Giải pháp giảm thiểu TNGT dịp nghỉ lễ dài ngày

Vì sao dù được dự đoán từ trước, các lực lượng chức năng cũng căng mình ứng trực, xử lý vi phạm, nhưng TNGT trong các kỳ nghỉ vẫn ở mức cao? Đây có lẽ là câu hỏi làm day dứt rất nhiều người.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Hiện trường một vụ tai nạn giao thông trong kỳ nghỉ lễ 2/9. Ảnh: TTXVN

Những năm gần đây, TNGT, đặc biệt là TNGT nghiêm trọng, có xu hướng tăng đột biến trong những dịp nghỉ lễ dài ngày. Điển hình như dịp 30/4, 1/5 năm nay, sau 5 ngày nghỉ, có gần 100 người tử vong vì TNGT.

Đáng chú ý, dù hậu quả rất lớn như vậy, nhưng so với cùng kỳ năm 2018, bình quân số người tử vong trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4, 1/5 năm nay thậm chí còn thấp hơn. Cụ thể là 19,2 người chết/ngày, giảm nhẹ so với năm 2018 là 19,75 người chết/ngày.

Thống kê của Cục CSGT cả nước cho thấy, trong dịp này, đã có trên 11 nghìn trường hợp vi phạm luật giao thông đường bộ bị xử lý, phạt tiền trên 15 tỷ đồng, tạm giữ 138 ô tô, gần 2.300 mô tô, 2.300 giấy tờ các loại.

Trong đó, có nhiều vi phạm về nồng độ cồn, chạy quá tốc độ, lấn làn đường, đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, đặc biệt là chở quá số người quy định. Cá biệt có xe khách 21B tuyến Mỹ Đình - Nghĩa Lộ (Yên Bái) chở quá quy định 31 người, bị xử phạt 40 triệu đồng; xe khách 37B chở quá quy định 15 người, xử phạt 20 triệu đồng; xe 29 chỗ thương hiệu Hà Trang chở tới 73 khách, bị phạt hơn 60 triệu đồng…

Nói về “cơn ác mộng” nhồi nhét khách trong dịp nghỉ lễ, một số hành khách bức xúc chia sẻ:

 

“Một hàng ghế thường thường có 2 người, 2 bên là 4 người, ở giữa thì nhà xe cho thêm 1 hàng ghế ngang. Nhiều khi em lên sau là phải ngồi như vậy. Nếu không ngồi như thế thì cũng không có xe lên. Người dân thì thường thông cảm vì ngày lễ đông, người ta về nhiều thì phải chấp nhận thôi”.

 

“Xe bình thường 29 chỗ thì phải nhồi đến 50-60 người. Họ xếp 1 hàng ghế đỏ và 1 hàng bình thường ngồi 3 người thì khi đó nhồi 5-6 người. Mọi người chỉ muốn nhanh chóng về nhà nên chỉ cho qua chuyện. Quá đáng quá thì mới nhắc nhở”

 

“Nhiều khi ở bến họ sắp xếp đầy đủ, nhưng khi ra ngoài là bắt dọc đường rất nhiều. Không có chỗ ngồi là đứng như xe buýt. Mình có lên tiếng cũng không được vì lễ tết phải thông cảm cho các xe. Lực lượng cảnh sát mà có kiểm tra thì họ bắt ngồi xuống. Cảnh sát thì không vào trực tiếp trong xe mà chỉ đứng nhòm qua là thôi ngay”.

Đề cập tình hình giao thông trong dịp nghỉ lễ 2/9 sắp tới, đa số thính giả cho rằng, phức tạp nhất vẫn là tình trạng nhồi nhét khách, mất an toàn trên những chuyến hành trình liên tỉnh, và việc nhậu nhẹt, lái xe sau khi uống rượu bia.

Trần Tuấn Nam, một nam sinh viên trường Mỏ -Địa chất đi tuyến Hà Nội – Ninh Bình lo lắng nói:

 

“Những dịp như này, đi xe máy về đoạn đấy là nhiều cực kỳ luôn. Một là tắc đường, xong rồi đi lạng lách đánh võng, lại không đội mũ bảo hiểm nữa. Lực lượng chức năng thì những ngày này không làm hết được, chủ yếu do ý thức mỗi người thôi”.

Trong 3 ngày qua, lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, phân làn giao thông, tập trung xử lý trường hợp xe khách chở quá số người quy đinh, tài xế vi phạm nồng độ cồn và sử dụng ma tuý. Ảnh: Nhân Trần

Vì sao dù được dự đoán từ trước, các lực lượng chức năng cũng căng mình ứng trực, xử lý vi phạm, nhưng TNGT trong các kỳ nghỉ vẫn ở mức cao? Đây có lẽ là câu hỏi làm day dứt rất nhiều người tham gia giao thông và bài toán hóc búa dành cho những nhà quản lý, tổ chức giao thông.

