Giảm khí thải phương tiện, cần tăng gấp đôi lượng người dùng GTCC

Áp lực ô nhiễm môi trường do phương tiện giao thông đang là vấn đề nan giải tại nhiều đô thị trên thế giới. Theo các chuyên gia, để giảm thiểu phát thải ô nhiễm, cần tăng gấp đôi lượng người sử dụng giao thông công cộng trong thập kỷ tới.

Vậy các quốc gia cần đưa ra cam kết gì nếu muốn thực hiện mục tiêu này. 

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Theo các chuyên gia giao thông công cộng cần tăng gấp đôi trong thập kỷ tới để đáp ứng mục tiêu khí hậu

Tại Hội nghị lần thứ 26 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra mới đây ở Scotland, Vương quốc Anh, 197 quốc gia đã nhất trí hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C, theo Hiệp định Paris.

Để thực hiện mục tiêu này, lãnh đạo nhiều thành phố lớn trên thế giới, cùng đại diện các Hiệp hội vận tải đang kêu gọi chính phủ các nước đầu tư dài hạn vào giao thông công cộng như một giải pháp chống biến đổi khí hậu.

Theo nghiên cứu của nhóm Các thành phố lãnh đạo khí hậu (C40), gồm gần 100 đô thị lớn trên toàn cầu, nếu tăng gấp đôi lượng người sử dụng vào năm 2030 và giao thông công cộng chuyển sang phương tiện không phát thải, kế hoạch khống chế mức tăng nhiệt độ trái đất dưới 1,5 độ C là hoàn toàn khả thi.

Ông Mark Watts, Giám đốc điều hành C40 cho biết, các thành phố lớn từ London đến Jakarta, đang tiên phong đưa ra sáng kiến nhằm tăng khả năng tiếp cận giao thông công cộng. Mục tiêu dài hạn là để thay thế phương tiện cá nhân và giảm ô nhiễm. Tuy nhiên, theo ông Mark Watts giao thông công cộng đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Nếu chính phủ các nước không đầu tư để bảo vệ và mở rộng lĩnh vực này, họ sẽ không thể đạt được mục tiêu giảm lượng khí thải carbon.

Chia sẻ quan điểm trên, ông Sadiq Khan, thị trưởng London, kiêm Chủ tịch mới đắc cử của C40 cho biết, Thủ đô London cuẩNh và các thành phố C40 khác đang hợp tác chặt chẽ với nhau để dẫn đầu cuộc cách mạng giao thông công cộng trên toàn thế giới: “London đã mở rộng để có khu vực phát thải cực thấp lớn nhất trên thế giới. Hiện chúng tôi cũng sở hữu đội xe buýt không phát thải lớn nhất châu Âu. Chúng tôi đặt mục tiêu tham vọng là, đến năm 2041, 80% hành trình di chuyển ở London sẽ được thực hiện bằng cách đi bộ, đạp xe hoặc sử dụng phương tiện giao thông công cộng”.

Cuộc thăm dò dư luận thực hiện mới đây bởi Liên đoàn Công nhân vận tải quốc tế (ITF) tại 5 thành phố là Houston, Jakarta, Johannesburg, London và Milan cho thấy, mô hình phát triển đô thị bền vững với giao thông xanh đang nhận được sự ủng hộ của đông đảo công chúng.

Cụ thể, cứ 10 người được hỏi thì 9 người cho biết, muốn giao thông công cộng tốt hơn, nhanh hơn và phát triển bền vững hơn ở thành phố nơi họ sống.

Ảnh nh họa Getty Images

Ông John Mark Mwanika, Chủ tịch Liên đoàn Công nhân vận tải quốc tế (ITF) chia sẻ: “Trong tất cả các cuộc thảo luận tại Hội nghị khí hậu COP26 về xe điện, chúng tôi đều không quên nhắc đến vai trò quan trọng của giao thông công cộng trong mục tiêu chống lại biến đổi khí hậu. Việc tăng cường khả năng tiếp cận và cung cấp phương tiện giao thông công cộng chất lượng tốt đòi hỏi một quá trình chuyển đổi thực sự hiệu quả”.

Chia sẻ tại Hội nghị lần thứ 26 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, lãnh đạo nhiều thành phố cũng khẳng định sẽ ưu tiên đầu tư cho hệ thống giao thông công cộng.

Ông Anies Baswedan, thống đốc thành phố Jakarta, Indonesia cho biết, công dân ở mọi đô thị trên thế giới đều có quyền cơ bản về không khí sạch, công việc xanh, phương tiện giao thông công cộng dễ tiếp cận và giá cả phải chăng trong vòng 10 phút đi bộ từ nhà của họ. Chính phủ các nước cần đầu tư và đổi mới khẩn cấp để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang phương tiện giao thông công cộng không phát thải.
Theo ông Anies Baswedan, nếu không có một cuộc cách mạng về giao thông công cộng, thế giới sẽ ‘bỏ lỡ chuyến xe’ trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, bởi thời gian không còn nhiều.

Đồng quan điểm trên, ông Eric Garcetti, Thị trưởng Los Angeles, nguyên Chủ tịch C40 bày tỏ: “Hiện hơn 1.000 thành phố đã thống nhất với nhau xung quanh cam kết lịch sử để biến thập kỷ này trở thành một trong những thập kỷ hành động theo cấp số nhân, hướng đến một tương lai xanh và công bằng hơn. Các thành phố sẽ dẫn đầu việc cứu lấy hành tinh của chúng ta, để không ai bị bỏ lại phía sau”.

Tham dự và phát biểu tại Hội nghị lần thứ 26 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, mặc dù là nước đang phát triển mới chỉ bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa trong hơn 3 thập kỷ qua, là nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Trước đó, việc Hà Nội đặt mục tiêu đưa xe buýt điện vào sử dụng trong giai đoạn 2021-2025 được xem là động thái thể hiện sự nỗ lực của chính quyền thành phố nhằm xây dựng hệ thống giao thông công cộng "xanh", giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Còn TP.HCM, UBND thành phố cũng kiến nghị cho phép đưa xe buýt điện vào hoạt động thí điểm. Sau thời gian thí điểm, sẽ tổ chức tổng kết, đánh giá làm cơ sở chuẩn bị các bước tiếp theo trong công tác đấu thầu hoặc đặt hàng theo quy định.