Giải bài toán 'lệch pha' giữa đào tạo và yêu cầu tuyển dụng

Đại dịch COVID-19 và Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tạo ra ‘thử thách kép’ đối với thị trường lao động toàn cầu.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Năm 2017, học hết lớp 12, Nguyễn Nhật, quê ở Hòa Bình quyết định ‘khăn gói’ ra Hà Nội kiếm việc làm. Sau gần 5 năm lăn lộn với đủ nghề, từ bảo vệ, phục vụ quán cho tới chạy xe ôm công nghệ, Nhật cho hay, trước đây mỗi tháng kiếm khoảng 10-12 triệu đồng, nhưng công việc vất vả, bấp bênh.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, số tiền kiếm được chỉ đủ cho Nhật trang trải cá nhân, trả tiền thuê nhà, còn khoản gửi về giúp đỡ gia đình trước đây thì gần như cắt hẳn. Đầu năm 2022 vừa qua, Nhật đăng ký một lớp học ‘Sửa chữa điện lạnh’, với hy vọng kiếm việc gì đó ổn định hơn và kể cả sau này về quê thì ‘vẫn có nghề trong tay’.

Sau hơn 4 tháng học sửa chữa điện lạnh, cậu cho biết, vẫn chạy xe ôm công nghệ để có thu nhập, nhưng giờ không còn cảm thấy chênh vênh mà đã tự tin hơn vì sắp có ‘nghề trong tay’.

Có thể thấy, bên cạnh tác động tiêu cực đến toàn bộ đời sống, kinh tế xã hội, đại dịch Covid-19, cũng giúp nhiều thanh niên, trong đó có Nhật, hiểu ra rằng, những công việc giản đơn, mùa vụ gặp khó khăn và bấp bênh thế nào trước thế giới việc làm đầy biến động.

Trong khi đó, sự phát triển mạnh mẽ của Cuộc mạng 4.0 dẫn tới chuyển dịch cơ cấu lao động, các hệ thống tự động dần thay thế lao động thủ công, ảnh hưởng đến việc làm của lao động kỹ năng.

Theo Diễn đàn kinh tế Thế giới (WEF), đến năm 2025, có 85 triệu việc làm trên toàn cầu sẽ bị xóa bỏ, nhưng cũng có 97 triệu việc làm mới được tạo ra. Muốn đáp ứng yêu cầu của thế giới việc làm mới, ước tính khoảng 50% lao động cần được đào tạo lại và nâng cao kỹ năng, tay nghề.

Thách thức trong giai đoạn trước mắt là vừa phải giải quyết bài toán đảm bảo cung ứng nhân lực cho phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, vừa phải thực hiện các giải pháp căn cơ, lâu dài về đào tạo nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao trong khoảng 5-10 năm tới.

Chính vì vậy thời điểm này, công tác đào tạo nghề cho thanh niên cần được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống giáo dục, đào tạo, ở mọi cấp độ, trình độ, hình thức đào tạo. Đòi hỏi cách tiếp cận đồng bộ, hiệu quả trong đào tạo nguồn nhân lực ở các địa phương, các lĩnh vực, tránh sự chia cắt cơ học, không hợp lý.

Thực tế, tại nhiều nước trên thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam, hoạt động đào tạo luôn có một khoảng cách nhất định và thường đi sau thế giới việc làm. Có nhiều mô hình dự báo cung cầu lao động nhưng mô hình nào cũng tồn tại khiếm khuyết, bởi phải dựa trên dữ liệu có sẵn và thu thập dữ liệu.

Do đó, để rút ngắn được độ ‘lệch pha’ này, các cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp cần luôn song hành trong mối quan hệ hỗ trợ của nhà nước. Đó nên là một cơ chế đối thoại nhanh chóng, kịp thời giữa các bên, mà ở đó ai cũng có vai trò của riêng mình.

Doanh nghiệp biết mình đang cần gì ở người lao động, cần gì ở mỗi vị trí việc làm. Cơ sở đào tạo biết học viên đang thiếu hụt kỹ năng gì theo nhu cầu của nhà tuyển dụng. Trong khi các cơ quan chức năng cũng biết cần tháo gỡ những rào cản, khó khăn gì để có hỗ trợ tốt nhất, giúp cho mối quan hệ này trở nên hiệu quả.

Có như vậy, thì câu chuyện về khoảng trống giữa hệ thống đào tạo nghề với thực tế việc làm mới có thể được giải quyết và thu hẹp.