Hà Nội có nên tạm dừng BRT: Bài 1: Đô thị hiện đại cần BRT, nhưng cần nhiều điều kiện.

VOVGT- Với điều kiện hạ tầng hiện nay, tuyến xe buýt nhanh BRT Kim Mã- Bến xe Yên Nghĩa còn thiếu tính kết nối, không thể phát huy tác dụng, thậm chí lạc lõng…

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Đề cập sự cần thiết phát triển hệ thống vận tải công cộng khối lượng lớn tại Hà Nội, TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt – Đức (Trường đại học Việt Đức, TP. HCM) cho biết, hiện nay mức độ tăng trưởng về năng lực hạ tầng, chiều dài các tuyến đường ở Hà Nội chỉ đạt trung bình 1% /năm, trong khi tốc độ tăng trưởng phương tiện cơ giới khoảng trên 10%.

Tình trạng tắc đường diễn ra khiến các phương tiện thường xuyên đi vào làn đường dành riêng cho xe BRT

Với mức độ tăng trưởng xe cơ giới quá nhanh như vậy sẽ dẫn đến áp lực mà hạ tầng giao thông không bao giờ có thể đáp ứng được. Theo thời gian, tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội sẽ lan rộng ra và kéo dài sang các thời gian khác trong ngày chứ không chỉ trong giờ cao điểm. Thực tế điều đó đang diễn ra tại Hà Nội, tình trạng ùn tắc có thể diễn ra vào các giờ hành chính trong ngày.

Từ thực tế này, TS Vũ Anh Tuấn cho rằng, phát triển dịch vụ vận tải khối lượng lớn như: xe buýt nhanh, đường sắt đô thị… là xu thế tất yếu của các đô thị hiện đại. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, dịch vụ xe buýt nhanh BRT tại Hà Nội đang khai thác chỉ là một phần của BRT, bởi dưới góc độ đầu tư cho hạ tầng, phương tiện, công nghệ quản lý, thông tin hành khách cũng như kết nối với các phương tiện khác cũng chưa đạt tiêu chuẩn.

Đơn cử, việc bán vé hiện nay vẫn bán như xe buýt thường, chi phí thời gian đi lại bằng BRT mới chỉ rút ngắn một chút về thời gian chạy xe, còn thời gian để xử lý dịch vụ, thời gian để hành khách tiếp cận đến nhà ga, thời gian trung chuyển đều như xe buýt bình thường, chưa nâng lên đến tầm của BRT. TS Vũ Anh Tuấn nói: “Thực tế hiện nay hệ thống của mình chỉ đạt được 30% của BRT thôi, phần lớn nằm ở phần hạ tầng đường, làn đường dành riêng, còn lại chưa đạt được tiêu chí gì của BRT cả.”

 

Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Thông, chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách công cộng cũng cho rằng, BRT đi vào hoạt động với thời gian rất ngắn mà tăng trưởng của hành khách đạt khoảng 14 nghìn lượt khách /ngày bước đầu có thể coi là thành công. Tuy nhiên, theo ông Thông, để xe buýt nhanh BRT phát huy hiệu quả, bắt buộc phải có làn riêng cho hệ thống này.

Ông Thông nói: “Thực chất hạ tầng kỹ thuật cho BRT phải có đường dành riêng suốt tuyến. Bắt buộc phải dành đường riêng cho BRT và tất cả mạng lưới hành khách công cộng về mặt nguyên tắc là phải có làn dành riêng để nó khai thác được tốc độ, khai thác được ưu điểm vận chuyển hành khách.”

 

Chỉ có làn đường dành riêng cho BRT thì vẫn chưa thể đạt được những hiệu quả như mong đợi

Đồng tình với quan điểm này, TS Vũ Anh Tuấn cũng cho rằng, để có hệ thống BRT đúng nghĩa, không chỉ có làn dành riêng, về hạ tầng cũng phải đồng bộ, từ phục vụ cho vận hành phương tiện, cho người đi bộ, cho hành khách, cho các phương tiện khác kết nối với BRT cũng như khă năng tiếp cận của người tham gia giao thông.

TS Vũ Anh Tuấn cho biết: “Chúng ta phải cân nhắc khi chúng ta hy sinh một làn đường như vậy, đổi lại chúng ta được cái gì. Hy sinh một làn đường mà hiện nay để cho xe cá nhân, đặc biệt là xe máy thì có thể vận chuyển được 10 nghìn hành khách /giờ /hướng. Nếu chúng ta chỉ đưa một xe buýt bình thường như hiện nay vào, xe 80 chỗ vào sử dụng thì khả năng vận chuyển chỉ được khoảng 1.000 người. 1.000 hành khách /giờ /hướng thì nó không giải quyết được vấn đề. Chúng ta phải nâng tầm hệ thống lên, chất lượng của hệ thống nâng lên cùng với năng lực của hệ thống.”

 

Bên cạnh đó, theo ông Tuấn, về quản lý, phải hiện đại hóa, từ quản lý đoàn xe, thông tin hành khách, hệ thống vé phải theo tiêu chuẩn. Về phương tiện phải thiết kế phương tiện có năng lực vận chuyển cao hơn, chứ hiện nay xe buýt BRT cũng chỉ như xe buýt tiêu chuẩn bình thường. Nhưng hiện nay, hiệu quả của hệ thống BRT có được chủ yếu do có làn đường dành riêng trong khi chưa đạt các tiêu chí khác thì cần xem xét lại.

Với việc chỉ có một tuyến BRT duy nhất, khả năng kết nối chưa cao, trong khi các điều kiện khác cho hệ thống BRT chưa đáp ứng đủ đã dẫn đến những hạn chế nhất định trong khai thác, vận hành hệ thống BRT. Các chuyên gia đánh giá như thế nào về điều này và đề xuất giải pháp gì? Những nội dung này sẽ được chúng tôi tiếp tục đề cập trong chuyên mục Tiêu điểm tiếp theo.