Hạn chế tốc độ qua cổng trường học: Luật không thể 'chạy' theo quy hoạch

Hạn chế tốc độ qua khu vực cổng trường học nhằm đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông và các em học sinh là một biện pháp cần thiết. Tuy nhiên, nếu áp đặt bằng các quy định cứng cho tất cả các tuyến đường qua cổng trường học có thể sẽ không phù hợ

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Ký kết thỏa thuận ghi nhớ hợp tác giai đoạn II dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” giữa đại diện Quỹ Phòng chống Thương vong châu Á (Quỹ AIP) và lãnh đạo Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai. Ảnh: Báo Gia Lai

Sau 2 năm triển khai thí điểm dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” do Quỹ Botnar (Thụy Sỹ) tài trợ tại 2 trường Tiểu học Phan Đăng Lưu ở tỉnh lộ 670, xã Biển Hồ và Trường Tiểu học Nguyễn Lương Bằng, quốc lộ 19, phường Thắng Lợi, thành phố Plei-cu, tỉnh Gia Lai, mức độ an toàn của 2 trường được nâng lên mức 5 sao.

Ông Phan Hữu Hiếu- Chánh văn phòng Ban an toàn giao thông tỉnh Gia Lai đánh giá về kết quả của dự án này:

 

"Một trường học trên đường vành đai thành phố là giảm tốc độ từ 50 xuống 30km/ giờ,  một trường trên đường quốc lộ 19 qua trung tâm thành phố, (đường Lê Duẩn) giảm tốc độ từ 60 xuống 40 km/h.  Tức là 2 trường này, giảm tốc độ 20 km/h. Những đường này chủ yếu là đường qua trung tâm đô thị, đi qua đường đó thì bản thân của họ không nhanh rồi. Cho nên giảm 20 km/h thì phần lớn thì họ chấp nhận được",

Ông Hiếu cho biết thêm, điều quan trọng nhất của dự án này đã giúp người tham gia giao thông và các phụ huynh nhận thức được việc bảo vệ các em học sinh bằng việc giảm tốc độ mỗi khi đi qua khu vực trường học. Theo kết quả khảo sát, tỷ lệ phụ huynh có thể xác định chính xác giới hạn tốc độ tại khu vực các trường học đã tăng từ 15,9% (đầu kỳ) lên 65,8% (cuối kỳ).

Tổng kết dự án "Giảm tốc độ-Trường học an toàn”, đại diện Ủy ban an toàn quốc gia đề xuất giảm tốc độ tại các cổng trường học nằm trên quốc lộ. Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ tham mưu, đề xuất luật hóa tốc độ 30km/h qua cổng trường học.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật- Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông dẫn chứng, theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức y tế thế giới (WHO), nếu giảm tốc độ 5% thì số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng  giảm tới 30%. Điều này cho thấy, tốc độ phương tiện giảm, mức độ an toàn tăng lên và số lượng các vụ va chạm cũng giảm đi. Việc luật hóa quy định tốc độ là cần thiết:

 

"Nên có quy định cứng không chỉ ở các khu vực trường học mà cả có những khu vực đông dân cư tuy nhiên phải nghiên cứu tùy thuộc vào điều kiện đường sá, địa hình của khu vực đó, ngoài việc chúng ta đang có cảnh báo về biển báo, có gờ giảm tốc thì việc hạn chế tốc độ cần có những nghiên cứu thỏa đáng về mặt lí luận và thực tiễn".

Ùn tắc giao thông tại các khu vực cổng trường học nhiều năm nay đã trở thành một vấn đề nan giải của nhiều đô thị lớn. Ảnh: Hà Nội mới

Các chuyên gia cho rằng, một số đô thị trên thế giới thực hiện thành công giải pháp hạn chế tốc độ 30km/h tại các khu vực trường học để đảm bảo an toàn giao thông cho người đi bộ cũng như các em học sinh. Tuy nhiên, phần lớn các trường học nằm trong đô thị, nằm cạnh các đường nhánh, đường kết nối.

