Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Giảm giờ làm và “bài toán” năng suất lao động

Minh Hiếu: Thứ hai 10/06/2024, 07:35 (GMT+7)

Lần thứ hai trong nửa năm, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị Chính phủ xây dựng lộ trình giảm giờ làm trong tuần của lao động khu vực tư nhân từ 48 xuống 44,tiến tới 40 giờ. Năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam nằm trong nhóm thấp so với khu vực, trong khi số giờ làm việc thuộc nhóm cao.

Liệu đề xuất này có phù hợp? Làm thế nào để vừa đảm bảo tính cạnh tranh, thu hút đầu tư, vừa giúp người lao động (NLĐ) có thêm thời gian cho gia đình, nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động? 

  

Giảm giờ làm việc là mong muốn hoàn toàn chính đáng của người lao động và phù hợp xu hướng phát triển chung của thế giới. Tuy nhiên, lộ trình và cách thức triển khai thì cần cân nhắc kỹ lưỡng (Ảnh minh họa: Internet)

Giảm giờ làm việc là mong muốn hoàn toàn chính đáng của người lao động và phù hợp xu hướng phát triển chung của thế giới. Tuy nhiên, lộ trình và cách thức triển khai thì cần cân nhắc kỹ lưỡng (Ảnh minh họa: Internet)

Hoàng Mai Thư, nhân viên văn phòng tại Đống Đa (Hà Nội), dành khá nhiều thời gian cho hoạt động thể chất sau giờ làm việc, với quan điểm: phải vui khỏe thì công việc mới chất lượng. Vì vậy, Thư rất ủng hộ đề xuất giảm giờ làm việc trong tuần:

"Khung thời gian đấy khá là hợp lý, khi mình có nhiều quỹ thời gian cho bản thân hơn thì nó cũng sẽ cân bằng cuộc sống, tập thể dục hoặc học nhảy sau giờ làm chẳng hạn. Em có đọc một bài báo, không nhớ là ở nước nào đấy, người ta đang đề xuất làm 50% lên văn phòng, 50% có thể làm tự do, chứ không phải lúc nào cũng lên văn phòng. Thay đổi môi trường làm việc có thể tăng hiệu suất công việc lên tốt hơn".

Đề xuất giảm giờ làm được phần lớn NLĐ hưởng lương theo thời gian ủng hộ. Nhưng với người ăn lương theo sản phẩm, họ mong muốn được tăng lương hơn là giảm giờ làm:

"Nếu giảm giờ làm mà không ảnh hưởng mức thu nhập của mọi người thì tốt. Làm ở những khu công nghiệp này thì người ta chỉ trông mong vào giờ làm thêm để có thêm thu nhập".

"Một tuần mình được làm thêm 3 - 4 ngày là 12 tiếng. Như bọn mình được tầm 10 triệu đồng, mà mức sống ở Hà Nội thế này là không đủ, tiền ăn, tiền nhà, tiền sinh hoạt, con cái,… thực sự rất là tốn. Phân bổ như thế nào cho hợp lý chứ không phải giảm giờ làm".

Theo TS. Nguyễn Thị Liên, Trưởng bộ môn Quản trị nhân lực doanh nghiệp, Trường đại học Thương mại, đề xuất giảm giờ làm việc theo lộ trình là phù hợp cơ sở khoa học, thực tiễn và xu thế chung của thế giới. Các nghiên cứu đã chứng minh giảm giờ làm giúp NLĐ có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, có thêm thời gian cho gia đình, tham gia các hoạt động xã hội, đem lại lợi ích về an sinh, xã hội. Doanh nghiệp cũng được hưởng lợi khi NLĐ có thể toàn tâm toàn ý với công việc, giảm sai sót, hiệu quả lao động tăng lên.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Thị Liên cho rằng, giảm giờ làm cần thực hiện theo lộ trình để cơ quan quản lý có thể điều chỉnh trước phản ứng thực tế của doanh nghiệp và NLĐ. Cùng với đó, cần thực hiện tốt công tác truyền thông đến mọi đối tượng về mục tiêu, lợi ích của việc giảm giờ làm, giảm giờ làm không đồng nghĩa giảm thu nhập, tránh hiểu lầm dẫn đến không đồng thuận, giảm hiệu quả chính sách.

