Hà Nội đề xuất lập điểm trông giữ phương tiện thủy vi phạm

VOVGT- Sở GTVT Hà Nội vừa kiến nghị UBND TP. Hà Nội lập bến bãi trông giữ phương tiện thủy vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Trên địa bàn Tp. Hà Nội chưa có bãi trông giữ phương tiện thủy nội địa vi phạm đúng nghĩa để các lực lượng chức năng tạm giữ phương tiện vi phạm. (Ảnh: Thanh niên)

Trên địa bàn Hà Nội có nhiều hệ thống sông chảy qua như: sông Hồng, 163km, sông Đà 32km, sông Đuống 24km… và khoảng 200 bến thủy nội địa nên hoạt động vận tải trên các tuyến đường thủy nội địa rất sôi động.

Tuy nhiên, đi cùng với đó là tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa như: phương tiện chở hàng quá tải trọng cho phép, không có đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển phương tiện không có bằng lái, chứng chỉ chuyên môn phù hợp…

Theo quy định hiện hành, một số hành vi vi phạm cần bị tạm giữ phương tiện nhằm ngăn chặn TNGT có thể xảy ra như: phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm, người lái thiếu bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn phù hợp… Tuy nhiên, theo Sở GTVT Hà Nội, trên địa bàn Thành phố chưa có bãi trông giữ phương tiện thủy nội địa vi phạm đúng nghĩa để các lực lượng chức năng tạm giữ phương tiện vi phạm.

Do vậy, đại diện lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho rằng, việc bố trí địa điểm trông giữ phương tiện thủy vi phạm là rất cần thiết để các cơ quan quản lý nhà nước, các lực lượng chức năng thực thi các quy định của pháp luật về quản lý an toàn giao thông đường thủy.

>>> Vì sao ít phương tiện đường thủy thực hiện đăng kiểm?

Cảnh sát giao thông đường thủy lập biên bản phương tiện vi phạm (Ảnh: Báo Quảng Nam)

Về điều này, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: Vi phạm đường thủy rất khó xử lý khi không thu giữ được phương tiện thì phương tiện tiếp tục tái vi phạm nên quyết định không có hiệu lực. Đối với đường thủy không có bãi tạm giữ nên các quyết định không có hiệu lực. Vì thế việc tổ chức điểm trông giữ là một nhu cầu tất yếu.

 

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết, việc tạm giữ phương tiện sẽ chỉ thực hiện đối với những trường hợp đe dọa trực tiếp tới an toàn giao thông như: phương tiện không được đăng ký, đăng kiểm; quá hạn đăng kiểm, người điều khiển phương tiện không có bằng lái hợp lệ. Điều này cũng phù hợp với Luật xử lý vi phạm hành chính.

Ông Viện cho biết thêm: Thật ra phải có hạn chế nhưng phải có. Hiện chưa có cái nào thì nên có ở mức độ nào đó nhưng không tràn lan. Vì nó là quy định trong luật, quy định trong luật mà không có địa điểm thực hiện theo quy định của pháp luật thì luật không nghiêm. Đây là một điều kiện để thực hiện theo quy định của pháp luật.

 

Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT, Bộ GTVT cho rằng, việc thiếu điểm trông giữ phương tiện thủy vi phạm không chỉ là khó khăn của Hà Nội mà của cả các địa phương khác trong việc nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật. Tuy nhiên, để tạm giữ một phương tiện thì yêu cầu phải có một kíp thuyền viên đầy đủ để nếu bất trắc xảy ra như đứt cáp, đứt phao neo mà phương tiện trôi thì có lực lượng để ứng phó kịp thời.

Thậm chí có trường hợp trên phương tiện thủy bị tạm giữ có cả gia đình sống trên đó. Từ thực tế này, ông Thạch cho rằng, cơ quan quản lý cần có giải pháp thay thế cho việc tạm giữ phương tiện nhằm tránh lãng phí khi phương tiện bị hư hỏng trong quá trình tạm giữ. Đi kèm với việc cược tiền, chủ phương tiện phải tuân thủ việc không lưu thông phương tiện trong quá trình tạm giữ.

Ông Thạch cho biết thêm: Tôi kiến nghị chủ phương tiện cho phép có thể xem xét chủ phương tiện có thể nộp tiền để cơ quan quản lý giữ tiền thay cho giữ phương tiện để đảm bảo việc cưỡng chế xử phạt hiệu quả. Theo tôi phải quy định thời gian ngắn thôi, trong vòng 1-2 tháng nếu chủ phương tiện không đảm bảo việc cưỡng chế thì sẽ giao cho cơ quan thanh lý để đỡ lãng phí tài sản chung của xã hội.

 

Mặc dù việc lập điểm trông giữ phương tiện thủy nội địa vi phạm trong lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy là cần thiết để tăng hiệu quả thực thi pháp luật, song một số ý kiến cũng cho rằng, cơ quan quản lý cần có chế tài khác, chẳng hạn như cho cược tiền để thay thế cho việc tạm giữ phương tiện. Như vậy vẫn đảm bảo hiệu quả thực thi quyết định xử phạt và hạn chế TNGT có thể xảy ra.

>>> Phòng tránh tai nạn giao thông đường thủy mùa lễ hội