Gia tăng áp lực giao thông ở các trục đường song song lộ trình BRT

VOVGT - Tuyến BRT đi vào hoạt động cũng đã tạo áp lực cho các làn đường song song như Nguyễn Chí Thanh–Trần Duy Hưng và Nguyễn Trãi – Trần Phú (Hà Đông).

Sau khi tuyến xe buýt nhanh đầu tiên của Hà Nội đi vào hoạt động, không chỉ gia tăng áp lực tại làn đường giao thông hỗn hợp trên tuyến xe buýt nhanh BRT đang hoạt động là Giảng Võ – Láng Hạ- Lê Văn Lương, mà còn tạo áp lực cho các làn đường song song như Nguyễn Chí Thanh – Trần Duy Hưng và Nguyễn Trãi – Trần Phú (Hà Đông). Theo đánh giá của lực lượng chức năng, do các phương tiện bị cấm đi vào làn dành riêng cho xe buýt nhanh nên một lượng lớn người tham gia giao thông phải thay đổi lộ trình, đi sang các tuyến đường song song như Nguyễn Trãi – Trần Phú, khiến tình trạng ùn tắc tại các tuyến đường này càng gia tăng.

Thông tin từ Xí nghiệp Buýt nhanh BRT (Tổng công ty Vận tải Hà Nội) cho biết, sau hơn nửa tháng đi vào hoạt động, từ 1/1/2017, mỗi ngày xe buýt nhanh BRT được 10.000 lượt khách. Lượng khách đi xe tăng đều mỗi ngày. Nếu như trong ngày đầu hoạt động, chỉ có 8.300 lượt khách, con số này đã liên tục tăng lên hơn 10.000 khách.

Tuy vậy, cùng với lượng khách đi xe buýt nhanh ngày càng tăng thì áp lực giao thông tại các tuyến song song với tuyến BRT như: Nguyễn Chí Thanh – Trần Duy Hưng và Nguyễn Trãi – Trần Phú (Hà Đông) cũng gia tăng. Lãnh đạo đội CSGT số 6, Công an TP. Hà Nội cho biết, để phục vụ tuyến buýt nhanh BRT hoạt động, cơ quan chức năng đã cấm taxi và xe khách hoạt động trên tuyến Giảng Võ – Láng Hạ - Lê Văn Lương nên các phương tiện này đổ dồn về các tuyến đường song song. Ngoài ra, một lượng lớn mô tô, xe máy sợ bị phạt do lấn vào làn xe buýt nhanh cũng thay đổi lộ trình sang đường Nguyễn Trãi- Trần Phú (Hà Đông), khiến các tuyến đường này càng thêm ùn tắc.

Cộng tác viên Huyền Vân, người thường xuyên theo dõi tình hình TTATGT trên trục Nguyễn Trãi – Trần Phú cho biết, sau khi tuyến xe buýt nhanh đi vào hoạt động, tình trạng ùn tắc trên tuyến Nguyễn Trãi – Trần Phú ngày càng gia tăng do các phương tiện né tránh tuyến buýt nhanh BRT: "Bắt đầu từ đối diện siêu thị BigC cho đến ngã ba Chiến Thắng, tức là theo hướng đi Ngã tư Sở, các phương tiện đang ùn tắc và di chuyển khó khăn. Nguyên nhân của tình trạng này là do mật độ giao thông đông, và đường Tố Hữu thì tuyến buýt nhanh BRT đi vào hoạt động, do vậy, lưu lượng phương tiện đổ dồn về tuyến Trần Phú (Hà Đông), vì thế điểm ùn tắc này lan rộng và di chuyển khó khăn".

Thừa nhận thực tế này, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội cho biết, trên thế giới, việc chọn hành lang để tổ chức giao thông công cộng không dựa trên tiêu chí nhiều hay ít làn, rộng hay hẹp mà là chọn hành lang có mật độ, áp lực giao thông cao. Hành lang Yên Nghĩa - Lê Văn Lương – Giảng Võ đang có áp lực giao thông rất lớn, là “điểm nóng” của ùn tắc giao thông. Do vậy, ông cho rằng người dân cần chia sẻ để giảm áp lực giao thông chung của Thành phố trên khu vực hành lang này.

Ông cho biết thêm: "Trước mắt phải từng bước ưu tiên cho làn dành riêng cho tuyến xe buýt này, dần dần tiến lên để có một tuyến giao thông công cộng hoàn thiện. Rõ ràng, tuyến này đang đông thì phải hạn chế nó đi, hạn chế lưu lượng để đi sang tuyến khác. Còn nói rằng một bước để làm cho giao thông Hà Nội có thể thông thoáng ngay thì là không tưởng, chúng ta càng làm dần để điều chỉnh cho phù hợp với thực tế".

Gia tăng áp lực giao thông ở các trục đường song song lộ trình BRT

Việc gia tăng áp lực giao thông lên các tuyến song song với lộ trình tuyến buýt nhanh BRT là điều đã được cơ quan chức năng dự đoán. Về điều này, phóng viên kênh VOVGTQG đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm điều hành giao thông đô thị Hà Nội.

Ông Hải cho biết thêm: "Việc tổ chức một tuyến hay một hoạt động giao thông không tránh khỏi những xáo trộn nhất định đến các thành phần liên quan, nhưng ở đây chúng ta nên nhất trí một quan điểm là tổ chức giao thông là để cho hệ thống giao thông công cộng phát triển theo đúng chủ trương của Thành phố và phát huy tối đa năng lực của nó thì nó sẽ giảm áp lực giao thông chung của Thành phố. Hiện nay, việc tổ chức tuyến BRT của chúng ta đang theo hướng đó. Rõ ràng là khi tổ chức giao thông trong hành lang này thì có những khung giờ, có những đối tượng bị điều chỉnh sẽ bị ảnh hưởng và trong giao thông của đô thị thì phải có sự chia sẻ và có sự đồng thuận chung để thực hiện việc chung của Thành phố lớn nhất là phát triển giao thông công cộng".

Trước tình trạng gia tăng áp lực tại các tuyến song song như hiện nay, để việc lưu thông trên các trục hướng tâm thuận lợi hơn, ông Hải khuyến nghị: "Một là chúng ta phải tuân thủ Luật giao thông, các quy định giao thông, đi theo sự tổ chức giao thông chung của Thành phố. Thứ hai là các thành phần giao thông cố gắng chủ động thời gian, lộ trình của mình, nếu có điều kiện thì tăng cường tham gia vận tải công cộng để giảm áp lực giao thông chung của Thành phố".