Giảm giờ làm, cần giải pháp phù hợp cho từng đối tượng

Thu nhập của người dân ngày một tăng cao, mong mỏi được giảm giờ làm việc, tăng thời gian cho gia đình, nghỉ ngơi và vui chơi của người lao động (NLĐ) là hoàn toàn chính đáng và phù hợp xu hướng phát triển chung của thế giới.

Giảm giờ làm là việc chắc chắn phải thực hiện trong tương lai, nhưng thời điểm nào, lộ trình và cách thức triển khai ra sao thì cần cân nhắc kỹ lưỡng.

Quy trình sản xuất tự động, đầu tư sử dụng robot và trí tuệ nhân tạo cùng với đội ngũ nhân lực chất lượng là yêu cầu cấp thiết để doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động. Ảnh - Năng lượng sạch Việt Nam

Giảm giờ làm việc là một trong những mục tiêu an sinh xã hội được tổ chức Công đoàn theo đuổi nhiều năm qua bởi những lợi ích đã được nhìn thấy rõ: giúp NLĐ phục hồi sức khỏe, có thời gian dành cho gia đình và các hoạt động xã hội, cân bằng đời sống vật chất và tinh thần, từ đó tăng hiệu quả làm việc và giảm tai nạn lao động.

Khi nền kinh tế đang dần phục hồi sau đại dịch Covid-19, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng đã có thể cân nhắc giảm giờ làm việc trong tuần của lao động khu vực tư nhân. Dù nhiều công nhân lo ngại giảm giờ làm sẽ giảm thu nhập, nhưng bản chất của làm thêm giờ là do tiền lương thấp, không đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu.

Nếu tiền lương trả cho thời gian làm công việc chính đủ để đáp ứng các nhu cầu của NLĐ thì họ sẽ không cần làm thêm, tăng ca. Do đó, vấn đề không chỉ là giảm giờ làm, mà còn điều chỉnh cả tiền lương.

Tăng lương, giảm giờ làm là mong muốn của tất cả NLĐ, nhưng vấn đề quan trọng là việc làm gắn với năng suất, khi năng suất cao thì mới có điều kiện giảm giờ làm.

Từ phía cộng đồng doanh nghiệp, nhiều chủ sử dụng lao động mong muốn duy trì giờ làm việc như hiện tại bởi năng suất lao động (NSLĐ) còn thấp. Nếu giảm giờ làm thì họ có thể tăng thêm chi phí thuê nhân công, tác động ngược trở lại là NLĐ có thể bị giảm thu nhập, nhất là với khối doanh nghiệp sản xuất trực tiếp.

Vì vậy, việc giảm giờ làm cần cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo hài hòa lợi ích doanh nghiệp và NLĐ để cùng nhau phát triển: thời gian nào triển khai là phù hợp? Lộ trình, phạm vi áp dụng ra sao? Cần đảm bảo những điều kiện gì về tiền lương, NSLĐ,…?

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các nghiên cứu khoa học đã chứng nh việc giảm giờ làm cũng tạo động lực và áp lực buộc doanh nghiệp, NLĐ phải thay đổi thích ứng, phải tăng NSLĐ để hoàn thành khối lượng công việc không đổi.

Trên thực tế, ở không ít cơ quan, đơn vị cả khu vực nhà nước lẫn tư nhân, số giờ làm việc thực sự không đủ 8 giờ, NLĐ vẫn có thời gian lướt điện thoại hoặc làm các công việc cá nhân khác, dư địa để cắt giảm giờ làm hoặc tận dụng để tăng NSLĐ là rất lớn.

Chính vì vậy, việc giảm giờ làm không nên chờ đợi để áp dụng đại trà, mà cần điều chỉnh linh hoạt cho từng nhóm cụ thể. Với những doanh nghiệp, ngành nghề đã đủ điều kiện, có NSLĐ cao thì có thể áp dụng ngay. Với những đơn vị còn khó khăn thì cần lộ trình và những biện pháp hỗ trợ cụ thể. Với những nhóm có thể thực hiện được nhưng sức ì còn lớn thì áp dụng giảm giờ làm như một cách buộc NLĐ và chủ sử dụng lao động phải thay đổi.

Tất nhiên, để xác định chính xác từng nhóm đối tượng và có giải pháp phù hợp thì các cơ quan quản lý cần có cơ sở nghiên cứu thực tiễn, đánh giá thực trạng đa chiều và tham khảo ý kiến rộng rãi từ chuyên gia, doanh nghiệp và NLĐ.

Song song với đó, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình nâng cao NSLĐ. Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, bình quân giai đoạn 2011 - 2020, tốc độ tăng NSLĐ theo giá hiện hành đạt 5,29%, dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực. Trình độ tay nghề tương đối thấp so với tiêu chuẩn khu vực và thế giới. Cơ cấu đào tạo không hợp lý, khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu thị trường còn lớn.

Đặc biệt, đa số người lao động chưa được tập huấn về kỷ luật lao động công nghiệp, thiếu ý thức tiết kiệm, kiến thức và kỹ năng làm việc nhóm. Những bất cập này đòi hỏi hệ thống giải pháp đồng bộ.

Đầu tiên, Chính phủ cần hoàn thiện và triển khai chiến lược quốc gia về nâng cao NSLĐ; cơ cấu lại nền kinh tế phù hợp xu hướng thế giới; xây dựng chiến lược quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ với những cơ chế, chính sách hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo. Trong đó, chính sách hỗ trợ về vốn, thuế phí là rất quan trọng để các doanh nghiệp có thể đầu tư, áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, từ đó nâng cao NSLĐ.

Bên cạnh máy móc, NSLĐ phụ thuộc rất nhiều vào trình độ, kỹ năng của NLĐ. Vì vậy, cần tiếp tục chú trọng nhiệm vụ giáo dục cho người dân, mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động lành nghề để không còn tình cảnh “thừa thầy thiếu thợ” như những năm qua.

Với các doanh nghiệp, cần tập trung đầu tư nâng cao năng lực công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất, phát huy mọi khả năng vượt qua thách thức. Quy trình sản xuất tự động, đầu tư sử dụng robot và trí tuệ nhân tạo cùng với đội ngũ nhân lực chất lượng là yêu cầu cấp thiết để doanh nghiệp nâng cao năng suất, hạ giá thành và tăng khả năng cạnh tranh trong thị trường khốc liệt.

Cuối cùng, không thể thiếu nỗ lực từ phía NLĐ. Một bộ phận lớn người dân còn tâm lý thích “việc nhẹ lương cao”, không muốn vất vả, coi trọng tiền lương hơn những cơ hội và giá trị khác mà công việc có thể mang lại. Chính vì vậy, trước hết bản thân NLĐ cần phải ý thức được rằng không có công việc nào là dễ dàng, phải nỗ lực học tập, trau dồi để nâng cao trình độ, kỹ năng nếu muốn có được cơ hội nghề nghiệp tốt hơn./.