Hà Đông (Hà Nội): Dò dẫm lưu thông trên nhiều đường phố thiếu đèn

Nhiều đường phố trên địa bàn quận Hà Đông (Hà Nội), người tham gia giao thông phải dò dẫm di chuyển khi đèn chiếu sáng đã có nhưng không hoạt động. Người dân đi lại nhờ đèn chiếu sáng của phương tiện và ánh đèn lờ mờ từ các hộ dân sống ven đường.

Phố Nông Quốc Chấn (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông) chưa có hệ thống đèn chiếu sáng. Người dân đi lại nhờ đèn của phương tiện và ánh sáng lờ mờ từ các hộ dân sống ven đường. Ảnh: Minh Hiếu

Chiếc đèn pin là vật dụng không thể thiếu khi đi tập thể dục buổi chiều tối với ông Đoàn Văn Khải, ở phố Nông Quốc Chấn, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội. Ông Khải cho biết, đoạn đường này nối từ cổng làng lụa Vạn Phúc đến khu đô thị mới Văn Khê đã hoàn thiện được khoảng 5 năm nay nhưng vẫn chưa có hệ thống đèn chiếu sáng:

"Mất an toàn khi tham gia giao thông và cả an ninh trật tự nữa. Bác rất hay đi bộ, đi xe đạp thể thao buổi tối, nhưng mà đi ở đây rất là tối. Bác chỉ mong các cấp chính quyền lắp hệ thống đèn chiếu sáng. Chưa xảy ra va chạm chết người hay thương tích nặng, nhưng va chạm nhẹ thi thoảng cũng có", ông Khải nói.

Phố Hoàng Đôn Hòa (đoạn từ ngã ba Hà Trì đến ngã tư Văn Khê, phường Phú La), dù đèn chiếu sáng đã có nhưng không hoạt động. Ảnh: Minh Hiếu

Tương tự, tại nhiều đường phố khác trên địa bàn quận Hà Đông, người tham gia giao thông phải dò dẫm di chuyển khi đèn chiếu sáng đã có nhưng không hoạt động. Đó là phố Hoàng Đôn Hòa (đoạn từ ngã ba Hà Trì đến ngã tư Văn Khê, phường Phú La), phố Hà Trì (một đoạn khoảng 500m từ ngã năm Hà Trì, phường Hà Cầu), hay đoạn đường qua Aeon Mall Hà Đông (nối từ đường Tiến Thành đến Sa Đôi, phường Dương Nội),…

Người dân đi lại nhờ đèn chiếu sáng của phương tiện và ánh đèn lờ mờ từ các hộ dân sống ven đường:

"Không nhìn rõ đâu, buổi tối đèn hai bên đường này có bật đâu, có trường hợp tai nạn ở đây rồi".

"Tối om, không bật đèn hoặc thiếu ánh sáng thì mọi người đi đường thường bật đèn pha, có người mắt kém là sẽ ảnh hưởng đến tầm nhìn".

"Không có đèn thì em rất khó nhìn thấy các phương tiện xung quanh, không biết có xe nào đi sau không để mình né, đường ở đây có rất nhiều ổ gà".

Cột đèn cao áp hư hỏng lâu ngày mà không được sửa chữa trên Phố Hoàng Đôn Hòa. Ảnh: Minh Hiếu

Không chỉ người đi bộ, đi xe hai bánh mà cả người điều khiển xe ô tô cũng cảm thấy phấp phỏng. Tài xế xe tải Bùi Văn Thắng thường phải căng mắt quan sát khi lưu thông qua nhiều khu đô thị mới ở quận Hà Đông, những nơi đông dân cư nhưng không bật đèn cao áp: "Có đèn nhưng lại không bật, kiểu như làm bằng thừa ý. Rất là lo sợ người trong ngõ lao ra, mình không kịp phanh, không kịp phản ứng chẳng hạn thì sẽ gây ra nhiều điều không mong muốn. Mình cũng mong đơn vị chủ quản đoạn đường cố gắng bật đèn trong khung giờ cần thiết, người đi bộ với trẻ em rất là nhiều".

Liên quan vấn đề này, trong văn bản trả lời kiến nghị cử tri mới đây, UBND TP. Hà Nội cho biết, dự án đường 18,5m Hà Trì đi Phúc La - Văn Phú hiện vướng mặt bằng, chưa thi công đồng bộ như thiết kế, hệ thống đèn đường chiếu sáng chưa được lắp đặt.

Còn đại diện UBND phường Phú La cho biết đã nhiều lần có văn bản đề nghị kiểm tra, đấu nối, đưa vào khai thác, quản lý hệ thống đèn chiếu sáng công cộng trên phố Hoàng Đôn Hòa. Song đến nay, kiến nghị vẫn chưa được giải quyết.

Người tham gia giao thông phải dò dẫm di chuyển trên đoạn đường thiếu ánh sáng qua Aeon Mall Hà Đông (đường nối từ đường Tiến Thành đến Sa Đôi, phường Dương Nội). Ảnh: Minh Hiếu

Theo PGS. TS. Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng, bộ mặt giao thông đô thị của thành phố đã thay đổi nhanh chóng nhờ chủ trương hạ tầng giao thông “đi trước một bước”. Tuy nhiên, một số nơi vẫn còn tồn tại, bất cập, đặc biệt những quận huyện có tốc độ đô thị hóa cao, cần sự phối hợp, trách nhiệm cao nhất giữa chính quyền các cấp với những đơn vị có liên quan:

"Vai trò của chính quyền cơ sở là quan trọng, các đồng chí giám sát các công trình trên địa bàn của mình, trong quá trình họ thi công cũng như trong quá trình khai thác. Và có vấn đề gì thì các đồng chí phải lập tức phản ánh lên. Một lần, hai lần,… thậm chí phải tìm cơ quan có thẩm quyền cao nhất để kiến nghị, để giải quyết những tồn đọng trong lĩnh vực giao thông, để người dân được nhờ", PGS. TS. Bùi Thị An nêu ý kiến./.