Hạn chế xe hợp đồng trên một số tuyến phố: Cần hướng đến hạn chế phương tiện cá nhân

VOVGT- Trong giờ cao điểm, khả năng chở của taxi cao hơn so với xe cá nhân, một số ý kiến cho rằng, việc hạn chế lưu thông nên hướng tới phương tiện cá nhân

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Một số biển cấm xe trong nội thành Hà Nội (Ảnh: Hội Nhà báo Việt Nam)

Nói về việc cắm biển hạn chế xe hợp đồng dưới 9 chỗ trên 13 tuyến phố, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, trước đây, để giảm ùn tắc giao thông trong một số thời điểm nhất định, Hà Nội đã hạn chế phương tiện taxi, xe tải trên một số tuyến đường nhằm giảm lưu lượng phương tiện giao thông, góp phần khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông.

Thực tiễn TP. Hà Nội đã triển khai trong nhiều năm qua và đạt được kết quả nhất định trong việc giảm ùn tắc giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho số đông người tham gia giao thông có được điều kiện tham giao giao thông thuận lợi hơn. Tuy nhiên, theo ông Viện, thời gian gần đây đã xuất hiện xe taxi công nghệ như Uber, Grab và phát sinh mâu thuẫn giữa việc hạn chế taxi truyền thống với taxi công nghệ nên TP. Hà Nội thống nhất quản lý xe Uber, Grab như taxi.

>>>Nhìn lại 1 năm cuộc chiến giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ

Ông Viện cho biết: “Về các điều kiện cụ thể, Chính phủ, Bộ GTVT đang sửa đổi quy định, tuy nhiên về tổ chức giao thông thì TP. Hà Nội được tổ chức giao thông phù hợp và TP. Hà Nội đã coi taxi công nghệ như taxi truyền thống nên việc gắn biển hạn chế đối với taxi công nghệ cho phù hợp với các biển hạn chế đối với taxi truyền thống là chúng tôi cho rằng điều đó đúng thẩm quyền và phù hợp với thực tế hiện nay góp phần hạn chế ùn tắc giao thông cũng như đảm bảo công bằng.”

 

Để giúp các lực lượng chức năng dễ dàng phân biệt loại hình taxi công nghệ và xe cá nhân, Sở GTVT đã yêu cầu các doanh nghiệp tham gia vận tải hành khách bằng xe hợp đồng dưới 9 chỗ phải dán logo tên doanh nghiệp 2 bên sườn xe. Trên cơ sở này, các lực lượng như CSGT, Thanh tra giao thông dễ dàng nhận biết và có biện pháp xử lý với các trường hợp vi phạm.

Biển cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi (Ảnh: Tuổi trẻ)

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, việc cấm taxi và một số phương tiện vận tải hành khách là bất hợp lý. Theo ông Thanh, đáng ra Thành phố phải dành quỹ đất nhất định cho các loại xe vận tải hành khách để tránh tình trạng xe chở khách phải chạy lòng vòng, khiến mật độ phương tiện giao thông gia tăng, trở thành một trong những nguyên nhân gây ùn tắc. Lãnh đạo Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cũng cho rằng, cần tạo cơ chế chính sách cho các loại hình này phát triển lên chứ không phải ngăn cấm, ngăn cản nó.

Ông Thanh nói: “Tôi thấy đấy là bất hợp lý, đã là rào cản, ngăn cản sự hoạt động, hành nghề bình thường của một nghề rồi. Tại sao lại ngăn cản hoạt động của taxi, cấm một số tuyến đường không cho taxi vào đó là ngăn cản hoạt động. Đáng ra anh nói về việc tránh ùn tắc thì phải cấm tất cả xe con, xe taxi còn chở khách, tại sao lại cấm. Ở một số nước còn cấm tất cả các loại xe con, riêng taxi cho đi vào, tại sao mình lại ngược lại như vậy.”

 

Dẫn kết quả nghiên cứu mới nhất, TS An Thị Minh Ngọc, Trường Đại học GTVT Hà Nội cho biết, sức chứa của taxi vào giờ cao điểm đạt hệ số 2,67, trong khi xe cá nhân chỉ đạt 1,7, tức là bình quân một phương tiện taxi khi lưu thông vào giờ cao điểm chở được gần 3 hành khách, trong khi xe cá nhân chở dưới 2 người.

Như vậy, xét về khả năng mức độ ảnh hưởng về đường thì xe cá nhân có hạn chế rất nhiều so với taxi. Từ thực tế này, TS An Thị Minh Ngọc cho rằng, cần hạn chế phương tiện cá nhân chứ không phải taxi hay xe hợp đồng dưới 9 chỗ.

TS An Thị Minh Ngọc nói: “Tôi không đồng tình với việc cấm taxi và xe hợp đồng điện tử vào giờ cao điểm và nếu cấm thì nên cấm phương tiện cá nhân. Còn taxi, kể cả xếp vào loại bán công cộng hay công cộng thì vẫn cần có sự ưu tiên.”

 

Như vậy, dù việc hạn chế taxi đã cho thấy tác dụng hạn chế ùn tắc nhất định và mới đây Hà Nội tiếp tục hạn chế phạm vi lưu thông của xe hợp đồng dưới 9 chỗ ở một số tuyến phố nhất định cũng nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông.

Tuy vậy, thực tế nghiên cứu cũng như ý kiến các nhà chuyên môn cho thấy, việc hạn chế phương tiện nên hướng tới phương tiện cá nhân hơn là phương tiện công cộng như taxi và xe hợp đồng, xét cả góc độ ảnh hưởng đến mật độ phương tiện cũng như khả năng chuyên chở giữa 2 loại hình này.

>>>Đề xuất cấm xe khách 25 chỗ vào thành phố – Vấn đề cần thực hiện cho Tp.HCM