Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Giảm mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn, cần đánh giá kỹ tác động Giảm mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn, cần đánh giá kỹ tác động

Giảm mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn, cần đánh giá kỹ tác động

Nguyễn Yên   •   2:12 12/08/2024

Bộ Công an vừa đề xuất hạ thấp mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn ở mức 1 (mức tối thiểu) nhằm phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm. Hiện, nhiều ý kiến ủng hộ đề xuất này nhưng cũng có ý kiến mong muốn giữ nguyên mức phạt tiền như hiện nay.

Ảnh: Hải Bằng

Ảnh: Hải Bằng

Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm Giấy phép lái xe do Bộ Công an soạn thảo gồm 4 chương, 51 Điều.

Trong đó một đề xuất đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận xã hội là tại Điều 7 mục 1 về Xử phạt, trừ điểm giấy phép lái xe của người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, đề xuất quy định: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Dự thảo nghị định này vẫn kế thừa 3 mức xử phạt vi phạm đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn của Nghị định số 100/2019 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021). Tuy nhiên, đề xuất hạ thấp mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn mức 1. Cụ thể, đề xuất giảm đến 80% so với quy định hiện hành đang phạt tiền từ 6 đến 8 triệu đồng.

Đối với vi phạm nồng độ mức 2 và mức 3, tức là người điều khiển giảm hoặc mất khả năng điều khiển phương tiện bình thường, có nguy cơ gây tai nạn giao thông nghiêm trọng trở lên, Bộ Công an đề xuất giữ nguyên quy định xử phạt tiền như trong Nghị định 100.

Dự thảo nghị định cũng bổ sung quy định trừ điểm giấy phép lái xe với tất cả hành vi vi phạm nồng độ cồn.

Cụ thể, lái xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu, hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở có thể bị trừ 12 điểm.

Lỗi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/lít khí thở có thể bị trừ 10 điểm. Nếu lái xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/lít khí thở có thể bị trừ 2 điểm.

Hiện, đề xuất này đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau của các chuyên gia và dư luận cả nước. Đơn vị soạn thảo cho biết đang tiếp thu ý kiến của các ban, bộ, ngành và các ý kiến từ những cá nhân, tổ chức. Trên cơ sở đó, Bộ Công an đưa ra mức đề xuất phù hợp. Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ sẽ có hiệu lực từ 1.1.2025.

Lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn

Lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn

VÌ SAO HẠ MỨC PHẠT?

Thời gian qua, sự quyết liệt trong việc xử phạt nồng độ cồn đã tạo được những chuyển biến rõ rệt. Tới nay, Bộ Công an đưa ra đề xuất hạ mức phạt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn theo hướng “dễ thở” hơn so với trước.

Vậy, vì sao có đề xuất điều chỉnh này? PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi cùng Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng Phòng Hướng dẫn, tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT, Bộ Công an).

PV: Thưa ông, vì sao Cục CSGT đưa ra đề xuất giảm tiền xử phạt vi phạm nồng độ cồn mức một?

Đại tá Nguyễn Quang Nhật: Trong quá trình xây dựng có tiếp thu những ý kiến đóng góp của các cá nhân, tổ chức. Có nhiều ý kiến đưa ra phải giảm mức phạt với mức 1 này.

Bởi ở mức 1, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, một người đàn ông khỏe mạnh uống một ly rượu thì trong vòng một tiếng đồng hồ, đo được dưới ngưỡng 0,25 miligam/lít khí thở hoặc 50 mg/100ml.

Các ý kiến cho rằng với những người uống ít như thế thì phải giảm mức phạt.

PV: Tới nay, đơn vị soạn thảo đã nhận được những ý kiến đóng góp ra sao?

Đại tá Nguyễn Quang Nhật: Chúng tôi tiếp nhận các luồng ý kiến, có nhiều ý kiến đồng tình song cũng có nhiều ý kiến cho rằng cần giữ nguyên mức phạt cũ như trước đây tại Nghị định 100, với nhiều lý do.

Như việc xử lý vi phạm nồng độ cồn đã đi vào nền nếp trong 2 năm qua, tạo được thói quen cho người dân về việc chấp hành luật an toàn giao thông không sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện.

Tuy nhiên, dù đã xử phạt nặng, trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng chức năng vẫn xử phạt hơn 500.000 tài xế vi phạm nồng độ cồn, trong đó trên 90% trường hợp là người điều khiển xe máy.

Điều đó cho thấy, ý thức chấp hành quy định của một bộ phận người dân chưa thực sự đi vào nền nếp.

