Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Trừ điểm GPLX: Tăng tính răn đe nhưng phải phù hợp, dễ chấp hành Trừ điểm GPLX: Tăng tính răn đe nhưng phải phù hợp, dễ chấp hành

Trừ điểm GPLX: Tăng tính răn đe nhưng phải phù hợp, dễ chấp hành

Minh Hiếu - Quách Đồng   •   2:18 19/08/2024

Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, ATGT trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm GPLX gồm 4 chương, 51 điều. Trong đó, thủ tục xử phạt, trừ điểm, phục hồi điểm GPLX được quy định tại Mục 2, Chương III, các Điều từ 46 đến 48.

Theo dự thảo Nghị định, đây không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính. Hành vi vi phạm đã bị trừ điểm GPLX thì không áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng GPLX.

Mỗi GPLX có 12 điểm, khi vi phạm Luật Trật tự, ATGT đường bộ sẽ bị trừ điểm. Dự thảo Nghị định quy định 189 hành vi, nhóm hành vi bị trừ điểm; trong đó có 28 hành vi, nhóm hành vi bị trừ toàn bộ 12 điểm. Đây là những hành vi vi phạm có tính chất cố ý, nguy hiểm, nguy cơ cao gây TNGT, hủy hoại công trình giao thông như:

- Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.

- Điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy.

- Điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải cho phép của xe trên 150%.

- Đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ trên 35km/h.

- Bấm còi, rú ga, nẹt pô liên tục trong khu đông dân cư, khu vực cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ.

- Buông cả hai tay, dùng chân lái xe; ngồi về một bên, nằm trên yên xe khi lái xe; thay người điều khiển khi xe đang chạy; quay người về phía sau để điều khiển xe hoặc bịt mắt lái xe.

- Lái xe chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh, lái xe thành nhóm từ 2 xe trở lên chạy quá tốc độ quy định.

Ảnh minh hoạ: Thư viện pháp luật

Ảnh minh hoạ: Thư viện pháp luật

Với các vi phạm giao thông khác, tùy theo tính chất, mức độ mà người điều khiển phương tiện sẽ bị trừ từ 2 đến 10 điểm. Trường hợp người điều khiển phương tiện có nhiều hành vi vi phạm trong cùng một lần thì chỉ trừ điểm 1 lần với hành vi bị trừ điểm nhiều nhất.

Việc trừ điểm sẽ được tự động cập nhật vào Hệ thống cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính về trật tự, ATGT và trừ điểm GPLX của lực lượng CSGT ngay sau khi quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành.

GPLX được phục hồi đủ 12 điểm trong trường hợp chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong 12 tháng kể từ lần bị trừ điểm gần nhất. Trường hợp GPLX bị trừ hết điểm, người lái xe phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, ATGT đường bộ do lực lượng CSGT tổ chức theo quy định. Nếu có kết quả đạt yêu cầu thì lái xe mới được phục hồi đủ 12 điểm.

Dự thảo Nghị định cũng đề xuất các mức phạt lỗi sử dụng GPLX đã bị trừ hết điểm: với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh dưới 125cm3 hoặc có công suất động cơ điện đến 11kw và các loại xe tương tự là từ 1-2 triệu đồng; với xe ô tô và các loại xe tương tự là từ 10-12 triệu đồng.

Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, ATGT trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm GPLX đang được gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương và nhân dân. Dự thảo sẽ được gửi, xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp trước khi trình Chính phủ xem xét, ban hành.

Những hành vi vi phạm có tính chất cố ý, nguy hiểm, nguy cơ cao gây TNGT, hủy hoại công trình giao thông sẽ bị trừ toàn bộ 12 điểm

Những hành vi vi phạm có tính chất cố ý, nguy hiểm, nguy cơ cao gây TNGT, hủy hoại công trình giao thông sẽ bị trừ toàn bộ 12 điểm

TÁC ĐỘNG TỚI Ý THỨC

Vì sao Bộ Công an đề xuất các hành vi, nhóm hành vi bị trừ điểm GPLX và thời gian phục hồi điểm GPLX là 12 tháng kể từ vi phạm gần nhất? PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng Tuyên truyền, Cục CSGT, Bộ Công an - đơn vị chủ trì soạn thảo Nghị định.

PV: Xin ông cho biết về sự cần thiết ban hành dự thảo Nghị định này?

Đại tá Nguyễn Quang Nhật: Đây là một trong những hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý để đưa Luật Trật tự, ATGT đường bộ vào cuộc sống. Quy định mới là trừ điểm GPLX. Khoản 3, Điều 58 của Luật Trật tự, ATGT đường bộ quy định điểm của GPLX là 12 điểm, số điểm bị trừ mỗi lần vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.

