Bộ Lao động và Thương Binh xã hội đang soạn thảo Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, gọi tắt là Dự Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) với việc bổ sung, sửa đổi một số quy định mới theo hướng tăng thêm quyền lợi của người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội nhằm “giữ chân” người lao động ở lại hệ thống Bảo hiểm xã hội...
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi gồm 9 chương, 133 điều, tăng 8 điều so với Luật BHXH năm 2014.
Một trong những điểm đáng chú ý của Dự thảo Luật BHXH sửa đổi là bổ sung quy định tính mức hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau không trọn ngày (khoản 5 Điều 49). Ngoài ra, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) dự kiến sửa đổi các nội dung quy định/chế độ gắn với mức lương cơ sở theo hướng quy định bằng số tiền cụ thể (bằng với mức tuyệt đối của hiện hành) sau đó được điều chỉnh theo quy định của Chính phủ (Điều 50, 63, 66, 92,..).
Đối với chế độ tử tuất, tại Điều 90 và 91, Dự Luật sửa đổi quy định về điều kiện về tuổi của thân nhân hưởng trợ cấp tuất hàng tháng phù hợp với lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu; Sửa đổi quy định về trợ cấp mai táng theo hướng không quy định về thời gian đóng tối thiểu đối với trường hợp đang tham gia BHXH chết .
Ngoài ra, Ban soạn thảo đề xuất 02 phương án về Chi phí quản lý bảo hiểm xã hội. Trong đó, phương án 1, quy định ức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở số phần trăm của dự toán thu bảo hiểm xã hội. Phương án 2 quy định mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở số phần trăm của dự toán thu, chi bảo hiểm xã hội.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội đang xin ý kiến các Bộ, ban ngành, doanh nghiệp và người lao động, sau khi tổng hợp ý kiến, điều chỉnh Ban soạn thảo gửi Bộ Tư Pháp xin ý kiến thẩm định vào tháng 5, trình Chính phủ vào tháng 6/2023 và Chính phủ xem xét trình Quốc hội vào tháng 10/2023.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có những điểm gì mới về rút BHXH một lần? PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động và Thương binh xã hội, thành viên Ban soạn thảo Dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi về nội dung này:
PV: Xin ông cho biết lí do Ban soạn thảo sửa đổi, điều chỉnh quy định về rút BHXH 1 lần?
Ông Nguyễn Duy Cường: Trong những năm vừa qua có gần 700 nghìn người rút BHXH 1 lần, qua các năm có xu hướng gia tăng. Việc rút BHXH rất thiệt thòi cho người lao động, giảm cơ hội hưởng lương hưu và ổn định cuộc sống của người lao đông. Tinh thần của Nghị quyết số 28 đã đặt ra cần có những quy định phù hợp để giảm tình trạng rút BHXH một lần theo hướng gia tăng quyền lợi bảo hiểm nếu người ta bảo lưu để hưởng lương hưu và giảm quyền lợi nếu rút BHXH một lần.
Trong Dự thảo Luật BHXH lần này đã lựa chọn cách tiếp cận gia tăng quyền lợi khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng, tiếp tục tham gia để hưởng lương hưu, ví dụ các điều kiện sẽ dễ dàng hơn khi hưởng lương hưu như giảm thời gian đóng từ 20 năm xuống 15 năm, bổ sung quy định người lao động đến tuổi nghỉ hưu mà thời gian đóng BHXH chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu, người lao động có thêm lựa chọn là có thể hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định về liên kết giữa thượng tầng về trợ cấp hưu trí xã hội với bảo hiểm xã hội cơ bản.
Khi họ hưởng trợ cấp hàng tháng đó, họ cũng được bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đảm bảo. Như vậy, gia tăng quyền lợi cho người lao động cân nhắc hơn khi mà quyết định lựa chọn BHXH một lần.
PV: Theo ông, Dự thảo Luật BHXH sửa đổi có điểm gì khác biệt so với Luật BHXH sửa đổi hiện hành?
Ông Nguyễn Duy Cường: Trong Dự thảo Luật BHXH lần này vẫn kế thừa những quy định của Luật hiện hành, trong quy định về các trường hợp hưởng BHXH một lần. Trong đó quy định các điều kiện để hưởng BHXH một lần là những trường hợp như là khi mà hết độ tuổi lao động , thời gian đóng BHXH chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu, họ không có nhu cầu, không có khả năng đóng tiếp thì vẫn giải quyết rút BHXH một lần; Hay trường hợp người lao động ra nước ngoài để định cư; những người mắc bệnh hiểm nghèo
Riêng về trường hợp người lao động đang còn trẻ, chưa đến tuổi nghỉ hưu, sau 1 năm nghỉ việc, thời gian đóng chưa đủ 30 năm họ vẫn có nhu cầu nhận thì trong Dự thảo đề ra 2 phương án đối với trường hợp này:
Phương án 1: như quy định hiện hành;
Phương án 2: theo hướng vẫn cho phép người lao động giải quyết hưởng BHXH một lần nhưng không quá 50% tổng thời gian đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu, ghi nhận trên sổ BHXH để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH. Phương án này, nếu có phải rút một lần nhằm đáp ứng một phần nhu cầu khó khăn trước mắt thì người lao động vẫn chưa hoàn toàn rời khỏi hệ thống BHXH do vẫn còn được bảo lưu, ghi nhận phần thời gian đóng để sau này tiếp tục tham gia và hưởng BHXH.
Dù phương án nào thì Nhà nước luôn khuyến khích người lao ở lại hệ thống để được thụ hưởng tối đa và các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, giảm thiểu những thiệt hại bất lợi khi họ hưởng BHXH một lần, bởi mục tiêu của chế độ hưu trí là ổn định cuộc sống khi về già của người lao động
PV: Vâng. Xin cảm ơn ông!
