Giá điện: Lắng nghe để thay đổi thực chất

Người dân từng kỳ vọng rất nhiều khi Bộ Công thương sẽ xây dựng biểu giá điện một giá. Thế nhưng, việc vội vã rút lại đề xuất khi vấp phải nhiều ý kiến không đồng tình, đòi hỏi phải cân nhắc thận trọng cũng như thực hiện có lộ trình các chính sách có tác

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Theo dự thảo quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để sửa đổi Quyết định 28/2014, Bộ Công Thương đưa ra hai phương án giá điện sinh hoạt.

Một là, giá điện sinh hoạt từ 6 bậc còn 5 bậc.

Hai là, áp dụng song song cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc và giá bán lẻ điện một giá.

Đề xuất này đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ phía dư luận.

Bộ Công Thương rút lại phương án điện một giá, chỉ áp dụng biểu giá điện 5 bậc như đề xuất. Ảnh: Vietnambiz
 

"Tôi đề xuất ngành điện cho người dân giám sát, nh bạch việc ghi chỉ số công tơ điện hàng tháng để chúng tôi biết mình tiêu thụ điện như thế nào".

"Xài điện 5 bậc phù hợp hơn. Điện một giá tính ra cao hơn giá bình quân rồi. Bình quân mình xài là 200-300, mình lấy giá đó làm mức tiêu chuẩn. Cao hơn thì mình lấy cao hơn, còn thấp thì giảm giá cho bà con nhờ".

"Đối với những hộ kinh doanh nhiều, xài nhiều có lẻ là có lợi nhưng đối với những hộ xài ít thì đây là khó khăn cho người tiêu dùng".

Chỉ sau hơn một tuần nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ phía dư luận, ngày 18/8, Bộ Công Thương rút lại phương án điện một giá, chỉ áp dụng biểu giá điện 5 bậc như đề xuất.

Vì đâu Bộ Công Thương rút lại phương án điện một giá? Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, dù còn nhiều bất cập nhưng việc đề xuất song song 2 phương án điện bậc thang và điện một giá là một sự thay đổi tích cực trong cách tính giá điện của nhà nước, giúp người dân có nhiều sự lựa chọn.

Cụ thể, tính theo biểu giá điện bậc 1, dưới 100 số trở xuống, người dùng chỉ trả bằng 90% biểu giá điện bình quân, sử điện càng ít, càng tiết kiệm điện, người dân càng có lợi. Nhất là, số lượng khách hàng dùng điện dưới 100 số lên đến hơn 9 triệu khách hàng, chiếm hơn 48% tổng sản lượng điện sinh hoạt tiêu thụ. Ngược lại, đối với hộ dân, doanh nghiệp sử dụng số điện lớn thì nên chọn phương án điện một giá.

Ông Nguyễn Minh Đức - Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết:

 

"Cơ bản thì những hộ mà sử dụng số điện lớn thì khả năng là họ sẽ đồng ý nhảy sang cơ chế 1 giá, thế còn những hộ mà sử dụng số điện mà nhỏ hàng tháng thì họ sẽ thích cơ chế bậc thang vì họ đang ở bậc thang thấp – thì đấy là cái nhìn thấy đầu tiên".

Nhược điểm của điện một giá là không khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm, do bị đánh đồng mức giá. Ảnh: Báo Giao thông

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương cũng đồng tình, mục đích việc áp dụng hai phương án song song của Bộ Công thương là nhằm giúp người dân lẫn nhà nước dễ dàng kiểm soát giá điện hàng tháng, tạo sự nh bạch trong cách tính giá điện.

Tuy nhiên, nhược điểm của điện một giá là không khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm, do bị đánh đồng mức giá.