Qua quá trình theo dõi công tác bảo đảm trật tự ATGT thì Cục CSGT nhận thấy người điều khiển phương tiện giao thông là một trong những thành tố chính của hoạt động giao thông đường bộ và liên quan trực tiếp đến trật tự ATGT. Và thống kê nguyên nhân các vụ TNGT có tỷ lệ 80% - 90% xuất phát từ lỗi của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Cho nên, ngăn chặn được các hành vi vi phạm, nhất là những vi phạm nguy hiểm, thì cũng có nghĩa là ngăn chặn, phòng ngừa, giảm thiểu vi phạm giao thông nói chung và TNGT nói riêng. Và trừ điểm GPLX là một biện pháp quản lý nhà nước, vừa có tính răn đe, vừa có tính giáo dục, động viên người tham gia giao thông chấp hành pháp luật về trật tự ATGT.

Đồng thời cũng đáp ứng yêu cầu thực tiễn về ứng dụng, chuyển đổi số trong công tác bảo đảm trật tự ATGT, tiếp thu kinh nghiệm của các nước tiên tiến trên thế giới. Người dân được tích hợp GPLX, đăng ký xe vào ứng dụng định danh quốc gia.

Bộ Công an đã ban hành Thông tư 28 và lực lượng CSGT cũng đã kiểm soát giấy tờ: tạm giữ, tước GPLX trên môi trường điện tử rồi. Việc trừ điểm cũng tích hợp trên hệ thống như vậy.

PV: Theo ông, nếu dự thảo Nghị định này được ban hành thì sẽ có tác động thế nào đến ý thức của người tham gia giao thông?

Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng Phòng Tuyên truyền, Cục CSGT (Bộ Công an)

Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng Phòng Tuyên truyền, Cục CSGT (Bộ Công an)

Đại tá Nguyễn Quang Nhật: Người lái xe vi phạm pháp luật về trật tự ATGT ở mức độ nghiêm trọng thì mới bị trừ hết điểm, hoặc bị trừ cộng dồn đến hết.

Nếu muốn có quyền điều khiển phương tiện thì phải phục hồi điểm, tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự ATGT, để người vi phạm có nhận thức đầy đủ về hành vi vi phạm của mình.

Mỗi lần bị trừ điểm như một “tiếng chuông” cảnh báo. Nhiều người lái xe, nhất là những lái xe kinh doanh vận tải, khi bị tước GPLX rồi thì mới thấy ân hận về hành vi của mình, người lái xe là “mất nghề”. Đó chính là cảnh báo, giúp cho người lái xe chấp hành pháp luật tốt hơn.

GPLX chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày bị trừ điểm gần nhất thì được phục hồi đủ 12 điểm. Không phải anh cứ chạy xe thoải mái, hết năm là được bù đâu, mà nó lúc nào cũng thường trực với anh.

Ví dụ, anh bị trừ 10 điểm, anh chỉ còn 2 điểm thôi, anh vẫn được điều khiển phương tiện, nhưng chạy xe lúc nào anh cũng lo lắng, vì chỉ cần 1 lỗi nữa thôi là bị tước GPLX. Việc đó vừa khuyến khích cho người ta cố gắng giữ đến 12 tháng sau thì được phục hồi 12 điểm, vừa tạo áp lực. Áp lực ở đây là áp lực tâm lý để người ta ý thức hơn, tham gia giao thông văn minh hơn, chấp hành pháp luật tốt hơn.

GPLX chưa bị trừ hết điểm thì người lái xe tiếp tục được điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không ảnh hưởng hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống, bảo đảm tính nhân văn, nhân đạo của pháp luật và quyền của công dân.

PV: Xin cảm ơn ông.

ĐÃ PHÙ HỢP CHƯA, CẦN LƯU Ý GÌ?

Những đề xuất về trừ điểm, phục hồi điểm GPLX đã phù hợp hay chưa? Cần lưu ý gì khi triển khai trên thực tế? PV VOV Giao thông phỏng vấn ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về nội dung này.

PV: Ông có đánh giá thế nào về các đề xuất trừ điểm, phục hồi điểm GPLX được đề cập trong dự thảo Nghị định?

ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (Ảnh: VOV)

ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (Ảnh: VOV)

ĐBQH Phạm Văn Hòa: Luật Trật tự, ATGT đường bộ đã được Quốc hội thông qua ở kỳ họp thứ VII, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, trong đó có quy định trừ điểm GPLX, phục hồi điểm GPLX.

Bộ Công an đã tham mưu Chính phủ để Chính phủ thông qua Nghị định về nội dung này. Tôi thấy rất kịp thời, phù hợp tình hình thực tiễn.

Tôi rất đồng tình với những quy định đề xuất của Bộ Công an, vì đã chia ra những lỗi rất cụ thể. Với những lỗi nghiêm trọng trừ hết điểm GPLX tôi thấy là phù hợp.

