Những ngày này, chị Mai Thị Thu Hương (trú tại Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội) vẫn liên tục phải ra vườn đào xới các gốc cây đào của gia đình. Thế nhưng, khác với công việc mọi năm là chăm bón cây để chờ ngày bán vào dịp Tết Nguyên đán thì thời điểm này, gia đình chị Hương lại phải nhổ bỏ các gốc cây đào đã chết vì bị ngập nhiều ngày trong nước.
Cả 1 khu vườn trồng đào cảnh xanh tốt, rộng hơn 1000m2 của gia đình chị Hương chỉ chờ vài tháng nữa là đến kỳ thu hoạch, thì nay đã trở thành 1 màu nâu ảm đảm với những cành lá héo rũ cùng những gốc cây khô cứng, ngập trong bùn đất sau trận lụt:
“Bao nhiêu năm nay, phải gần 20 năm nay nước chỉ lên đến nửa cây đào rồi rút thì đào vẫn sống, nhưng mà năm nay không ngờ lại như thế này. Giờ sống nhờ chủ yếu vào đào, cuối năm có tiền để mình sống quanh năm. Thực sự bây giờ đành phải chặt cây đi để trồng rau cỏ, trước mắt là như thế chứ cả làng ngập thế này thì làm gì còn giống vốn nữa. Sót ruột lắm, mất bao nhiêu công, lại phải xem có việc gì để đi làm thuê làm mướn…”
Cách đó không xa là vườn nhà bà Lê Thị Lụa. Bà Lụa cho biết, cả gia đình trông chờ vào hơn 300 gốc đào thì nay đã chết gần hết. Những ngày nước rút, cả gia đình phải cắt cử nhau nhanh chóng làm lại ruộng đất để kịp trồng hoa ngắn ngày cho dịp Tết sắp tới. Còn muốn trồng lại đào thì phải chờ ra giêng, khi mùa xuân đến, thời tiết thuận lợi, những cây đào giống mới có thể phát triển…:
“Tùy theo thị trường, năm nào trúng mùa đào thì lãi khoảng 300 triệu, bây giờ mất trắng rồi thì gia đình chết đói, chắc 2-3 năm nữa mới có đào. Giờ chúng tôi chỉ sống bằng nghề trồng đào và hoa cúc thôi, giờ mất trắng. Chúng tôi đang chờ đất cho khỏi sụt rồi cưa, cuốc đất, phơi lên. Mua đào con thì không được, giống ở đâu mà mua được. Bây giờ không có giống, Tết xong mua đào con để ươm, mấy năm mới được 1 cây đào chứ có phải dễ đâu”.
Còn tại làng Nhật Tân, môt trong những địa điểm cung cấp đào, quất và cây cảnh lớn nhất Hà Nội. Những ngày này, hàng trăm héc ta vườn của người dân trong trạng thái gần như không thể cứu chữa khi mực nước sông Hồng dâng cao quá ngọn cây, nhấn chìm hàng nghìn gốc đào to nhỏ.
Ông Thắng cho biết, năm nay các vườn đào liên tiếp chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3 và nước sông dâng cao, dẫn đến tất cả cây đều trong tình trạng úng nước không thể vực dậy: “Để mà nói hiện nay thiện hại gần như 100% rồi, chỉ có cứu thì cố cứu được phần bộ gốc còn lại để sang năm thôi, còn thiệu hại là hỏng hết rồi”.
Theo người dân làng Nhật Tân, hiện tại đào huyền và đào tròn là 2 dáng cây được người dân ưa chuộng thì gần như nđã thiệt hại hoàn toàn. Còn những gốc đào đã chục năm tuổi cũng đang ngả vàng, nhiều gốc đào buộc phải bỏ đi vì thối dễ. Những ngày này, người dân đang dùng đủ mọi cách từ bơm hút nước, tiêu úng, kích rễ để cứu đào…
Anh Nguyễn Quang Vụ, người dân phường Nhật Tân ngậm ngùi chia sẻ: “Gia đình tôi trồng hàng ngàn cây, trước đó đã thiệt hại vài trăm cây trong bão rồi. Sau lại bị lụt nữa, nhà tôi có 4 vườn thì cũng mất trắng 1 vườn không còn cứu vãn được…”
Theo thống kê của quận Tây Hồ, khoảng 35ha trồng quất và 105ha trồng đào của người dân bị ngập do nước lũ, chiếm 80% diện tích trồng quất, đào của địa phương, thiệt hại lên tới hàng chục tỷ đồng. Để hỗ trợ bà con khắc phục hậu quả sau lũ, quận Tây Hồ đã giao Ngân hàng Chính sách khoản vốn ủy thác để người dân trồng đào, quất được vay không lãi suất, trong thời hạn 2-3 năm, số vay tương đương với phần thiệt hại của các hộ trồng đào, quất.
Về lâu dài, các hộ trồng đào, quất mong muốn được hỗ trợ, tạo điều kiện trong việc tôn tạo, nâng cao vùng trũng thấp ven sông để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do ngập úng mỗi mùa mưa lũ.
Mặc dù đã có sự chuẩn bị trước đó, thế nhưng nhiều gia đình tại Nhật Tân, Phú Thượng hay Tứ Liên cũng rơi vào thế trở tay không kịp vì chẳng ai nghĩ nước sông Hồng có thể lên nhanh và cao đến vậy. Thế nhưng, còn người thì còn của, những ngày này, người nông dân cũng đang gấp rút chuẩn bị cho một vụ mua mới, một vụ mua mang nhiều niềm tin và hy vọng về cuộc sống tươi sáng hơn sau bão…