“Gỡ khổ” cho cán bộ và người dân

Quá trình đô thị hóa nhanh khiến nhiều xã/ phường ở các đô thị lớn mọc lên các khu đô thị với quy mô, số lượng dân cư lớn. Tốc độ gia tăng dân số không chỉ gây sức ép lên cơ sở hạ tầng mà còn khiến bộ máy chính quyền cơ sở chịu áp lực quá lớn.

Ảnh nh họa

Các tòa chung cư hàng chục tầng đi vào hoạt động sẽ nhanh chóng kéo theo một lượng lớn người dân về ở. Vì thế, khi một khu đô thị mới hình thành thì điều đương nhiên là chính quyền cơ sở cũng phải cáng đáng thêm một khối lượng lớn công việc từ việc gia tăng dân số cơ học.

Trong khi đó, ở các khu đô thị, sự biến động dân cư rất lớn, thất thường và khó quản lý do sự dịch chuyển liên tục của người mua, người bán đối với mỗi căn hộ ở các tòa nhà. Điều này khiến việc quản lý hành chính ở những phường/xã đông dân cư vốn đã quá tải lại càng thêm khó khăn.

Trong khi đó, theo mặt bằng chung, một xã/ phường đông dân cư tại Hà Nội, TP.HCM có khoảng 100 đến 120 nghìn người, gấp 3-4 lần so với một huyện ở biên giới phía bắc nhưng nhưng bộ máy là chỉ là cấp phường với lương cấp phường, biên chế cấp phường...là điều không hợp lý.

Điều này dẫn đến việc xử lý hồ sơ, phục vụ người dân với khung biên chế công chức sẽ rất khó khăn. Nhiều khảo sát cho thấy, khối lượng hồ sơ bình quân của công chức ở những nơi này gấp nhiều lần so với các phường, xã ở tỉnh, thành phố khác.

Do đó, việc tăng công chức cho các xã, phường đông dân là cần thiết.

Để tăng số lượng công chức cho những nơi cần thiết, trước hết nằm ở việc điều tiết biên chế dôi dư, giảm cán bộ ở xã, phường ít dân và tăng cho nơi đông dân để cân đối bộ máy.

Hiện, khối lượng công việc ở phường xã ít hay nhiều thường căn cứ vào diện tích, dân số ở địa bàn. Nơi nào dân nhiều, công việc tăng thì số lượng cán bộ công chức cũng tăng và ngược lại.

Điều này cũng tránh được sự bất bình đẳng trong đội ngũ công chức cơ sở khi cùng một vị trí, một mức lương nhưng số lượng người phải phục vụ khác xa nhau.

Việc điều chỉnh nhân lực theo hướng phù hợp với số dân sinh sống là điều cần thiết và cần sớm được làm ngay. Tuy vậy, giải pháp căn cơ cho vấn đề này còn nằm ở việc phải ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết hồ sơ hành chính.

Trong đó cần sớm đào tạo về chuyển đổi số, cải cách hành chính, đổi mới phương thức quản lý để mỗi cán bộ công chức làm việc hiệu quả hơn, năng suất xử lý công việc tốt hơn.

Thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin thì đội ngũ cán bộ cơ sở tại xã/ phường sẽ từng bước chuẩn hóa quy trình làm việc, đồng bộ và đẩy nhanh quá trình giải quyết thủ tục và trả kết quả cho người dân.

Mặt khác, bên cạnh nỗ lực từ bộ máy chính quyền, rất cần những giải pháp để thực hiện quy hoạch theo hướng bền vững nhằm ngăn chặn tình trạng nhồi nhét chung cư, gây ra áp lực về hạ tầng đô thị, hạ tầng văn hóa - xã hội và áp lực lên đội ngũ cán bộ hành chính tại địa phương.