Hạ tầng cấp nước: Không thể đầu tư nửa vời

Từ sự cố thiếu nước sạch ở KĐT Thanh Hà cho thấy phần nào những bất cập hiện nay trong công tác xây dựng mạng lưới cấp nước.

Việc các dự án nhà máy nước chậm tiến độ hoặc đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất nước không đi kèm với hệ thống mạng lưới cấp nước đồng bộ, đến tận tay người tiêu dùng có thể khiến tình trạng thiếu nước sinh hoạt sẽ vẫn còn xảy ra tại nhiều khu vực trên địa bàn thủ đô.

Giải pháp nào để giải quyết căn cơ tình trạng này?

 

Cuối năm 2022, các cử tri tại một số huyện Đông Anh, Sóc Sơn đã phản ánh về tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt, do dự án xây dựng mạng lưới phân phối nước chậm tiến độ nhiều năm, mặc dù được phê duyệt từ năm 2017 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.

Vào mùa hè năm 2023, nhiều hộ dân tại xã Kim Chung, huyện Hoài Đức phải sống trong tình cảnh mất nước kéo dài hơn 12 ngày do Công ty nước sạch Tây Hà Nội cắt nước với lí do không có đủ nguồn nước cung cấp cho người dân.

Gần đây nhất, vào tháng 10 vừa qua, sự cố nước bị nhiễm bẩn từ Trạm cấp nước ngầm của Công ty Cổ phần nước sạch Thanh Hà đã ảnh hưởng đến hàng nghìn hộ dân ở  Khu đô thị Thanh Hà trong nhiều ngày, khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn.

Trước nhiều ý kiến băn khoăn về sự tồn tại của Trạm cấp nước ngầm tại KĐT Thanh Hà,  ông Lê Văn Du, Phó trưởng phòng hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng Hà Nội nói:

"Theo định hướng quy hoạch cấp nước của thành phố, khu đô thị Thanh Hà sẽ được cung cấp nước từ Nhà máy nước mặt Sông Đà và trong Quyết định điều chỉnh quy hoạch cấp nước năm 2016 bổ sung thêm Nhà máy nước sạch Xuân Mai, tuyến truyền tải cấp nước là đường vành đai 4 và 3,5.

Tuy nhiên, hiện nay, dự án Cấp nước sông Đà giai đoạn 2 quy mô công suất 600 nghìn m3/ngày đêm chưa hoàn thành và Nhà máy nước sạch Xuân Mai chưa triển khai thực hiện. Năm 2018, thành phố cho phép triển khai Trạm cấp nước cục bộ tại khu vực này".

Sự cố nước bị nhiễm bẩn từ Trạm cấp nước ngầm của Công ty Cổ phần nước sạch Thanh Hà đã ảnh hưởng đến hàng nghìn hộ dân ở Khu đô thị Thanh Hà trong nhiều ngày, khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng, Bộ Xây dựng, tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại một số khu vực trên địa bàn thành phố Hà Nội  xuất phát từ việc một số dự án xây dựng nhà máy nước và dự án xây dựng mạng lưới phân phối, dịch vụ cấp nước bị chậm tiến độ.

Một số dự án chưa đầu tư đồng bộ từ nhà máy sản xuất nước sạch đến mạng lưới truyền dẫn, phân phối đến các hộ dân, theo ông Tiến có thể là do :

"Trong thực tế, đối với các khu vực đô thị, các khu vực mà tập trung dân cư đông, việc đầu tư mạng lưới truyền dẫn thuận lợi hơn, còn các khu vực nông thôn thì do phân bố dân cư có những khu vực tập trung nhưng có những khu vực phân tán. Chính vì vậy mà việc đầu tư mạng lưới cấp nước đồng bộ cùng với nhà máy thì nó cũng có những khó khăn".

Theo ông Tiến, cần phải kiểm tra, rà soát các dự án chậm tiến độ để tìm hiểu nguyên nhân chủ quan và khách quan để từ đó có những giải pháp phù hợp.

Tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại một số khu vực trên địa bàn thành phố Hà Nội xuất phát từ việc một số dự án xây dựng nhà máy nước và dự án xây dựng mạng lưới phân phối, dịch vụ cấp nước bị chậm tiến độ. (Ảnh: Quang Hùng)

Ông Trịnh Văn Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (VIWASUCO) cho biết, Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà được giao xây dựng 3 đường ống truyền tải cấp 2 nhằm cung cấp nước sạch an toàn cho các nhà máy, các công ty cấp nước trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Bao gồm: Tuyến cấp 2 số 1 đi từ nút giao Đại lộ Thăng Long- Lương Thế Vinh- Nguyễn Xiển kết nối với Nhà máy nước Hạ Đình. Tuyến số 2 đi từ Đại lộ Thăng Long- Lê Trọng Tấn- Quang Trung (quận Hà Đông) kết nối với Công ty cấp nước Hà Đông để cấp nước cho các huyện Hoài Đức, quận Hà Đông. Tuyến số 3 đi từ Đại lộ Thăng Long- đường vành đai 3,5- Quốc lộ 32 kết nối với công ty cấp nước sạch Hà Nội, cấp nước cho các xã thuộc huyện Hoài Đức và quận Nam Từ Liêm.