Còn tại Việt Nam, điều kiện hạ tầng có một số khác biệt và do sự phát triển không theo quy hoạch nên có một số lượng không nhỏ các trường học nằm sát đường quốc lộ, đe dọa đến sự an toàn của các em học sinh khi tham gia giao thông.

Theo Thạc sỹ Vũ Anh Tuấn- Giảng viên bộ môn Quy hoạch và quản lý giao thông vận tải, Đại học Giao thông vận tải, quốc lộ, tỉnh lộ có chức năng kết nối giao thông phục vụ cho những chuyến đi đường dài và với vận tốc lớn. Đề xuất cắm biển hạn chế tốc độ 30km/h có thể nâng mức đảm bảo an toàn cho những trường học nằm ven quốc lộ, nhưng lại có thể ảnh hưởng đến lưu thông, phát triển xã hội:

 

"Nếu triển khai các giải pháp này có thể gây xung đột cho những lợi ích khác ví dụ kết nối đường dài bị ảnh hưởng, tốc độ bị suy giảm và thời gian bị tăng lên nghĩa là chi phí chung của xã hội sẽ tăng lên".

Đại diện Tổng cục đường bộ Việt Nam cho rằng, việc nghiên cứu để hạn chế tốc độ phương tiện tại các khu vực trường học là cần thiết nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho các em học sinh cũng như người tham gia giao thông.\

Tuy nhiên, tùy thuộc vào mỗi khu vực, với mức độ lưu lượng phương tiện tham gia giao thông khác nhau, các cơ quan quản lý giao thông sẽ nghiên cứu và quy định tốc độ, cũng như phương án tổ chức giao thông phù hợp

Ông Vũ Ngọc Lăng- Vụ trưởng Vụ an toàn giao thông, Tổng cục đường bộ cho biết, có thể sử dụng nhiều giải pháp khác nhau để đảm bảo an toàn ở khu vực cổng trường học.

 

"Không nhất thiết cắm biển 30km/h mà có thể dùng các giải pháp khác. Có thể cắm biển cảnh báo hoặc hạn chế tốc độ ở mức độ cao hơn, ví dụ 50km/h, hoặc cắm đèn tín hiệu, một số chỗ có thể làm cầu vượt nhẹ cho các cháu đi qua".

Trên thực tế, để giai đoạn 1 dự án "Giảm tốc độ-Trường học an toàn" đạt được kết quả nêu trên, ngoài việc bổ sung biển báo giảm tốc độ xuống 20km/h tại các khung giờ cao điểm, dự án còn tiến hành cải tạo cơ sở hạ tầng như bố trí cụm vạch sang đường nâng cao, đèn cảnh báo chớp vàng,  bổ sung cụm chữ Đi chậm/ Hướng dẫn phụ huynh đỗ xe và cải tạo hơn 1000 mét vuông vỉa hè.

Bên cạnh đó, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua tờ rơi, bảng tuyên truyền, mạng xã hội,  lực lượng CSGT tỉnh Gia Lai cũng đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện những đợt ra quân xử lý các hành vi vi phạm về tốc độ, nhằm nâng cao ý thức chấp hành của người tham gia giao thông.

Nếu áp đặt bằng các quy định cứng cho tất cả các tuyến đường qua cổng trường học có thể sẽ không phù hợp với quy định chung trong tổ chức giao thông. Ảnh: Báo Gia Lai

Hạn chế tốc độ qua khu vực cổng trường học nhằm đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông và các em học sinh là một biện pháp cần thiết. Tuy nhiên, nếu áp đặt bằng các quy định cứng cho tất cả các tuyến đường qua cổng trường học có thể sẽ không phù hợp với quy định chung trong tổ chức giao thông, ít nhiều sẽ gây tác động đến lưu thông trên tuyến.

Mời quý vị cùng đến với góc nhìn của VOVGT về vấn đề này qua bài bình luận: “Luật không thể “chạy” theo quy hoạch”

 

Mọi biện pháp hướng tới cải thiện ATGT cho trẻ em đều quan trọng và rất cần thiết, hướng tới mục tiêu nhân văn là bảo vệ trẻ em ngày càng tốt hơn. Dù không phải trường học nào cũng nằm trên trục chính của giao thông, và dù số vụ TNGT xảy ra ở cổng trường có thể chưa  phải là lớn trong thống kê TNGT xảy ra với trẻ em hàng năm, thì vẫn nên tính tới và xúc tiến các giải pháp này, như một sự phòng ngừa từ xa đối với các nguy cơ tiềm ẩn.

