Gỡ rối cho nhà tái định cư: Không thể bó tay

Vẫn biết là không dễ để tìm ra lời giải cho bài toán nhà ở nói chung và nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở tái định cư nói riêng. Song, khó mấy cũng phải làm bởi đây chính là điều kiện tiên quyết để giúp người dân “an cư lạc nghiệp”.

 

Ảnh nh họa. Nguồn: Tuổi trẻ

Có 1 nghịch lý tồn tại nhiều năm qua tại TP.HCM là dù hàng triệu người thu nhập thấp chưa tiếp cận được nhà ở thì vẫn còn hàng chục ngàn căn hộ lẫn nền đất tái định cư bị bỏ trống.

Có tận mắt chứng kiến tình trạng hoang tàn, u ám, xuống cấp tại các dự án nhà ở tái định cư ở thành phố Thủ Đức hay huyện Bình Chánh (TP.HCM) mới thấy ngậm ngùi vì hàng ngàn tỷ đồng cùng bao nhiêu công sức lao động phải “đắp chiếu, trùm mền” gần chục năm qua.

Xót xa là vậy nhưng vẫn quá khó để tháo gỡ vì còn quá nhiều “rào cản” về thủ tục hoàn công, vốn để hoàn thiện, nghiệm thu PCCC và nhất là không phù hợp với nhu cầu người mua vì giá bán quá cao trong khi vị trí lại không thuận tiện.

Dù lý do có là gì đi nữa thì thực trạng này phản ánh sự thiếu lệch pha giữa công tác lập quy hoạch, phát triển các dự án nhà ở và nhu cầu thực tế của người thu nhập thấp.

Một trong những việc cần làm trước mắt là nghiên cứu, xem xét cân đối lại giá bán cũng như hình thức bán đối với các dự án bị bỏ trống nhiều năm. Việc này không chỉ giảm gánh nặng tài chính cho người mua mà còn giúp “rã băng” cho hàng chục block nhà, giải phóng hàng ngàn tỷ đồng, gián tiếp giảm áp lực cho công tác quản lý nhà ở của địa phương.

Về lâu dài, cần chủ động hơn trong thẩm định, phê duyệt chủ trương xây dựng nhà ở tái định cư theo cơ chế đặt hàng, trong đó cần đặc biệt lưu ý đến sự đồng thuận của người dân trong diện giải tỏa giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh đó, công tác quy hoạch cần phải đi trước một bước, bài bản và khoa học hơn, căn cứ vào các yếu tố điều tra xã hội học về nhu cầu của người dân, từ đó giúp hạn chế thấp nhất tình tràng nhà ở, đất nền tái định cư bị bỏ hoang sau khi đã hoàn thành.

Song song với việc lập quy hoạch, phát triển các dự án nhà ở tái định cư thì chính quyền địa phương triển khai đồng bộ, khoa học các chính sách an sinh xã hội dành cho người thu nhập thấp, như: đào tạo nghề, giải quyết công ăn việc làm, phục hồi và gia tăng thu nhập... để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân sau khi di dời khỏi chỗ ở cũ theo đúng chủ trương “nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn” mà Đảng và Nhà nước ta đang hướng tới.

Vẫn biết là không dễ để tìm ra lời giải cho bài toán nhà ở nói chung và nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở tái định cư nói riêng. Song, khó mấy cũng phải làm bởi đây chính là điều kiện tiên quyết để giúp người dân “an cư lạc nghiệp”, duy trì sự ổn định và tạo đà phát triển kinh tế xã hội của quốc gia.