Hiện nay cả 3 dự án đang triển khai xây dựng và dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 12 năm nay. Dự kiến, sau khi kết nối các tuyến nước này, giúp nâng công suất của nhà máy lên 315 nghìn m3/ngày đêm, tương đương tăng công suất 5 % so với công suất hiện tại,  đảm bảo phục vụ nước nhanh, đáp ứng một phần vào giờ cao điểm và ứng cứu một số khu vực khi thiếu hụt nước trong năm 2024

Ông Nam chia sẻ về tiến độ thực hiện dự án hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây- Hòa Lạc- Xuân Mai- Miếu Môn- Hà Nội- Hà Đông giai đoạn 2 (dự án nước sạch sông Đà giai đoạn 2):

"Công ty đang triển khai tích cực, hiện đã hoàn thành và đưa vào sử dụng toàn bộ tuyến ống truyền tải giai đoạn 2, dự án dài 46 km và trạm điều tiết Tây Mỗ. Dự kiến đến hết năm 2023, Dự án nước sông Đà giai đoạn 2 thực hiện được khoảng 50 % khối lượng công việc.

Trong 2 năm gần đây, mực nước sông Đà rất thấp, công ty bắt buộc phải thay đổi hạng mục công trình nguồn, điều chỉnh nguồn lấy nước. Hiện tại đang làm thủ tục với tỉnh Hòa Bình. Dự kiến đến năm 2025 hoàn thành dự án giai đoạn 2 nâng công suất của Nhà máy lên 600 nghìn m3/ngày đêm".

GS.TS Nguyễn Việt Anh, Trưởng Bộ môn Cấp Thoát nước, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật môi trường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện nay, việc phát triển mạng lưới truyền dẫn, phân phối nước sinh hoạt tại Hà Nội còn thiếu sự cân đối và đồng bộ.

Điều này khiến nhiều người dân ở một số khu vực tại Hà Nội chưa thể tiếp cận nước sạch. Do vậy, GS Việt Anh đề xuất:

"Chúng ta phải gắn việc xây dựng nhà máy nước với phát triển mạng lưới. Những nhà đầu tư nhà máy nước phải gắn với yêu cầu phát triển mạng lưới. Và nội dung về cấp nước an toàn phải được quan tâm và phải gắn vào trong quy hoạch, bao gồm cả cấp nước tập trung, cấp nước nhỏ lẻ. Những nội dung này phải đưa vào trong các văn bản pháp quy, đặc biệt là đưa vào Luật cấp thoát nước đang được xây dựng".

Một số ý kiến cho biết, việc xây dựng nhà máy nước sau đó bán buôn cho các các công ty phân phối thì nhanh có lãi, thu hồi vốn nhanh, việc phát triển mạng lưới chi phí cao hơn và mất thời gian.

Tuy nhiên, dù có xây dựng các nhà máy nước công suất lớn nhưng không có mạng lưới phân phối thì không được tới người dân. Do vậy, chính quyền các đô thị, các cơ quan quản lý và chủ đầu tư cần tập trung đầu tư nguồn lực để phát triển mạng lưới cấp nước đồng bộ với phát triển đô thị.

Đến nay vẫn còn 139 trên tổng số 413 xã chưa hoàn thành việc cung cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung (Ảnh: Báo Giao thông)

Hiện mới chỉ có 22/29 dự án phát triển mạng lưới cấp nước trên địa bàn thành phố hoàn thành và có tới gần 140 xã trên địa bàn thành phố Hà Nội chưa thể tiếp cận được nguồn nước sinh hoạt.

Do vậy, các cơ quan quản lý của thành phố cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc kiểm tra, rà soát tiến độ thực hiện các dự án, kiên quyết thay thế chủ đầu tư đối với các dự án bị chậm tiến độ để nhanh chóng hoàn thiện mạng lưới cấp nước cho thành phố.

Đây cũng là góc nhìn của VOV Giao thông: Cải thiện hạ tầng cấp nước, cần đồng bộ từ tư duy quản lý 

 

 

Theo Kế hoạch 311 của UBND thành phố Hà Nội, mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ cư dân đô thị trung tâm được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 100%, tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 98-100%.

