em Lâm Trương Thiên An, học sinh lớp 1/6, trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm háo hức chia sẻ: “Sáng hôm nay, con được tham gia ghép hình cùng các bạn. Con ghép được hình con voi. Ghép hình rất vui và đi chơi cũng rất vui. Con muốn có nhiều hoạt động thế này nữa”.
Sau khi làm lễ khai mạc tại trường, 8 giờ sáng, các em học sinh nắm tay nhau theo từng tốp, dưới sự hướng dẫn của các cô giáo, di chuyển sang Thảo Cầm Viên để trải nghiệm 5 trạm. Trạm 1 Khám phá Thảo Cầm Viên, trạm 2 Khu rừng bí ẩn, trạm 3 Thảo Cầm Viên muôn màu, trạm 4 Giải cứu động vật và trạm 5 Cuộc đua muôn thú.
Những trải nghiệm ở các trạm đã giúp học sinh rèn luyện và củng cố kiến thức và các âm đã học trong bài Tiếng Việt với chủ đề “Đi sở thú”.
Chị Ngô Thuỵ Nam Phương, giáo viên chủ nhiệm lớp 1/6 ướt đẫm mồ hôi khi vừa là cô giáo, vừa là hướng dẫn viên cho các học sinh: “Trong chương trình Giáo dục Phổ thông 2018 môn Tiếng Việt có chủ đề “Đi sở thú”. Chủ đề này rất thích hợp để tích hợp các môn học như Toán, Mỹ Thuật, Hoạt động trải nghiệm, Thể dục nên Tổ chuyên môn khối 1 đã mạnh dạn tổ chức ngày hội để học sinh tự do trải nghiệm các trạm, nhằm ôn lại các kiến thức đã học ở trên lớp. Qua đó, giáo viên chúng tôi mong muốn sẽ gieo một hạt giống hạnh phúc để trong tâm trí trẻ thơ nảy mầm niềm vui - Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
Thảo Cầm Viên không chỉ là một vườn thú, mà còn là một phòng học ngoài trời đầy sáng tạo. Việc đưa học sinh ra ngoài thực tế thiên nhiên, giúp các em vừa học vừa chơi, tăng niềm vui và hiệu quả học tập, tăng khả năng giao tiếp và sử dụng ngôn ngữ, phát triển kỹ năng.
Đặc biệt, việc chia sẻ những bức tranh trên nền tảng Padlet với chủ đề “Thảo Cầm Viên trong mắt em” đã tạo ra không gian kết nối, nơi các em có thể thể hiện tài năng và học hỏi lẫn nhau. Ngày hội còn thu hút sự tham gia của cha mẹ học sinh.
Chị Ngô Quỳnh Như cho biết: “Nhà trường đã tạo ra môi trường thú vị trong hoạt động học tập, giúp các con phát triển được kỹ năng, sáng tạo và tư duy của mình. Đồng thời, nhà trường cũng đã tạo được môi trường gắn kết giữa phụ huynh, giáo viên và học sinh. Một ngôi trường hạnh phúc không chỉ là một ngôi trường cung cấp về kiến thức, mà còn là nơi để các em có thể nuôi dưỡng và phát triển toàn diện về trí tuệ và cảm xúc”.
Chị Nguyễn Thị Thu Trang có mặt từ rất sớm và đồng hành cùng con trong mọi hoạt động, đặc biệt ở trạm Cuộc đua muôn thú, chia sẻ:
“Mặc dù thời tiết không được đẹp như mọi người trông chờ nhưng các bạn cũng hào hứng chờ đợi để mọi người tham gia. Bản thân tôi cũng rất thích tham gia các chương trình này cùng các con. Các con nên được đi ra ngoài, tham gia các hoạt động trải nghiệm nhiều hơn, thứ nhất là tốt cho sức khoẻ, thứ hai là các bạn sẽ cảm nhận được thiên nhiên, được môi trường. Cái hay nữa là có sự kết nối với các bạn bè”.
Bà Đỗ Ngọc Chi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm thông tin, trường Nguyễn Bỉnh Khiêm đã bước đầu đạt được tiêu chí xây dựng Trường học hạnh phúc do Sở Giáo dục Đào tạo TP.HCM quy định.
Thông qua các hoạt động giáo dục tại nhà trường một cách thiết thực nhất, thầy cô giáo đều nỗ lực để học sinh vui khi đến trường. Trường khuyến khích mỗi tổ khối mỗi học kỳ căn cứ vào khung chương trình giảng dạy của mình để lập nên kế hoạch Ngày hội phù hợp, giúp các em vừa học vừa chơi.