 

"Ưu điểm rõ ràng của phương án này là nó hết sức đơn giản và người dân dễ theo dõi, dễ áp dụng. Tuy nhiên, một nhược điểm rất lớn là nó không khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm. Anh dùng bao nhiêu anh cũng chỉ trả 1 loại giá đó. Nhưng mà cái quan trọng hơn là tất cả các khách hàng mà sử dụng dưới 200kWh, tập trung vào các đối tượng người lao động, người làm công ăn lương, rồi đối tượng nghèo, đối tượng chính sách sẽ phải trả giá điện cao hơn. Rồi ngân sách hiện nay chúng ta đang hỗ trợ cho những hộ nghèo, hộ chính sách theo chủ trương của Đảng và Nhà nước sẽ phải bỏ thêm 1 khoản tiền lớn để bù vào số tiền này".

Phó giáo sư, Tiến Sĩ Ngô Trí Long - Nguyên viện Trưởng viện nghiên cứu thị trường, Bộ Tài Chính cũng lo ngại, mức điện một giá khoảng 2.800 đồng/kWh là khá cao so với mức giá điện bán lẻ bậc thang bình quân là hơn 1.800 đồng/kWh. Ngoài ra, hành lang pháp lý, cơ chế áp dụng như thế nào cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, để tránh trường hợp người dân “tùy hứng” trong cách chọn giá điện.

 

"Một giá nó nh bạch và rõ ràng, sử dụng bao nhiêu căn cứ vào giá giờ để tính ra. Nhưng nhược điểm là không thực hiện chính sách an sinh xã hội, tức là người giàu cũng như người nghèo chịu một giá như nhau. Sử dụng điện một giá không khuyến khích người ta sử dụng điện tiết kiệm. Thế thì căn cứ vào đâu để định ra giá đó đã chuẩn hay chưa. Chúng ta phải chọn 1 trong 2 phương án chứ không phải mùa đông sử dụng ít điện sử dụng giá bậc thang, mùa hè sử dụng nhiều điện thì giá bình quân".

Phó giáo sư Tiến sĩ Bùi Xuân Hồi - Giảng viên cao cấp Bộ môn Kinh tế công nghiệp, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng cho rằng, để triển khai hiệu quả 2 phương án biểu giá điện, nhà nước cần xây dựng các quy định, hành lang pháp lý rõ ràng, để quyết định sự linh hoạt trong lựa chọn của người tiêu dùng.

 

"Nếu quyết tâm triển khai thì đây là đề xuất 1 loại biểu giá hoàn toàn mới chứ không phải là cải tiến biểu giá đã sẵn có. Vì vậy ngoài mức giá đề xuất là bao nhiêu thì đi kèm với nó phải là toàn bộ hành lang pháp lý liên quan đến việc tổ chức thực hiện để quá trình triển khai không gặp những khó khăn, vướng mắc. Bộ cần có các nghiên cứu toàn diện, đưa ra các kịch bản áp dụng đồng thời 2 loại biểu giá để các mục tiêu lợi ích của người tiêu dùng và cân bằng tài chính cho doanh nghiệp điện lực được đảm bảo hài hòa".

Điều này cho thấy, một chính sách, chủ trương, đề xuất có tác động sâu rộng đến đời sống của người dân thì cần được nghiên cứu đánh giá một cách khoa học, phù hợp với thực tiễn, để tạo đượng sự đồng thuận trong nhân dân.

Để triển khai hiệu quả 2 phương án biểu giá điện, nhà nước cần xây dựng các quy định, hành lang pháp lý rõ ràng. Ảnh: Thời báo Tài chính

Người dân từng kỳ vọng rất nhiều khi Bộ Công thương sẽ xây dựng biểu giá điện một giá. Thế nhưng, việc Bộ Công Thương vội vã rút lại đề xuất khi vấp phải nhiều ý kiến không đồng tình, đòi hỏi nhà nước phải cân nhắc thận trọng cũng như thực hiện có lộ trình các chính sách có tác động lớn đến đời sống người dân.

Mời quý vị đến với góc nhìn này của VOVGT qua bình luận nhan đề: "Lắng nghe để thay đổi thực chất".

 

Sau một tuần đưa ra phương án điện 1 giá với nhiều ý kiến phần lớn không đồng tình, mới đây, Bộ Công thương đã quyết định rút lại phương án này và tiếp tục chỉnh sửa theo hướng giá điện 5 bậc.