Để đạt được mục tiêu này, thành phố Hà Nội giao thực hiện 7 dự án phát triển nguồn nước tập trung, 10 dự án đầu tư mới và cải tạo mạng lưới cấp nước truyền dẫn cấp I,II và mạng lưới cấp nước phân phối dịch vụ cấp III, IV; 27 dự án (bao gồm 19 dự án đã xây dựng trong giai đoạn 2017-2020) xây dựng mạng lưới cấp nước phân phối khu vực nông thôn.

Thời gian qua, thành phố đã tập trung nhiều nguồn lực để xây dựng và mở rộng mạng lưới cấp nước theo kế hoạch và tốc độ phát triển đô thị.

Theo Kết luận giám sát tình hình cung cấp nước sạch do HĐND thành phố công bố cuối tháng 9 vừa qua, về mạng lưới cấp nước, ở khu vực nông thôn, trong giai đoạn từ năm 2021 đến tháng 6/2023 đã triển khai 5 dự án và có thêm 27 xã được đầu tư hệ thống đường ống cấp nước.

Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 139 trên tổng số 413 xã chưa hoàn thành việc cung cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung. Trong khi chỉ còn 2 năm nữa là đến thời điểm thành phố hoàn thành mục tiêu toàn bộ các xã trên địa bàn được tiếp cận nước sạch.

Nước là nhu cầu thiết yếu của người dân, việc cung cấp nước sạch cho người dân còn mang ý nghĩa xã hội to lớn, giúp ổn định cuộc sống và trật tự đô thị (Ảnh: KTĐT)

Còn theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện chỉ có 22/29 dự án phát triển mạng lưới cấp nước hoàn thành và cơ bản hoàn thành. Thành phố vẫn còn 4 dự án chậm triển khai thực hiện và 3 dự án nhà đầu tư chưa thực hiện.

Việc chậm triển khai các dự án đầu tư các công trình cấp nước sạch và phát triển mạng phân phối, dịch vụ cấp nước sạch không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển đồng bộ của hệ thống cấp nước sinh hoạt của thành phố mà còn ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận nước sạch của người dân, ảnh hưởng đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội.

Do vậy, thời gian tới, thành phố cần có những giải pháp quyết liệt để xử lý tình trạng này.

Đối với cơ quan quản lý Nhà nước, cần nhanh chóng tiến hành rà soát, kiểm tra, các dự án xây dựng hạ tầng cấp nước chậm tiến độ, chưa thực hiện, tìm hiểu khó khăn, nguyên nhân gây chậm tiến độ để đưa ra những giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Đối với những dự án chủ đầu tư không đủ năng lực triển khai, không đảm bảo yêu cầu về công nghệ, vốn, cơ quan quản lý Nhà nước cần kiến nghị thành phố xem xét điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, thay thế nhà đầu tư nhằm đảm bảo cho các dự án thực hiện theo đúng kế hoạch, đúng tiến độ.

Về phía các Sở, ngành, UBND các huyện thị xã cũng cần khẩn trương hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư vào tiếp nhận vận hành, nâng cấp các công trình cấp nước sạch nông thôn hiện có.

Trong tâm lý của các nhà đầu tư, yếu tố lợi nhuận luôn được đặt lên hàng đầu là điều tất yếu. Trong khi đầu tư phát triển mạng truyền dẫn, mạng phân phối, dịch vụ cấp nước đòi hỏi nguồn vốn lớn, thu hồi vốn lâu hơn.

Tuy nhiên, nước là nhu cầu thiết yếu của người dân, việc cung cấp nước sạch cho người dân còn mang ý nghĩa xã hội to lớn, giúp ổn định cuộc sống và trật tự đô thị. Bởi vậy, đây cũng là lúc, các chủ đầu tư cần thể hiện vai trò, trách nhiệm xã hội của mình đối với thành phố, đối với người dân thủ đô.

Trong bối cảnh thành phố đang có những điều chỉnh về quy hoạch thủ đô, các cơ quan quản lý cũng sớm có những điều chỉnh về quy hoạch mạng lưới cấp nước cho phù hợp. Đồng thời, hoàn thiện khung chính sách, pháp luật, bổ sung các quy định, chế tài xử lý nghiêm các chủ đầu tư không thực hiện theo đúng tiến độ, kế hoạch đã đề ra, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, đảm bảo thị trường nước sạch được hoạt động một cách công khai, nh bạch công bằng.

Điều quan trọng, các Sở, ban ngành có liên quan cần đề cao sự đồng bộ trong tư duy và quy hoạch, để có sự phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai, giám sát quá trình thực hiện các dự án.