Phản ánh tới VOV Giao thông, nhiều người tham gia giao thông bày tỏ lo lắng trước thực trạng nhiều lái xe xe hợp đồng, xe du lịch chạy ẩu, vượt quá tốc độ. tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông. Do áp lực về thời gian đón trả khách và thời gian di chuyển trên đường nên để nhanh chóng, nhiều lái xe chạy bạt mạng ngay cả trong nội đô:
"Trên đường Vành đai 3 rất nhiều xe 16 chỗ, xe limousine chạy ẩu vô cùng, làn khẩn cấp họ chui vào rồi lách ra, rồi đến các điểm dừng đỗ họ tạt vào rất nhanh, rất dễ gây ra tai nạn"
"Vì các cuốc khách phải đón cần nhanh và ngay nên các bác tài khách, xe du lịch chạy rất ẩu. Không chỉ ở đường quốc lộ mà ngay đường nội đô cũng thế, các bác chưa kịp xi nhan đã tấp vào lề mà đã phóng nhanh vượt ẩu trên đường thì dễ gây ra tai nạn".
Theo Sở GTVT Hà Nội, kết quả trích xuất dữ liệu giám sát hành trình cho thấy, chỉ trong các ngày 1-5/11 đã phát hiện hàng trăm lượt xe vận tải hành khách bằng ô tô theo hợp đồng, du lịch vi phạm. Đặc biệt có xe vi phạm 117 lần và 15 xe hợp đồng khác vi phạm tốc độ từ 50 lần trở lên trong vòng 5 ngày. Trong tháng 10 và 11, Sở GTVT Hà Nội đã thu hồi 794 phù hiệu, biển hiệu của các phương tiện vi phạm tốc độ.
Sở GTVT Hà Nội cũng đã yêu cầu các đơn vị có phương tiện vi phạm kiểm tra, rà soát hoạt động của phương tiện trong danh sách để có biện pháp chấn chỉnh, nhắc nhở lái xe và bộ phận quản lý an toàn giao thông của đơn vị. Bên cạnh đó, yêu cầu các đơn vị cũng cần thường xuyên nhắc nhở lái xe nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường bộ và các quy định của pháp luật về kinh doanh vận tải.
Ông Cao Văn Hiệp, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đề xuất một số giải pháp ngăn chặn xe hợp đồng, xe du lịch vi phạm tốc độ trong thời gian tới: "Ở thời điểm cuối năm, Thanh tra Sở sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và thường xuyên kiểm tra thông qua hệ thống giám sát hành trình để nhắc nhở, chấn chỉnh các đơn vị và đội ngũ lái xe chạy đúng tốc độ. Nếu phát hiện các vi phạm sẽ áp dụng biện pháp xử lý nghiêm để răn đe nhằm đảm bảo TTATGT trên địa bàn Thành phố".
Ông Đỗ Văn Bằng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, để xảy ra tình trạng phương tiện vi phạm tốc độ, trách nhiệm đầu tiên thuộc doanh nghiệp vận tải. Doanh nghiệp phải có trách nhiệm quản lý, đảm bảo lái xe thực hiện nghiêm các quy định về đảm bảo an toàn giao thông trên đường, đặc biệt là quy định về tốc độ.
"Trách nhiệm đầu tiên thuộc về doanh nghiệp, doanh nghiệp là đơn vị quản lý trực tiếp lái xe và điều hành các hoạt động trên đường. Thực tế hàng ngày điều hành từng chuyến đi, giám sát từng chuyến đi thì doanh nghiệp nắm rõ nhất nên tuyên truyền từ doanh nghiệp là quan trọng nhất, để làm sao lái xe không vi phạm. Khi lái xe không vi phạm thì doanh nghiệp không vi phạm. Còn cơ quan quản lý Nhà nước thì xử lý doanh nghiệp chứ không phải trực tiếp lái xe vi phạm", ông Bằng cho biết.