Giảm giờ làm giúp người lao động phục hồi sức khỏe, có thời gian dành cho gia đình và các hoạt động xã hội, từ đó tăng hiệu quả làm việc và giảm tai nạn lao động (Ảnh - Cung văn hóa lao động hữu nghị Việt Xô)

Giảm giờ làm giúp người lao động phục hồi sức khỏe, có thời gian dành cho gia đình và các hoạt động xã hội, từ đó tăng hiệu quả làm việc và giảm tai nạn lao động (Ảnh - Cung văn hóa lao động hữu nghị Việt Xô)

PGS. TS. Cao Văn Sâm, Chủ tịch Hội đồng cố vấn, Viện Đào tạo và Phát triển nhân lực, chuyên gia cao cấp về đào tạo, việc làm cũng ủng hộ đề xuất giảm giờ làm việc để cụ thể hóa chủ trương Nghị quyết 101 năm 2019 của Quốc hội. Tuy nhiên, giảm giờ làm là câu chuyện “muôn thuở” ở cả các quốc gia phát triển, vấn đề cơ bản nhất là đã đủ điều kiện thực hiện hay chưa, điều kiện về NSLĐ và khả năng đảm bảo điều kiện sống tối thiểu cho NLĐ:

"Thứ nhất, chúng ta phải nghiên cứu một cách căn cơ, có cơ sở khoa học và thực tiễn để có lộ trình phù hợp giữa giảm giờ làm và tăng năng suất lao động. Có nhất thiết áp dụng đồng loạt không, hay cần thời gian thí điểm ở những đơn vị đã có đủ điều kiện? Thứ hai, cơ quan chức năng phải có nghiên cứu, khảo sát, giữ được nguyên tắc giảm giờ làm nhưng không giảm thu nhập của NLĐ, và không ảnh hưởng khả năng cạnh tranh, thu hút đầu tư trong phát triển kinh tế - xã hội. Thứ ba, cần khuyến khích NLĐ nâng cao kỹ năng, góp phần nâng cao NSLĐ".

Nhìn nhận từ góc độ của doanh nghiệp, bà Nancy Ngô Thị Bích Quyên, Phó chủ tịch BNI Việt Nam, chuyên gia về quản trị nguồn nhân lực cho rằng, dù những quy định tốt hơn cho NLĐ là cần thiết nhưng cần xem xét đa chiều, tính toán tác động với phía doanh nghiệp:

"Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có NSLĐ không cao, trong khi giá tiền công, tiền lương của chúng ta thời gian gần đây không còn là thấp nữa. Tâm lý chung của giới trẻ hiện nay là làm việc thử trong một vài lĩnh vực rồi tìm cơ hội khác, hoặc nghĩ rằng mình xứng đáng có một cơ hội tốt hơn. Chủ doanh nghiệp thực sự cần NLĐ có NSLĐ tốt, đôi khi thời gian không phải vấn đề. Phải cân nhắc lợi ích giữa hai bên là chủ sử dụng lao động và NLĐ, làm thế nào để hài hòa, làm sao để doanh nghiệp có thể cắt giảm chi phí, cạnh tranh với thị trường về mặt giá cả".

Để giải quyết “bài toán” vừa đảm bảo sự cạnh tranh, thu hút đầu tư của quốc gia, vừa giúp NLĐ đảm bảo thời gian cho gia đình, nghỉ ngơi tái tạo sức lao động, TS. Nguyễn Thị Liên cho rằng “chìa khóa” là tăng NSLĐ:

"Doanh nghiệp phải áp dụng khoa học - công nghệ để tự động hóa, để quy trình làm việc được cải thiện, môi trường làm việc tốt. Doanh nghiệp cũng cần đào tạo nhân lực thích nghi với công việc mới, có nhiều sáng tạo hơn, tạo ra nhiều sản phẩm tiên tiến hơn.

Còn NLĐ sẽ phải ý thức rằng họ phải luôn luôn học hỏi để hoàn thiện bản thân, thích ứng với môi trường luôn thay đổi như hiện nay. Từ phía nhà nước, chúng ta cần có những cơ chế, chính sách để kích thích sự sáng tạo, đổi mới; tạo cơ chế thông thoáng cho các doanh nghiệp thụ hưởng những chương trình về đổi mới, sáng tạo. Nhà nước cũng cần tăng mức lương tối thiểu để NLĐ đủ sống, để họ yên tâm làm việc và cống hiến".

Để vừa đảm bảo sự cạnh tranh, thu hút đầu tư của quốc gia, vừa giúp người lao động đảm bảo thời gian cho gia đình, nghỉ ngơi tái tạo sức lao động thì ''chìa khóa'' là tăng năng suất lao động. Ảnh - Vietnamnet

Để vừa đảm bảo sự cạnh tranh, thu hút đầu tư của quốc gia, vừa giúp người lao động đảm bảo thời gian cho gia đình, nghỉ ngơi tái tạo sức lao động thì ''chìa khóa'' là tăng năng suất lao động. Ảnh - Vietnamnet

Thu nhập của người dân ngày một tăng cao, mong mỏi được giảm giờ làm việc, tăng thời gian cho gia đình, nghỉ ngơi và vui chơi của người lao động (NLĐ) là hoàn toàn chính đáng và phù hợp xu hướng phát triển chung của thế giới. Giảm giờ làm là việc chắc chắn phải thực hiện trong tương lai, nhưng thời điểm nào, lộ trình và cách thức triển khai ra sao thì cần cân nhắc kỹ lưỡng.

