Giảm tốc độ trong đô thị có kéo lùi sự phát triển?

VOVGT - Có ý kiến lo ngại, việc giảm tốc độ lưu thông có thể khiến lãng phí vốn đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, đồng thời kéo lùi sự phát triển của xã hội.

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 

Năm 2015, Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư 91 quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng trên đường bộ trong khu vực đông dân cư, trong đó cho phép tăng tốc độ lưu thông trong đô thị từ 40km/h lên 50km/h để giảm ùn tắc giao thông.

Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới vừa đề xuất giải pháp giảm tốc độ lưu thông, nhất là trong khu vực đô thị nhằm giảm TNGT. Bởi theo khảo sát của tổ chức này, vi phạm tốc độ là một trong những nguyên nhân chính gây ra TNGT ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu của tổ chức này cũng đưa ra cảnh báo: chỉ cần giảm 5% tốc độ chạy xe trung bình thì có thể giảm được 30% số vụ tai nạn chết người.

Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT, Bộ GTVT cũng cho biết, Thông tư 91 quy định, đường đô thị có dải phân cách giữa, 4 làn xe thì có tốc độ không quá 60km. Tuy nhiên, Thông tư này cũng quy định, ở những địa điểm nhạy cảm, dễ xảy ra TNGT thì quy định tốc độ thấp hơn so với quy định hướng dẫn về tiêu chuẩn lỹ thuật.

Ông Thạch nói: Theo kiến nghị của Bộ công an, Bộ cũng đã giao cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam xem xét lại, tức là phải đánh giá toàn bộ đã phù hợp chưa, khu vực nào 60 km/h, khu vực nào 50 km/h.

 

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cũng cho biết, trong quá trình phát triển không thể tránh được mâu thuẫn, một bên muốn đi nhanh, nhưng bên kia là lợi ích về sự an toàn của người tham gia giao thông, nên hầu hết các quốc gia trên thế giới đều áp dụng tốc độ bình quân trong đô thị là 50km/h.

Bên cạnh đó, còn những khu giao thông yên tĩnh, tốc độ từ 20-30km/h, được áp dụng ở những khu vực có mật độ phương tiện tham gia giao thông cao, nhiều người đi bộ qua đường, nhiều xe đạp, nhiều trẻ em. Chính vì vậy, Ủy ban ATGT Quốc gia cũng đang đề xuất Bộ GTVT rà soát, xem xét giảm tốc độ lưu thông trong đô thị xuống mức 50km/h với đường có dải phân cách cứng.

 

Thống kê của Cục CSGT, Bộ Công an cũng cho thấy, năm 2016, TNGT do vi phạm tốc độ chiếm 9,35%, tức là trung bình cứ 10 vụ TNGT thì có 1 vụ do người điều khiển phương tiện vi phạm tốc độ. TNGT đặc biệt nghiêm trọng do vi phạm tốc tộ chiếm tới 12,9%, đây là tỷ lệ tương đối cao so với các lỗi vi phạm khác và vi phạm này có xu hướng gia tăng do ý thức của người điều khiển phương tiện. Riêng 3 tháng đầu năm 2017, trong tổng số gần 100.000 trường hợp vi phạm bị lực lượng chức năng phát hiện và xử lý thì có trên 126.000 trường hợp vi phạm tốc độ, chiếm 12,7%.

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh, Phó cục trưởng Cục CSGT cho rằng, từ thực tế nêu trên, Cục CSGT xác định đây là đối tượng gây TNGT nên trong các kế hoạch cao điểm xử lý vi phạm TTATGT, Cục CSGT đều chỉ đạo tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm về tốc độ đề hạn chế TNGT do vi phạm tốc độ gây ra.

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh cho biết: Qua thực tiễn, ở các khu vực đông dân cư, tình trạng vi phạm tốc độ nhiều hơn và TNGT nhiều hơn. Theo thống kê, số TNGT đặc biệt nghiêm trọng do vi phạm tốc độ là 12,9%, đây là một tỷ lệ tương đối cao so với các lỗi vi phạm khác.

 

Đường Phạm Văn Đồng được nâng tốc độ lưu thông sau khi Thông tư 91 được triển khai vào tháng 3/2016. Ảnh: Lê Quân/Zing

Trao đổi với phóng viên Kênh VOVGT Quốc gia về việc giảm tốc độ có thể kéo giảm sự phát triển, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh cho rằng, mặc dù đường được nâng cấp, nhưng biển báo chưa rõ ràng, tổ chức giao thông chưa hợp lý nên việc quy định tốc độ 60km/h tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn.

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh cho biết: Có một nghịch lý là ở đường giao thông hỗn hợp, người tham gia giao thông chấp hành luật giao thông chưa tốt, nhất là trong khu vực đông dân cư ở đô thị. Xây đường nhưng hàng rào chưa có, dân trèo qua hàng rào đi ngang đi tắt, nếu đẩy tốc độ lên cao thì đấy là nguy cơ gây TNGT. Cho nên quan điểm của Cục CSGT là đề nghị phải tính toán lại về điều kiện bảo đảm bảo ATGT.

 

Ông Dánh cũng cho biết, giảm tốc độ lưu thông không có nghĩa là sẽ gây ùn tắc, điều này còn do việc tổ chức giao thông. Vì vậy Cục CSGT đang phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam rà soát những điểm có nguy cơ cao xảy ra TNGT bằng những con số cụ thể để tính toán, tổ chức lại giao thông cho hợp lý.