Gian nan vẫn còn đó

Nếu nhìn vào tỷ lệ 98% các điểm ô nhiễm rác thải được giải toả, chuyển hoá trong 2 năm qua tại TPHCM hẳn nhiều người sẽ thấy phấn khởi. Song nếu nhìn vào tổng số điểm tồn đọng rác thải qua thống kê chỉ là 568 điểm chắc chắn sự lạc quan ấy sẽ giảm đi đáng kể.

Bởi chỉ riêng thành phố Thủ Đức đã có hơn 200 điểm phát sinh rác thải, thì tại các địa phương có điều kiện tương tự như Bình Chánh, Bình Tân, Tân Phú, Hóc Môn…tình trạng chắc hẳn không khả quan hơn là bao.

 

Ngày nay, không khó để bắt gặp 1 anh lái xe tiện tay ném chiếc ly cafe xuống đường, hay 1 chị hàng rong đổ chất thải xuống ệng cống mà không cần lọc lại.

Ra đường lại càng dễ thấy những chiếc khẩu trang, túi nylon hay cả những bộ salon cũ, phế thải xây dựng… nằm lăn lóc dưới lòng đường hay vỉa hè. Thay đổi được việc này không thể trong ngày một ngày hai, và sẽ càng khó khăn nếu không có biện pháp đủ mạnh.

Dù Nghị định 45/2022 của Chính Phủ đã nêu khá rõ mức xử phạt cho hành vi xả rác nơi công cộng, đường phố, kênh rạch…song trên thực tế việc xác lập hành vi và tiến hành xử phạt các đối tượng vi phạm gần như là không có, hoặc nếu có thì cũng không khác gì “muối bỏ biển”. Rõ ràng, quy định pháp luật đã không đi vào đời sống, chưa kể các mức xử phạt còn chưa đủ mạnh để tạo nên sự răn đe.

Không khó để tham khảo các bài học kinh nghiệm của các quốc gia như Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Thuỵ Sĩ hay gần hơn trong khu vực là Nhật Bản hoặc Singapore. Ở các quốc gia này, mức phạt cho hành vi xả rác nơi công cộng lên đến hàng triệu thậm chí hàng chục triệu đồng kèm theo nhiều giờ lao động công ích, dọn dẹp vệ sinh.

Quan trọng hơn các biện pháp xử phạt hành chính là các chương trình đào tạo, tuyên truyền được duy trì suốt một thời gian dài để tạo nên một nền tảng ý thức hết sức cơ bản cho người dân về rác thải.

Đảm bảo vệ sinh môi trường, giảm thểu rác thải là một trong những tiêu chí quan trọng để hướng đến một đô thị văn nh, hiện đại. Tuy nhiên, nếu chỉ có nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước thôi là chưa đủ để giúp đường phố, kênh rạch trở nên sạch sẽ hơn.

Mà quan trọng hơn là từng cá nhân, từng gia đình, từng tổ chức, doanh nghiệp cần tự giác nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bắt đầu từ việc bỏ rác đúng nơi quy định.