Bộ Công an đã tính toán hết rồi, để phòng ngừa, răn đe tài xế. Những người bị trừ điểm GPLX, có khả năng 1 vi phạm nữa là họ sẽ bị trừ hết điểm, thì họ phải hết sức cẩn thận để tránh vi phạm, để sau 12 tháng thì họ sẽ được phục hồi điểm. Hoặc thậm chí khi gần bị trừ hết điểm rồi thì không tham gia giao thông nữa.

PV: Theo ông cần lưu ý gì về việc trừ điểm, phục hồi điểm GPLX để tạo tính răn đe, nâng cao ý thức của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông?

ĐBQH Phạm Văn Hòa: Tôi nghĩ khi dự thảo này được ban hành sẽ có tác động rất lớn với người lái xe hiện nay, tham gia giao thông phải chấp hành luật giao thông đường bộ. Nhưng có một điều tôi cần lưu ý, khi bị xử phạt có khả năng dẫn đến tình trạng “ăn chia” với CSGT để giảm mức xử phạt. Đặc biệt bây giờ trừ điểm GPLX thì cũng có khả năng dẫn đến thực trạng đưa hối lộ để không bị trừ điểm GPLX.

Tôi nghĩ rằng người thực thi công vụ là rất quan trọng. Nếu công chính liêm minh thì bình thường, nhưng chỉ cần “bẻ cong” luật thì các tài xế sẽ không sợ, không ngại gì, khi tham gia giao thông bị xử phạt thì chỉ cần đưa tiền ra là xong, thực tế đã xảy ra.

PV: Xin cảm ơn ông!

Cần phù hợp thực tiễn và dễ chấp hành

Dưới một góc nhìn khác, chuyên gia giao thông, TS. Khương Kim Tạo cho rằng, quy định trừ điểm bằng lái là cần thiết, nhưng cần nghiên cứu thêm cách phục hồi điểm sao cho phù hợp thực tiễn và dễ chấp hành với người tham gia giao thông:

"Trong vòng 12 tháng, người lái xe không vi phạm lỗi nào nữa thì mới phục hồi, khó khả thi. Trong một năm, lái xe không vi phạm lần nào gần như là không thể, 100 ông thì phải 80 - 90 ông vi phạm. Như vậy, cuối cùng là kéo nhau đi học lại GPLX hết. Tôi nghĩ là nên bỏ câu ấy đi.

Thế giới người ta không có điều kiện gì thì sao mình đưa điều kiện ấy vào, như đánh đố người ta. Bây giờ theo tôi nên là: GPLX có 12 điểm, nếu trừ hết điểm thì sẽ phải học lại GPLX. Cách thức trừ điểm và phục hồi điểm giao cho Chính phủ nghiên cứu để ban hành".

GPLX được phục hồi đủ 12 điểm trong trường hợp chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong 12 tháng kể từ lần bị trừ điểm gần nhất (Ảnh - VOV)

GPLX được phục hồi đủ 12 điểm trong trường hợp chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong 12 tháng kể từ lần bị trừ điểm gần nhất (Ảnh - VOV)

Ngày 27/6/2024, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Trật tự, ATGT đường bộ, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Luật đã bổ sung nhiều quy định mới, đặc biệt là quy định về điểm, trừ điểm, phục hồi điểm của GPLX.

Hiện nay, pháp luật quy định các hành vi vi phạm nghiêm trọng về trật tự, ATGT đường bộ sẽ bị tước quyền sử dụng GPLX có thời hạn từ 1 tháng đến 24 tháng. Mỗi năm, cơ quan chức năng tước quyền sử dụng GPLX có thời hạn trên 500.000 trường hợp vi phạm. Khi bị tước quyền sử dụng, người lái xe không được phép điều khiển phương tiện, tác động không nhỏ đến các hoạt động đi lại, sản xuất kinh doanh, đời sống hàng ngày của người dân; việc tước quyền sử dụng GPLX đang thực hiện thủ công, nhiều người vi phạm bỏ GPLX không đến nhận, gây tồn đọng, tăng chi phí, nhân lực cho cơ quan xử phạt, nhưng vẫn chưa quản lý được quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe.

Trong bối cảnh tình hình trật tự, ATGT đường bộ diễn biến phức tạp, vi phạm vẫn diễn ra phổ biến, xuất hiện nhiều hành vi mới, có tính chất nguy hiểm thì việc ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, ATGT trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm GPLX là cần thiết để tăng hiệu quả quản lý nhà nước và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.

Bạn kỳ vọng gì vào dự thảo Nghị định này? Nếu dự thảo Nghị định được ban hành thì sẽ có những tác động xã hội như thế nào? Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho dự thảo qua hotline: 024.37.91.91.91, fanpage VOV Giao thông, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

---

Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” trong khung giờ “FM91 chiều”, thứ Hai, thứ Tư và thứ Bảy hằng tuần trên VOV Giao thông FM 91MHz, vovgiaothong.vn, hoặc trên các nền tảng podcasts dành cho di động: Spotify, Apple Podcasts và Google Podcasts.