Đây cũng là góc nhìn của VOV Giao thông qua bài bình luận: “Giảm giờ làm, cần giải pháp phù hợp cho từng đối tượng”.

Giảm giờ làm việc là một trong những mục tiêu an sinh xã hội được tổ chức Công đoàn theo đuổi nhiều năm qua bởi những lợi ích đã được nhìn thấy rõ: giúp NLĐ phục hồi sức khỏe, có thời gian dành cho gia đình và các hoạt động xã hội, cân bằng đời sống vật chất và tinh thần, từ đó tăng hiệu quả làm việc và giảm tai nạn lao động.

Khi nền kinh tế đang dần phục hồi sau đại dịch Covid-19, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng đã có thể cân nhắc giảm giờ làm việc trong tuần của lao động khu vực tư nhân. Dù nhiều công nhân lo ngại giảm giờ làm sẽ giảm thu nhập, nhưng bản chất của làm thêm giờ là do tiền lương thấp, không đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu. Nếu tiền lương trả cho thời gian làm công việc chính đủ để đáp ứng các nhu cầu của NLĐ thì họ sẽ không cần làm thêm, tăng ca. Do đó, vấn đề không chỉ là giảm giờ làm, mà còn điều chỉnh cả tiền lương.

Tăng lương, giảm giờ làm là mong muốn của tất cả NLĐ, nhưng vấn đề quan trọng là việc làm gắn với năng suất, khi năng suất cao thì mới có điều kiện giảm giờ làm.

Từ phía cộng đồng doanh nghiệp, nhiều chủ sử dụng lao động mong muốn duy trì giờ làm việc như hiện tại bởi NSLĐ còn thấp. Nếu giảm giờ làm thì họ có thể tăng thêm chi phí thuê nhân công, tác động ngược trở lại là NLĐ; có thể bị giảm thu nhập, nhất là với khối doanh nghiệp sản xuất trực tiếp. Vì vậy, việc giảm giờ làm cần cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo hài hòa lợi ích doanh nghiệp và NLĐ để cùng nhau phát triển: thời gian nào triển khai là phù hợp? Lộ trình, phạm vi áp dụng ra sao? Cần đảm bảo những điều kiện gì về tiền lương, NSLĐ,…?

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các nghiên cứu khoa học đã chứng minh việc giảm giờ làm cũng tạo động lực và áp lực buộc doanh nghiệp, NLĐ phải thay đổi thích ứng, phải tăng NSLĐ để hoàn thành khối lượng công việc không đổi.

Trên thực tế, ở không ít cơ quan, đơn vị cả khu vực nhà nước lẫn tư nhân, số giờ làm việc thực sự không đủ 8 giờ, NLĐ vẫn có thời gian lướt điện thoại hoặc làm các công việc cá nhân khác, dư địa để cắt giảm giờ làm hoặc tận dụng để tăng NSLĐ là rất lớn.

Chính vì vậy, việc giảm giờ làm không nên chờ đợi để áp dụng đại trà, mà cần điều chỉnh linh hoạt cho từng nhóm cụ thể. Với những doanh nghiệp, ngành nghề đã đủ điều kiện, có NSLĐ cao thì có thể áp dụng ngay. Với những đơn vị còn khó khăn thì cần lộ trình và những biện pháp hỗ trợ cụ thể.

Với những nhóm có thể thực hiện được nhưng sức ì còn lớn thì áp dụng giảm giờ làm như một cách buộc NLĐ và chủ sử dụng lao động phải thay đổi. Tất nhiên, để xác định chính xác từng nhóm đối tượng và có giải pháp phù hợp thì các cơ quan quản lý cần có cơ sở nghiên cứu thực tiễn, đánh giá thực trạng đa chiều và tham khảo ý kiến rộng rãi từ chuyên gia, doanh nghiệp và NLĐ.

Song song với đó, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình nâng cao NSLĐ. Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, bình quân giai đoạn 2011 - 2020, tốc độ tăng NSLĐ theo giá hiện hành đạt 5,29%, dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực. Trình độ tay nghề tương đối thấp so với tiêu chuẩn khu vực và thế giới. Cơ cấu đào tạo không hợp lý, khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu thị trường còn lớn.

