Giải pháp giúp máy bay hạn chế va phải chim trời

Nhiều trường hợp ‘chim trời tấn công’ máy bay dẫn tới những tai nạn nghiêm trọng hay buộc phi cơ phải quay đầu.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Tối hôm 7/5 vừa qua, một chuyến bay của hãng hàng không EasyJet, đang trên hành trình di chuyển từ thành phố Glasgow, Anh đến Faro, Bồ Đào Nha, đã buộc phải hạ cánh ngay sau khi vừa rời khỏi sân bay Glasgow.

Dù máy bay hạ cánh an toàn, nhưng sự cố khiến nhà chức trách sân bay phải khởi động hàng loạt biện pháp khẩn cấp, trong khi các hành khách bị trễ gần 14 tiếng bởi không có chuyến bay thay thế tới Faro.

Người phát ngôn EasyJet sau đó cho biết, khi máy bay cất cánh được ít lâu, cơ trưởng bất ngờ thông báo ‘tình trạng khẩn cấp trên không’ do máy bay ‘bị tấn công’ bởi một con chim: “Cơ trưởng quyết định cho máy bay quay trở lại sau một cuộc tấn công của chim. Máy bay hạ cánh an toàn và các dịch vụ khẩn cấp được kích hoạt theo đúng quy trình. Chúng tôi xin lỗi về những bất tiện mà hành khách phải trải qua, dù điều này nằm ngoài tầm kiểm soát của EasyJet”

Một chuyến bay của EasyJet: phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Glasgow sau khi bị chim tấn công

Thời gian qua, các vụ va chạm giữa máy bay với chim xảy ra khá thường xuyên ở một số nước châu Âu. Mới đây nhất, hôm 12/5, chiếc Airbus A320 của hãng hàng không Italia Airways, chở 84 hành khách, buộc phải quay trở lại sân bay Milan Linate sau khi cất cánh được ít phút. Nguyên nhân được xác định là do một số con chim bị hút vào động cơ máy bay.

Theo các chuyên gia, những con chim đang bay trên trời thực sự là mối đe dọa không nhỏ đối với hoạt động bay. Tính toán cho thấy, một con chim cân nặng 5kg, nếu bay với vận tốc 275 km/h có thể tạo ra lực xung kích tương đương sức mạnh của vật cứng 100 kg rơi từ độ cao 15m gây ra.

Ông Steve Osmek, một chuyên gia về động vật hoang dã chia sẻ: “Máy bay di chuyển rất nhanh khi cất và hạ cánh nên có thể bị hư hại khá nặng. Còn trường hợp một con chim nào đó bị hút vào động cơ, vấn đề còn nghiêm trọng hơn”.

Hậu quả của những vụ va chạm giữa máy bay với chim từng dẫn tới nhiều tai nạn thảm khốc. Điển hình nhất là chuyến bay 375 của Eastern Air Lines bị rơi ngày ngày 4/10/1960 khi cất cánh từ sân bay Quốc tế Logan ở Boston khiến 62 hành khách thiệt mạng. Đây được xem là vụ tai nạn do chim tấn công gây nhiều ca tử vong nhất trong lịch sử.

Còn những năm gần đây, các cuộc tấn công của chim trời cũng ảnh hưởng lớn tới lợi nhuận của các hãng hàng không. Theo ước tính tại châu Âu, tổng thiệt hại hàng năm có thể lên tới 1 tỷ USD.

Theo các chuyên gia, những con chim đang bay trên trời thực sự là mối đe dọa không nhỏ đối với hoạt động bay - Ảnh Mike Focus

Để giảm thiểu rủi ro va chạm, Ủy ban châu Âu mới đây tài trợ xây dựng mạng lưới rada cảnh báo chim và các loài động vật hoang dã tại sân bay. Ngoài việc phát hiện hoạt động của chim trong thời gian thực, hệ thống còn tổng hợp dữ liệu lịch sử và thời tiết để dự báo khả năng di cư của chim từ địa các phương khác.

Ông Peter Hemngsen, Giám đốc điều hành dự án cho biết: “Thông tin này cho phép các hãng hàng không xác định giai đoạn nguy hiểm cao hay thấp của loài chim và thực hiện biện pháp giảm thiểu va chạm”.

Theo ông Hemngsen, do 92% các vụ va chạm giữa máy bay với chim xảy ra ở độ cao dưới 3.000 feet, nên các biện pháp mà phi công có thể thực hiện là sử dụng dữ liệu rada để quyết định thời điểm và hướng cất cánh, đồng thời tăng tốc lên cao để vượt qua các khu vực có nguy cơ.

Bên cạnh đó, thông tin dự báo về hoạt động của chim trời sẽ giúp các hãng hàng không lập kế hoạch tuyến đường và lựa chọn lịch trình bay phù hợp.

Ông Hemngsen cho biết thêm: “Giải pháp của chúng tôi đã thử nghiệm và cho thấy hiệu quả, đó là giảm số trường hợp chim trời tấn công máy bay. Chúng tôi đang nghiên cứu tích hợp thêm các hệ thống rada cảnh giới sân bay để mở rộng dịch vụ”.

Dù rada cảnh báo chứng nh được tính hiệu quả, nhưng thực tế cho thấy hiện không có giải pháp nào ngăn chặn thành công 100%.

Trong khi đó, để tránh nguy cơ va chạm giữa máy bay và chim, nhiều sân bay đang sử dụng một số giải pháp thông thường như dùng còi báo động, loa âm độ cao, phá hủy môi trường sống hay thuần dưỡng một số loài chim săn mồi để săn bắt và xua đuổi chim quanh khu vực sân bay.

Sau nhiều vụ máy bay va chạm với chim xảy ra trong thời gian gần đây, Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm soát, xua đuổi chim tại các sân bay trên cả nước.

Riêng với sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, bên cạnh hoạt động xua đuổi chim, các đơn vị cần rà soát, đánh giá biện pháp kiểm soát, xua đuổi chim đang áp dụng, đánh giá rủi ro, đề xuất giải pháp giảm mối nguy chim va chạm với máy bay trong ngắn và dài hạn.

Các cảng vụ hàng không được yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát, yêu cầu đơn vị liên quan trong thực hiện các biện pháp kiểm soát và xua đuổi chim, động vật hoang dã, vật nuôi tại sân bay.