Trao đổi với phóng viên, Đại úy Nguyễn Minh Đức – Đội Phó Đội tuyên truyền, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội lý giải:

 

“Trong những dịp nghỉ lễ thì lưu lượng người tham gia giao thông gia tăng đột biến, dẫn đến tình hình giao thông có nhiều diễn biến và chiều hướng phức tạp. Thứ hai là trong những ngày nghỉ lễ, mọi người có thể thường xuyên gặp nhau, giao lưu cốc bia chén rượu. Chính vì vậy , khi điều khiển phương tiện giao thông sẽ  có nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông”.

Từ đánh giá như vậy, phòng CSGT – CA TP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm, để kịp thời phát hiện và xử lý những trường hợp sử dụng rượu bia, điều khiển phương tiện trong những dịp nghỉ lễ dài ngày.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tất Thành – Giám đốc bến xe Giáp Bát cho rằng, dịp nghỉ lễ, lợi dụng nhu cầu đi lại của người dân lên cao, nhiều tài xế, nhà xe đã bất chấp các quy định, đặt mục tiêu thu lợi lên hàng đầu, sẵn sàng chở gấp nhiều lần số người theo thiết kế của xe, gây mất an toàn nghiêm trọng các chuyến đi.

 

“Chúng tôi đã ký cam kết với tất cả các nhà xe trong việc thực hiện công tác giải tỏa năm nay. Thứ hai là bến cũng phối hợp với lực lượng chức năng thành lấp tổ công tác gồm có thanh tra, công an, tiến hành kiểm tra tất cả phương tiện xuất bến. Phương tiện nào chở quá số người quy định thì sẽ xử lý theo quy định và giảm tải ngay từ trong bến”.

Đề đảm bảo quyền lợi của hành khách, Giám đốc bến xe Giáp Bát cũng khuyến cáo người dân nên vào các quầy vé để mua vé đi xe, không bắt xe dọc đường, tiếp tay cho tình trạng xe dù bến cóc, nhồi nhét khách.

Ông Phan Anh Tuấn – Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT Cầu Giấy (TP.Hà Nội) chia sẻ thông tin, kể từ đầu năm 2019, đơn vị đã xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm về xe chở khách, chở hàng hóa, phạt tiền hàng tỉ đồng, kiên quyết tước giấy phép lái xe với các trường hợp vi phạm nặng hoặc tái vi phạm.

Theo ông Phan Anh Tuấn, một trong những kênh thông tin được lực lượng chức năng sử dụng, nhằm phát hiện xe vi phạm, chính là cuộc gọi, tin nhắn tố giác của người dân đến đường dây nóng. Điển hình như vụ đón lõng và bắt được xe 18B-02074 tại nút cầu vượt Mai Dịch ngày 1/5/2019 trước khi xe qua đúng 2 phút, phát hiện và xử lý xe chở quá 3 lần sức chứa theo quy định.

 

“Hiện nay, người dân có thể phản ánh thông tin về số điện thoại đường dây nóng của Phòng tham mưu tổng hợp (Thanh tra Sở GTVT Hà Nội): 043.8217.922; 0912.323.189; và số của Trưởng phòng quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội: 0932.231.683. Việc xử lý thông tin đường dây nóng, có những thông tin chính xác. Chúng tôi rất cảm ơn sự hợp tác của nhân dân”.

Đồng tình quan điểm này, TS Trần Hữu Minh – Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, sự hợp tác, cung cấp bằng chứng hình ảnh, video của người dân về những vi phạm sẽ giúp giảm tải rất nhiều cho các cơ quan chức năng trong việc phát hiện và xử lý.

Mặc dù vậy, cơ quan chức năng không thể xử lý được 100% vi phạm, cũng không thể có mặt ở mọi cung đường tiềm ẩn nguy cơ TNGT. Chính vì vậy, ý thức đảm bảo ATGT trong những dịp nghỉ lễ dài ngày của mọi đối tượng tham gia trên đường là yếu tố tiên quyết.

 

“Có nhiều hộ gia đình vừa sắm xe, vừa nhận bằng, háo hức đi trên cung đường mới dịp nghỉ lễ thì rủi ro với những đối tượng này rất cao. Bên cạnh đó, nhiều nhà xe thấy nhu cầu đi lại tăng cao thì đưa lái xe, phương tiện không đủ tiêu chuẩn, chất lượng vào, chạy càng nhiều, doanh thu càng cao càng tốt, phóng nhanh vượt ẩu. Cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp như vậy”.