Hà Nội: Vẫn còn hàng loạt khu đất vàng nội đô đắp chiếu

Hàng chục năm qua, nhiều khu “đất vàng” ở các quận nội đô Hà Nội vẫn quây tôn, bỏ hoang cho cỏ dại mọc, gây lãng phí tài nguyên và phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến môi trường, an ninh trật tự. Trong khi đó, thành phố đang rất thiếu quỹ đất để phục vụ các mục đích công.

Dự án của UDIC trên đường Trần Kim Xuyến trở thành nơi tập kết vật liệu xây dựng, rác thải, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Dọc theo tuyến phố Trần Kim Xuyến, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy có hàng loạt dự án được quây tôn cả chục năm nay, nhưng vẫn án binh bất động.

Trong đó, riêng lô đất B2, Khu đô thị mới Yên Hòa được UBND thành phố Hà Nội giao cho Công ty Đầu tư và phát triển hạ tầng đô thị hơn 20 năm, nhưng dự án vẫn chưa được triển khai.

Bên trong Dự án của UDIC trên đường Trần Kim Xuyến là nơi tập kết vật liệu xây dựng

Nơi đây trở thành nơi tập kết vật liệu xây dựng, tập kết rác thải, gây ô nhiễm môi trường và lãng phí nguồn lực đất đai.

Bà Nguyễn Thị Lành, người dân sinh sống gần khu vực này chia sẻ: "Tôi thấy khu đất đấy quá lãng phí, giải tỏa lâu rồi nhưng không thấy triển khai gì cả, vẫn quây tôn để đấy, đúng là một sự lãng phí. Trong khi đó trường học rất thiếu thốn, xung quanh đây chỉ có mấy trường thôi, năm nào cũng qáu tải, không biết công tác quản lý quy hoạch của nhà nước ra làm sao".

Dự án khách sạn thương mại Sài Gòn tại 80 Lý Thường Kiệt

Còn dọc theo tuyến phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn kiếm sơ bộ cũng có tới vài ba dự án đất “kim cương” đắp chiếu nhiều năm, như dự án khách sạn thương mại Sài Gòn tại 80 Lý Thường Kiệt hay dự án đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của Ngân hàng SHB, số 31-35 phố Lý Thường Kiệt.

Theo người dân sinh sống gần khu vực dự án, vị trí này vô cùng đắc địa, chỉ cách Hồ Gươm vài trăm mét, hơn chục năm qua nơi đây chỉ quây tôn sơ sài cho thuê để ô tô.

Anh Đỗ Hồng Thanh cho biết: "Dự án SHB này lâu năm rồi, trên 10 năm rồi, cứ bỏ không thế này, lãng phí lắm, vì bây giờ đất thì chật học sinh thì đông thiếu trường lớp. Xe cộ, quây tôn thế này thực sự không an toàn, vệ sinh môi trường bị ảnh hưởng, trong đó cây cối rất hôi hám, ô nhiễm, an ninh trật tự không đảm bảo".

Dự án của SHB, số 31-35 phố Lý Thường Kiệt trở thành điểm trông giữ xe ô tô

Gắn bó cả cuộc đời tại con ngõ Vọng Đức, giáp ranh với dự án SHB, ông Nguyễn Văn Cường khá rõ nội tình của dự án này. Những tưởng người dân nhường đất để nơi đây có cơ hội phát triển khang trang, nào ngờ nhiều năm trôi qua, dự án vẫn im lìm. Ông Cường bày tỏ sự hồ nghi:

"Bên này lãng phí chứ, nhưng họ cứ để đó và quây lại, trước kia dự kiến được cấp phép xây 13 tầng nhưng xây cao không được thành phố cấp phép nên bây giờ họ đang chờ thời cơ để được xây cao hơn nữa".

Liên quan đến dự án này, UBND TP Hà Nội đã đề xuất 2 phương án, một là theo quy định hiện hành dự án có thể xây luôn 8 tầng. Hai là, xem xét đồ án thiết kế đô thị trên phố Lý Thường Kiệt để quyết định phương án quy hoạch cho phù hợp với thực tiễn.

Hiện TP. Hà nội đang giao nhiệm vụ thiết kế đô thị cho quận Hoàn Kiếm, đồ án thiết kế đô thị cho phố Lý Thường Kiệt sẽ sớm được công bố để chủ đầu tư áp dụng.

Dự án đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của Ngân hàng SHB, số 31-35 phố Lý Thường Kiệt

Ngoài các dự án nổi cộm nêu trên, Hà Nội hiện có gần 400 dự án chậm triển khai, riêng vực nội đô có hàng trăm dự án, phải kể đến như: Dự án 148 Giảng Võ, 131 Thái Hà… Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT đây là thực trạng đáng buồn, cho thấy sự yếu kém và thiếu trách nhiệm trong quản lý và sử dụng đất của thành phố Hà Nội.

Mặc dù chế tài xử lý đã được quy định rõ trong Luật Đất đai, thế nhưng dự án treo vẫn khá phổ biến. Vì thế cần làm rõ trách nhiệm và chế tài xử lý người đứng đầu các địa phương để xảy ra tình trạng này.

"Ở đây có khuyết điểm lớn nhất là, người lãnh đạo ở nnhững địa phương có dự án treo không hoàn thành trách nhiệm lãnh đạo của mình, nói cách khác là không thi hành đúng pháp luật đất đai trong xử lý các dự án treo. Như vậy là cán bộ quản lý có khuyết điểm, nhưng lại không có chế tài để xử lý cán bộ", GS. Đặng Hùng Võ nói.

Một dự án quây tôn nhiều năm trên đường Trần Kim Xuyến

GS. Đặng Hùng Võ còn cho rằng, chính sự vào cuộc không quyết liệt của chính quyền đã tạo khe hở cho nhiều chủ đầu tư. Họ cứ nộp đủ tiền sử dụng đất rồi để đó, tìm cơ hội chuyển nhượng dự án hưởng chênh lệch, sẽ “lãi” hơn nhiều so với việc triển khai dự án.

Trả lời chất vấn cử tri tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội gần đây về công tác giám sát đầu tư đối với dự án chậm triển khai, đại diện lãnh đạo thành phố khẳng định đang giao Sở Quy hoạch kiến trúc và các quận xây dựng đồ án thiết kế đô thị, chậm nhất quý I/2023 sẽ trình UBND TP xem xét; đồng thời xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan đối với từng dự án cụ thể.

Những dự án tại vùng lõi, thành phố sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ, tránh lãng phí nguồn lực đất đai.