Hơn nữa, đó còn là việc tạo sự an tâm cho trẻ em, cho người đưa đón trẻ và các thầy cô giáo ở khu vực cổng trường, thay vì nỗi thấp thỏm, bất an thường trực. Đó cũng còn là vấn đề an ninh nhiều mặt ở cổng trường, không riêng chuyện tham gia giao thông.

Việc cưỡng chế tốc độ về mức đủ an toàn trên những đoạn đường qua cổng trường học được thí điểm ở một số nơi với hiệu quả rõ nét, là điều kiện thuận lợi để mở rộng triển khai giải pháp này. Và nếu áp dụng được một cách nghiêm khắc triệt để, thì chỉ số an toàn chắc chắn sẽ được cải thiện, chứ không trông đợi vào mức độ tự giác hay cảm nhận chủ quan của lái xe, nhất là đối với các cổng trường ngay sát mặt đường.

Tuy nhiên, nếu áp đặt bằng các quy định cứng cho tất cả các tuyến đường qua cổng trường học, ít nhiều sẽ gây tác động đến lưu thông trên tuyến.

Ùn tắc giao thông có thể xảy ra trên quốc lộ, đường liên tỉnh, đường trục chính nếu xe buộc phải giảm sâu tốc độ qua cổng trường, ngay cả những thời điểm học sinh đang ngồi trong lớp, hay vào ngày nghỉ, kỳ nghỉ. Nó cũng có thể không thật sự cần thiết khi theo quy định hiện hành, người lái xe buộc phải giảm tốc độ về ngưỡng an toàn và chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ ở những nơi có vạch sang đường dành cho người đi bộ, khi gặp biển báo khu vực có trẻ em, khi có gờ giảm tốc, biển báo khu vực đông dân cư.

Và nó có thể gây lãng phí, nếu ở cổng trường đã có cầu vượt, hầm bộ hành hoặc đường gom để dẫn đến các điểm đấu nối ra quốc lộ, tỉnh lộ.

Quy định về tốc độ là một hoạt động của tổ chức giao thông, do các cơ quan, đơn vị thực hiện theo trách nhiệm phân công đối với từng cấp đường, được hướng dẫn bằng các thông tư hoặc quy định của từng địa phương. Do đó, việc “luật hóa” quy định giảm tốc độ qua cổng trường với một mức tốc độ ấn định nào đó, dù mang mục đích tốt, nhưng sẽ là không phù hợp với quy định chung trong tổ chức giao thông, vừa dễ gây bất cập do khác biệt về tầm quan trọng của từng tuyến giao thông qua cổng trường.

Còn nếu chỉ quy định chung về yêu cầu giảm tốc độ qua cổng trường bằng các báo hiệu đường bộ, thì đó gần như là việc đương nhiên phải làm trong hoạt động tổ chức giao thông.

Cho nên, trước khi cân nhắc luật hóa quy định giảm tốc độ qua cổng trường hay không, cũng cần xem lại việc tổ chức giao thông thông thường đã tôn trọng các nguyên tắc cần có đối với giao thông qua cổng trường học và khu vực có đông trẻ em xuất hiện hay chưa.

Và quan trọng hơn, cần chấm dứt tình trạng quy hoạch sau phá vỡ quy hoạch trước, quy hoạch này không tôn trọng quy hoạch kia, dẫn tới các cổng trường bị “đẩy” ra trục giao thông chính với nhiều rủi ro phức tạp; tránh tư duy của một nền giáo dục “chạy đua” thay vì cung cấp dịch vụ theo nhu cầu của các cộng đồng dân cư gắn với nơi họ sinh sống.

Nếu điều đó chưa làm được, thì sẽ có rất nhiều thứ phải điều chỉnh theo để đảm bảo an toàn giao thông ở cổng trường, chứ không riêng chuyện tốc độ./.