Những ý kiến này lo ngại việc giảm tiền phạt có thể khuyến khích người dân uống rượu bia khi lái xe, dẫn đến tăng nguy cơ tai nạn giao thông.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Hướng dẫn, tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT, Bộ Công an)

Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Hướng dẫn, tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT, Bộ Công an)

PV: Vậy quy định về mức phạt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn sẽ tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện như thế nào, thưa ông?

Đại tá Nguyễn Quang Nhật: Đây là vẫn là Dự thảo, Cục CSGT sẽ tiếp tục tiếp thu quan điểm đóng góp.

Đồng thời tiếp nhận ý kiến từ các cơ quan nhà nước và người dân để nghiên cứu, bổ sung để đưa ra một dự thảo trình Chính phủ ở mức phù hợp, hài hòa, vừa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, vừa đảm bảo sát tình hình thực tiễn và tương xứng với hành vi vi phạm.

PV: Xin được cảm ơn ông!

Ảnh: Hải Bằng

Ảnh: Hải Bằng

SẼ TÁC ĐỘNG THẾ NÀO?

Mức phạt tiền theo đề xuất mới đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn mức tối thiểu đã thấp hơn hẳn so với quy định tại Nghị định 100 hiện hành. Việc điều chỉnh mức phạt liệu sẽ có những tác động ra sao khi mức phạt hiện tại được cho là có tính răn đe cao?

PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về nội dung này.

PV: Thưa bà, quan điểm của bà thế nào về đề xuất giảm mức phạt nồng độ cồn?

Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Trong thời gian qua, chúng ta xử lý vi phạm hành chính với vi phạm nồng độ cồn khá triệt để khiến cho người tham gia giao thông hình thành thói quen không sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện.

Tuy nhiên, vì chúng ta xử lý nghiêm khắc với mức phạt tiền cao nên có những lái xe khi vi phạm thì họ sẵn sàng bỏ luôn phương tiện, không nộp phạt bởi họ tính toán là phương tiện sẽ ít tiền hơn nộp phạt dẫn tới gây khó khăn cho cơ quan chức năng và bản thân cái xe lẽ ra còn sử dụng được thì bị bỏ đi lãng phí.

Bởi vậy việc hạ thấp mức phạt tiền so với Nghị định 100 là hoàn toàn phù hợp. Khi hạ thấp mức phạt tiền không có nghĩa là hành vi này được chấp nhận mà chúng ta còn có hình thức bổ sung là trừ điểm trên giấy phép lái xe. Và hình thức này nhiều khi còn mất thời gian và bất tiện khiến người tham gia giao thông không dám vi phạm.

PV: Theo bà, nếu giảm mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn sẽ có những tác động ra sao tới người tham gia giao thông?

Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Tôi cũng lo ngại khi chúng ta hạ thấp như thế sẽ dẫn đến tâm lý chủ quan của người dân, chủ quan ở mức vi phạm tối thiểu thì mức phạt không cao, uống một chút không sao đâu nhưng họ không biết dừng ở ngưỡng nào cả nên vi phạm có khả năng tăng lên.

Để lo ngại này không thành hiện thực thì tôi cho rằng chúng ta cần chú trọng công tác tuyên truyền để người dân không hiểu sai về quy định. Chúng ta hạ thấp mức phạt tiền nhưng việc có nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện vẫn là vi phạm. Công tác tuyên truyền cần tập trung vào nội dung này.

PV: Xin cảm ơn bà.

Lần đầu tiên trong quá trình xây dựng, soạn thảo các nghị định liên quan đến xử phạt, có đề xuất việc giảm mức phạt tiền. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là đề xuất có tính nhân văn cao; nhưng cũng có băn khoăn về việc có thể khiến người dân chủ quan, giảm mức độ chấp hành khi tham gia giao thông.

Bạn kỳ vọng gì vào Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm Giấy phép lái xe do Bộ Công an soạn thảo, trong đó có đề xuất giảm tiền phạt với vi phạm nồng độ cồn tối thiểu? Theo bạn, mức xử phạt đến đâu là phù hợp và tương ứng với hành vi vi phạm, vì mục tiêu cuối cùng là hướng đến sự an toàn khi tham gia giao thông cho người dân?

Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho Dự thảo qua hotline 02437.91.91.91, qua fanpage VOV Giao thông, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an.

---

Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” trong khung giờ “FM91 chiều”, thứ Hai, thứ Tư và thứ Bảy hằng tuần trên VOV Giao thông FM 91MHz, vovgiaothong.vn, hoặc trên các nền tảng podcasts dành cho di động: Spotify, Apple Podcasts và Google Podcasts.