Giảm thiểu thiệt hại do thiên tai đối với hạ tầng GTĐB (Bài 2): Công tác dự báo, phòng ngừa ra sao?

VOVGT - Thiên tai không chỉ gây thiệt hại lớn về người và của mà còn tác động tiêu cực đến hạ tầng giao thông đường bộ nước ta nhiều năm qua...

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Do ảnh hưởng mưa lớn khiến tuyến QL1, QL14G, đường Trường Sơn Đông... trên địa bàn ền Trung-Tây Nguyên bị thiệt hại nặng. (Ảnh: Báo giao thông)

Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng trực tiếp của 1 trong 5 ổ bão lớn nhất thế giới - Tây Bắc Thái Bình Dương nên thường xuyên phải hứng chịu các hiện tượng thời tiết cực đoan. Trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, nước ta liên tục chứng kiến những trận bão mạnh kèm theo mưa dông lớn, gây lũ quét, sạt lở đất kinh hoàng ở nhiều tỉnh thành. Hàng ngàn người chết và bị thương, hàng chục ngàn tỷ đồng tài sản bị phá hoại hoàn toàn bởi thiên tai.

Ông Lê Thanh Hải - phó giám đốc trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết trong nhiều năm qua công tác dự báo, cảnh báo thiên tai của nước ta đã có nhiều tiế bộ. Độ chính xác trong bản tin dự báo bão (vị trí và cường độ bão) dần tiệm cận với trình độ dự báo bão của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, do thiếu số liệu quan trắc trên biển nên khó khăn cho công tác dự báo và đánh giá chất lượng dự báo nên công tác dự báo bão còn tiềm ẩn nhiều thách thức. Ông Lê Thanh Hải nói:

 

"Cái gọi là độ chính xác, thực chất là độ tin cậy của các bản tin cảnh báo dự báo hiện nay so với các nước trong khu vực đang ở mức trung bình và tiên tiến, song so với các nước phát triển thì vẫn còn khoảng cách khá xa. Một số hệ thống quan trắc của chúng ta vẫn còn thưa chưa đủ để giám sát tất cả những gì đang xảy ra trong khí quyển, các dòng sông, con suối và tất cả những gì có quy mô nhỏ là vẫn chưa nắm bắt được."

Cũng thừa nhận sự tụt hậu của hệ thống dự báo, cảnh báo của nước ta hiện nay, ông Trần Hồng Thái - phó tổng cục trưởng tổng cục khí tượng thủy văn ccho rằng đây là một trong những điểm yếu nhất trong công tác cảnh báo và phòng ngừa tác hại của thiên tai.

 

"Hệ thống quan trắc của ta còn thưa, rất thưa so với khu vực và công nghệ của hệ thống quan trắc này cũng rất cũ so với khu vực. Chúng ta vẫn còn những trạm do mưa nhân dân. Tỷ lệ các trạm khí tượng, trạm khí tượng, trạm quan trắc tự động còn rất ít từ đó khiến cho việc tiếp nhận số liệu không đầy đủ, không chính xác và không kịp thời, vì vậy công tác dự báo còn rất nhiều khó khăn."

Cơ sở hạ tầng giao thông ở nước ta xuống cấp nghiêm trọng

Chứng kiến những mất mát của nhân dân sau những trận lũ quét, lở đất kinh hoàng vừa qua tại các tỉnh vùng núi phía Bắc trong thời gian qua, ông Ông Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng tổng cục phòng chống thiên tai Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng chính sự yếu kém trong công tác dự báo cảnh báo thiên tai đã phần nào khiến thiệt hại trở nên nặng nề hơn.

Không chỉ thiếu công nghệ, thiếu cơ sở vật chất, hệ thống dự báo cảnh báo thiên tai nước ta còn thiếu cả những bộ tiêu chuẩn để đánh giá mức độ và diễn biến của các hiện tượng thời tiết ngày càng có xu hướng cực đoan hơn. Tiến sĩ Vũ Bá Thao - viện khoa học thủy lợi Việt Nam nói:

 

"Có những nước có đến 7 bộ tiêu chuẩn bao gồm đánh giá, khảo sát, lắp đặt thiết bị hệ thống quan trắc cảnh báo, thiết kế các loại công trình điển hình …nhưng ở Việt Nam chúng ta thì chưa có. Tôi mong rằng chúng ta nên bắt đầu các việc đó, nó rất quan trọng vì làm gì cũng cần có tiêu chuẩn."

Trước tình trạng vừa thiếu vừa yếu của ngành dự báo cảnh báo thiên tai hiện nay, ngành giao thông vận tải xác định việc ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai đang được đặt ra một cách hết sức cấp thiết. Đã có 1 số dự án nâng cấp và cải tạo các công trình giao thông vận tải ở các vùng thường bị đe dọa bởi lũ lụt, sạt lở, nước biển dâng… như hệ thống đê biển hơn 2800km cũng như các tuyến kè dọc các quốc lộ trong điểm dọc các tỉnh ền núi.

Tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư còn hạn chế nên chưa thể đồng bộ và kiên cố hóa các công trình bảo vệ hạ tầng giao thông đường bộ trước sự tấn công của thiên tai ngày càng khắc nghiệt. Chia sẻ thêm về thực trạng này, ông Trần Bá Đạt - phó ban thường trực ban phòng chống thiên tai Tổng Cục Đường Bộ Việt Nam nói:

 

"Cái dự báo hiện nay thì do cái kinh nghiệm của các đơn vị quản lý bảo trì đường bộ. Họ nắm rất rõ những khu vực chạy qua vùng có địa chất phức tạp hoặc đi qua những vùng trùng. Xây dựng các tuyến đường ấy phụ thuộc 1 phần vào kinh phí vì vậy không thể đảm bảo được kiên cố hóa toàn bộ hệ thống kè cũng như hệ thống thoát nước mang tính bền vững. Phương án đặt ra trong những ngày mưa lũ thì các đơn vị quản lý tuyến đường tăng cường công tác tuần đường để phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố xảy ra trên đường."

Có thể thấy công tác dự báo, cảnh báo thiên tai hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Trong khi đó sự phòng ngừa để hạn chế thiệt hại do thiên tai của các đơn vị quản lý hạ tầng giao thông vẫn dựa trên kinh nghiệm là chính...

Còn nữa

>>>Giảm thiểu thiệt hại do thiên tai đối với hạ tầng GTĐB (Bài 1): Tổn thất nặng nề