Đặc biệt, đa số người lao động chưa được tập huấn về kỷ luật lao động công nghiệp, thiếu ý thức tiết kiệm, kiến thức và kỹ năng làm việc nhóm. Những bất cập này đòi hỏi hệ thống giải pháp đồng bộ.

Đầu tiên, Chính phủ cần hoàn thiện và triển khai chiến lược quốc gia về nâng cao NSLĐ; cơ cấu lại nền kinh tế phù hợp xu hướng thế giới; xây dựng chiến lược quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ với những cơ chế, chính sách hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo.

Trong đó, chính sách hỗ trợ về vốn, thuế phí là rất quan trọng để các doanh nghiệp có thể đầu tư, áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, từ đó nâng cao NSLĐ.

Bên cạnh máy móc, NSLĐ phụ thuộc rất nhiều vào trình độ, kỹ năng của NLĐ. Vì vậy, cần tiếp tục chú trọng nhiệm vụ giáo dục cho người dân, mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động lành nghề để không còn tình cảnh “thừa thầy thiếu thợ” như những năm qua.

Với các doanh nghiệp, cần tập trung đầu tư nâng cao năng lực công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất, phát huy mọi khả năng vượt qua thách thức. Quy trình sản xuất tự động, đầu tư sử dụng robot và trí tuệ nhân tạo cùng với đội ngũ nhân lực chất lượng là yêu cầu cấp thiết để doanh nghiệp nâng cao năng suất, hạ giá thành và tăng khả năng cạnh tranh trong thị trường khốc liệt.

Cuối cùng, không thể thiếu nỗ lực từ phía NLĐ. Một bộ phận lớn người dân còn tâm lý thích “việc nhẹ lương cao”, không muốn vất vả, coi trọng tiền lương hơn những cơ hội và giá trị khác mà công việc có thể mang lại.

Chính vì vậy, trước hết bản thân NLĐ cần phải ý thức được rằng không có công việc nào là dễ dàng, phải nỗ lực học tập, trau dồi để nâng cao trình độ, kỹ năng nếu muốn có được cơ hội nghề nghiệp tốt hơn./.

Minh Hiếu/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Vội vàng đăng kiểm sớm trước nguy cơ ùn ứ

Vội vàng đăng kiểm sớm trước nguy cơ ùn ứ

Những ngày vừa qua, số lượng phương tiện đi đăng kiểm tại Hà Nội đang có chiều hướng tăng lên. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa ghi nhận tình trạng ùn tắc.

4 ngân hàng dừng bán vàng trực tiếp

4 ngân hàng dừng bán vàng trực tiếp

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố giá bán vàng miếng ngày 18/6 là 75,98 triệu đồng/lượng, cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC để triển khai thực hiện bán cho người dân.

Phấn đấu kéo giảm 50% số người thương vong vì TNGT

Phấn đấu kéo giảm 50% số người thương vong vì TNGT

Theo báo cáo của WHO, Việt Nam có tỷ lệ tử vong do TNGT trên 100.000 người giảm trên 30%; 10 quốc gia có tỷ lệ thương vong do TNGT giảm trên 50%. TNGT ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều, tỷ lệ thương vong vẫn rất lớn (Bởi vì WHO) có phương pháp thống kê riêng, mang tính toàn cầu).

Khó tìm vé máy bay nội địa giá rẻ giữa mùa du lịch

Khó tìm vé máy bay nội địa giá rẻ giữa mùa du lịch

Dù đặt trước 2-3 tháng, song hành khách vẫn khó “săn” được vé máy bay nội địa giá rẻ. Việc neo giá vé ở mức cao khiến các hàng không nội địa vẫn “ế” ngay trong mùa du lịch hè.

Tự sự của đêm: Chèo xuồng đêm trăng

Tự sự của đêm: Chèo xuồng đêm trăng

Hè! Phượng vĩ và ve sầu mang tôi trở về với thuở học trò. Ngày xưa, tôi vẫn tựu trường vào đầu tháng Chín và nghỉ hè vào tầm cuối tháng Năm như bây giờ. Nhà tôi cách trường tầm mười cây số.

Mối liên hệ giữa ngưng thở khi ngủ đến bệnh giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ

Mối liên hệ giữa ngưng thở khi ngủ đến bệnh giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ

Ngày nay, nhiều nghiên cứu cho thấy ngưng thở khi ngủ có thể gây suy giảm nhận thức ở nhiều mức độ khác nhau với biểu hiện sớm đó là suy giảm mức độ tập trung chú ý và suy giảm trí nhớ, đặc biệt là trí nhớ gần.

Sẽ thanh tra doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ “kỳ nghỉ du lịch”

Sẽ thanh tra doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ “kỳ nghỉ du lịch”

Bộ Công Thương cho biết, sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tiến hành thanh, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ “kỳ nghỉ du lịch".