Như vậy, trong bối cảnh suốt thời gian vừa qua, khi việc tiêu thụ điện của nhiều hộ dân có phần tăng vọt, hóa đơn tiền điện cao ngất ngưởng, nhất là đối với hộ nghèo, hộ yếu thế trong xã hội.

Việc Bộ Công thương đưa các phương án tính giá điện là thể hiện sự cầu thị, lắng nghe; nhất là trong bối cảnh dịch covid đang quay trở lại; hầu hết đời sống của người dùng điện đều khó khăn.

Tính giá điện nhưng luôn đảm bảo để cho hơn 18,7 triệu khách hàng ( chiếm hơn 73% khách hàng) đang sử dụng dưới 200 kWh/tháng không bị tăng tiền điện hàng tháng; nhất là hộ trợ cho hộ nghèo, hộ cần bảo trợ; đồng thời thỏa mãn yêu cầu sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả; ngành điện thu đủ chi để tái đầu tư.

Đây là mục tiêu mà Bộ Công thương và ngành điện đang thực hiện yêu cầu mà Chính phủ đưa ra.

Tuy nhiên, việc đưa ra 2 phương án điện có phần rắc rối và không hợp lý nên phải rút lại như vừa qua đã thể hiện sự lúng túng trong công tác quản lý nhà nước của các bộ, ngành.

Điện là một ngành sản xuất dịch vụ đặc thù, tiêu dùng đến đâu trả tiền đến đó. Tồng chi phí tiền điện rất dễ nhận biết và ảnh hưởng trực tiếp đến hàng triệu người sử dụng hàng ngày.

Trong thực tế, đa số người sử dụng điện nhìn chung đều có mong muốn tiết giảm chi phí chi trả. Bên cạnh đó, trong đời sống, số hộ nghèo, hộ chính sách  rất cần sự hỗ trợ từ phía nhà nước nhằm đảm bảo có điện trong sinh hoạt và sản xuất, giúp đời sống bớt khó khăn.

Do vậy, chính sách về giá điện cần tính đúng, tính đủ trên cơ sở cân đối các điều kiện; nhất là giá điện bình quân cần được nh bạch hóa trong mọi hoàn cảnh; tránh liên tục ban hành các biểu giá mới mà không nghiên cứu đầy đủ để gây nên những bức xúc như trong suốt thời gian vừa qua.

Hiện nay, trong điều kiện nguồn điện ở nước ta chưa phải dồi dào, nguyên tắc tiết kiệm điện và sử dụng điện hiệu quả luôn phải được thực hiện nhất quán nhằm đảm bảo an ninh năng lượng.

Tuy nhiên Bộ Công thương và ngành điện không chỉ chăm chăm cho việc tăng giá để bù chi; mà cần thực hiện tốt các yêu cầu tiết giảm trong chính ngành của mình trước khi mong muốn người dân tiết kiệm.

Theo đó, cần hạn chế tổn thất điện năng khi truyền tải; giảm tối đa các khâu trung gian; ứng dụng các công nghệ mới trong điều hành, quản lý góp phần giảm giá thành; xây dựng thị trường điện cạnh tranh, nhất là có lộ trình cụ thể để sớm xã hội hóa khâu truyền tải; tạo ra mặt bằng giá điện phù hợp; trong đó đặc biệt là tận dụng được nguồn điện gió, điện năng lượng mặt trời đang có dấu hiệu dư thừa vì không được truyền tải.

Riêng vấn đề giá điện, khi xây dựng cũng cần có những đánh giá tác động; hội thảo khoa học; có sự tham gia của đại diện Hội người tiêu dùng; hiệp hội ngành nghề, tránh một chiều, áp đặt hay duy ý chí.

Chỉ khi tạo ra thị trường điện cạnh tranh, công bằng và nh bạch mới tạo được niềm tin cho người tiêu dùng cả trước mắt và lâu dài.

Lắng nghe nhưng phải thay đổi thực chất; đó là mong muốn chung của người dân đối với lĩnh vực điện ở nước ta hiện nay./.