Hàng hóa đứng yên nhìn xăng dầu giảm giá liên tiếp

Sau khi lập đỉnh vào cuối tháng 6, giá xăng có 5 lần giảm liên tiếp, xuống mức xấp xỉ 24.000 đồng/lít, tương đương hồi tháng 10/2021.Tuy nhiên, giá cả hầu hết các hàng hóa, dịch vụ đã thiết lập mặt bằng mới rất cao lúc giá xăng leo thang, vẫn đứng yên, bất chấp các chỉ đạo về kiểm soát và bình ổn giá.

Giống như nhiều người nội trợ khác, bà Lê Kim Khánh, ở Long Biên, Hà Nội phải cân nhắc, đắn đo nhiều hơn mỗi lần đi chợ trong thời buổi “bão giá”. Xăng dầu giảm liên tục trong hơn 1 tháng qua, bà Khánh nhiều lần hy vọng giá cả theo đó sẽ “hạ nhiệt”, nhưng rồi lại thất vọng:

"Cơ quan nhà nước chẳng biết có vào cuộc hay không mà mọi thứ vẫn như thế. Thịt ngon thì phải 130.000. Trứng ngày xưa chỉ 30.000, giờ thì 40.000. Rau củ quả đều tăng. Ngày xưa một ngày mình chi tiêu 150.000, 200.000. Bây giờ cứ phải 250.000, nhưng mọi thứ lại bớt đi một tý. Tôi cũng hỏi tại sao thì họ bảo giá cước xe vẫn chưa giảm thì cũng không biết làm thế nào hết", bà Khánh cho biết.

Theo khảo sát của phóng viên VOV Giao thông, giá cả các mặt hàng tại chợ truyền thống gần như đứng yên, thậm chí tăng giá.

Tại chợ Long Biên - chợ đầu mối hoa quả lớn nhất Hà Nội, giá các mặt hàng tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/kg: cam sành từ 15.000 - 20.000, bưởi da xanh từ 60.000 - 80.000, thanh long 45.000, táo 100.000,… Cá biệt có xoài xanh Đài Loan giá tăng gấp đôi, từ 15.000 - 20.000, nay tăng lên thành 50.000 đồng/kg.

Các mặt hàng rau củ cũng nhích lên từ 2.000 - 3.000 đồng. Tại chợ Gia Lâm, giá cà chua là 25.000/kg, xà lách 50.000, rau muống, mồng tơi 8.000 - 10.000/mớ,…

Một số tiểu thương lý giải, bên cạnh yếu tố thời tiết thì sức mua kém khiến họ giữ giá để bù vào chỗ hàng bị hỏng:

"Giá xăng thì tôi không liên quan gì, tôi chỉ biết về hoa quả thôi".

"Tại vì đợt mưa to, rau dưa nó hỏng hết, đợt này hơi đắt chứ đợt trước cũng vừa vừa thôi. Rau nó hiếm nên đắt, không phải xăng giảm là các mặt hàng giảm theo xăng đâu".

Tương tự là giá cả của nhiều nhà hàng, quán ăn. Đơn cử như giá phở, mỗi bát phở tại Hà Nội có giá khoảng 35.000 - 40.000 đồng, tăng theo giá xăng nhưng nay không giảm.

Khi xăng dầu đã giảm giá mạnh tới lần thứ 5 liên tiếp, nhưng các loại hàng hoá, dịch vụ trên thị trường hầu như vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội nhận định, việc giảm giá bao giờ cũng có độ trễ vì các doanh nghiệp vận tải cần thời gian trình phương án giá, doanh nghiệp hàng hóa phải tính toán lại giá chênh lệch. Tuy nhiên, độ trễ này không nên kéo dài, như hơn 1 tháng nay là không ổn, đặc biệt là khi đã có Công điện số 679 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá:

"Giá xăng dầu chỉ chiếm một phần, nhưng đã giảm tương đối mạnh thì cũng phải giảm đi, nhất là cước vận tải và cước taxi. Những đơn vị nào “có tóc”, phải kê khai giá, kiểm tra cẩn thận. Tôi nói ví dụ một số siêu thị, không phải tất cả. Thịt lợn ba chỉ ở chợ là 150.000 nhưng một số siêu thị vẫn 210.000 - 220.000, quản lý thị trường ở đâu? Đến hôm nay không hề có số liệu của cơ quan giá về kiểm soát một số tụ điểm cao giá. Tổ chức thực hiện việc kiểm soát giá là yếu, mà các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM phải làm nghiêm trước đi. Một mặt là kêu gọi doanh nghiệp tự giác, một mặt phải có cơ quan kiểm soát. Nếu anh nào bán cao quá thì yêu cầu kê khai giá theo đúng quy định", ông Vũ Vinh Phú nói.

Cũng theo ông Vũ Vinh Phú, với hệ thống chợ dân sinh, trách nhiệm của chính quyền địa phương, các đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ,… cần được nâng cao để vận động tiểu thương, ổn định giá cả thị trường./.