Những quy định về rút bảo hiểm xã hội được đề xuất trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có tính khả thi ? PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Giảng viên cao cấp khoa Luật, Đại học Quốc Gia Hà Nội về nội dung này:
PV: Thưa bà, Dự Luật BHXH sửa đổi đề xuất 2 phương án rút BHXH một lần. Xin bà cho biết quan điểm của mình về đề xuất này?
PGS.TS Doãn Hồng Nhung: Trong phương án 2 này chúng ta có thể đáp ứng trước mắt một phần cho đời sống người lao động nhưng cũng giảm bớt áp lực đối với quỹ. Việc khuyến khích người lao động ở lại với hệ thống BHXH để được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn đến tuổi nghỉ hưu, tránh những thiệt hại bất lợi cho khi họ được hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Chúng ta lại thấy rằng, cái khó khăn chính là cái quỹ bảo hiểm chúng ta nó sẽ diễn biến như thế nào? nó tồn tại như thế nào nếu như người dân rút ồ ạt như thế này.
Tôi e rằng là đến năm 2030, quỹ BHXH của chúng ta sẽ không còn nhiều tiền nữa. Đấy chính là cái mà chúng ta phải rất thận trọng. Vì thế nào chúng ta cũng vẫn phải bảo vệ quyền lợi của người lao động và cũng phải bảo vệ lợi ích khi mà họ tham gia đóng bảo hiểm xã hội và bảo vệ quyền lợi của người lao động.
PV: Thưa bà, việc quy định về mức tiền lương hàng tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội trong dự thảo Luật bảo hiểm xã hội, sửa đổi, có phù hợp với các quy định của pháp luật hiện nay? bà có góp ý gì cho dự thảo liên quan đến nội dung này?
PGS.TS Doãn Hồng Nhung: Trong vấn đề liên quan đến Luật bảo hiểm xã hội hiện hành quy định từ năm 2018, đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, tiền lương hàng tháng đóng bảo hiểm xã hội, tức là mức lương này rồi phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động, cũng sẽ tác động trực tiếp đến với người lao động và người sử dụng lao động.
Mặc dù, trong văn bản quy phạm pháp luật đã hướng dẫn chi tiết mức tiền lương hàng tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội nhưng ở một số doanh nghiệp vẫn còn tồn tại tình trạng tách thành nhiều khoản trợ cấp bổ sung để không phải đóng bảo hiểm xã hội thì mức tiền lương mà làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc khi nó vẫn còn một khoảng cách nhất định so với kế tiền lương thực tế của người lao động. Bởi vì cái thu nhập của người lao động nó còn có các khoản khác nữa.
Điều này cũng sẽ ảnh hưởng nhất định đến việc thụ hưởng trong chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động, đặc biệt là mức hưởng lương hưu khi về già do mức hưởng được tính đến mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm của người lao động.
Trong thực tiễn đời sống hiện nay, chúng ta sẽ thấy là người lao động không phải chỉ làm tại một cơ sở, mà họ có thể tham gia lao động rất nhiều cơ sở khác nhau dưới hình thức hợp đồng.
Dự thảo Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi đang đưa ra 2 phương án: Phương án 1 là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng bao gồm là mức lương và phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo xác định được mức tiền lương cụ thể của từng mức lương trong hợp đồng lao động được quy định theo pháp luật lao động.
Phương án 2 là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp ,các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động. Như vậy, so sánh với phương án 2 với phương án 1, thì phương án 2, thì tiền lương làm căn cứ đóng BHXH sẽ bao gồm thêm cả các khoản phụ cấp lương và bổ sung khác gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động.
Đây cũng chính là cái sẽ tác động đến điều chỉnh mức lương đóng bảo hiểm, sẽ tác động đến các doanh nghiệp rất là lớn.
Bởi vì vấn đề để hạn chế việc nợ đóng tiền bảo hiểm của các doanh nghiệp rồi các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động thì phải làm sao đó tháo gỡ khó khăn nhưng đồng thời là cần bảo vệ quyền lợi của người sử dụng lao động và người lao động nữa. Theo tôi là tính khả thi sẽ cao hơn, khi chúng ta thấy là cần phải học hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới về vấn đề này.
PV: Vâng. Xin cảm ơn bà!
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong giai đoạn 2016-2021, toàn quốc đã có trên 4 triệu người được giải quyết để hưởng BHXH một lần (chưa tính lao động do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an giải quyết). Tốc độ hưởng BHXH một lần tăng trung bình 11,6% và có xu hướng tăng. Nhiều người lao động đã tự tự tước quyền được tham gia, thụ hưởng các chế độ BHXH, đặc biệt là các chế độ dài hạn như hưu trí, tử tuất, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động khi về hưu, sự ổn định bền vững của quỹ BHXH và vấn đề an sinh.
MC nữ: Với những quy định mới tại Dự thảo Bảo hiểm xã hội sửa đổi, những bất cập hiện hành có thể được khắc phục trong thời gian tới?
Bạn kỳ vọng gì vào Dự thảo Luật này? Nếu được ban hành, các quy định mới sẽ tác động như thế nào đến người lao động, người sử dụng lao động và các cơ quan chịu trách nhiệm về BHXH?
Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi qua hotline 02437.91.91.91, qua fanpage VOVGT, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Lao động và Thương binh xã hội.
--
Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” lúc khung giờ FM91 chiều thứ Hai, thứ Tư, thứ Bảy hàng tuần trên FM91, vovgiaothong.vn, hoặc trên các nền tảng podcast dành cho di động: Spotify, Apple Podcast và Google Podcast.