Giá cước vận tải đường biển tăng vọt cảnh báo thương mại toàn cầu

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh mùa cao điểm vận chuyển đã cận kề, những khủng hoảng gần đây của ngành vận tải biển còn gây mối lo ngại làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

 

Thời tiết xấu tại châu Á, cùng thời gian đi lại dài hơn để tránh xung đột ở Biển Đỏ, trong bối cảnh mùa cao điểm vận chuyển sắp diễn ra, đang ảnh hưởng trực tiếp đến dòng chảy thương mại trên các tuyến giao thương hàng hải chính của thế giới.

Nghiên cứu cho thấy, các trở ngại thương mại toàn cầu ập đến cùng một lúc, gây ra tình trạng thiếu container rỗng, đẩy giá cước vận tải biển những tuần qua tăng trung bình khoảng 30% và dự kiến còn tăng tiếp.

Tại Trung Quốc, chi phí vận chuyển tăng cao buộc một số nhà xuất khẩu phải hoãn giao hàng khiến lượng hàng hóa tồn đọng ngày càng tăng.

Ông Zeng Xibao, quản lý hãng vận tải Chiết Giang Kingston Logistics chia sẻ: “Những cơ sở lưu trữ bắt đầu chất đống hàng tồn kể từ đầu tháng 4. Các kho của chúng tôi hầu như không còn chỗ trống, nhưng việc vận chuyển vẫn có thể bị trì hoãn thêm nếu tình hình giá cước còn cao như hiện nay”.

Một công nhân Trung Quốc đứng nhìn tàu chở hàng cập cảng ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc - Ảnh AFP

Không chỉ gây áp lực lớn cho những cơ sở lưu trữ, lượng hàng tồn kho cao còn khiến các đơn vị sản xuất ‘như ngồi trên đống lửa’. Đại diện một chủ doanh nghiệp ở Trung Quốc cho biết: “Các sản phẩm đang chất đống trước nhà máy. Chúng tôi phải mua một số container bảo quản hàng hóa để tránh nước mưa làm hư hại”

Theo bà Ely Stausboll, chuyên gia cao cấp thuộc hãng tư vấn vận tải biển Xeneta, từ vùng viễn đông cho đến bờ tây nước Mỹ, giá cước vận chuyển container giao ngay có thể sẽ vượt mức đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng Biển Đỏ hồi đầu năm nay.

Nhiều hãng vận tải biển đang bỏ ghé các cảng, giảm thời gian lưu trú và không nhận chở thêm container rỗng nhằm bảo đảm tiến độ giao hàng.

Tình trạng giá cước tăng nhanh hiện nay gợi nhớ về thời kỳ hỗn loạn do thiếu năng lực vận tải biển trong đại dịch COVID-19. Giai đoạn đó, một số công ty giao nhận buộc phải chấp nhận trả giá cước ở mức cao nhằm đảm bảo có không gian trên tàu.

Ông Wu Xiaong từ công ty Yiwu Sports Products bày tỏ: “Các container khó lấy được hàng hoặc không có đủ container nên việc vận chuyển có thể bị hoãn lại một tuần hoặc thậm chí 15 ngày. Công ty chúng tôi đã phải trả tới 2 triệu nhân dân tệ cho việc lưu trữ hàng tồn”.

Đầu năm nay, một số chuyên gia hậu cầu dự báo, công suất container và tàu biển sẽ đủ để giải quyết các vấn đề về chuỗi cung ứng, từ khủng hoảng hàng hải ở Biển Đỏ đến hạn hán trên Kênh đào Panama.

Tuy nhiên, ông Goetz Alebrand, người đứng đầu bộ phận vận tải biển châu Mỹ, thuộc hãng DHL Global Forwarding cho rằng, nguồn cung không đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường: “Các tuyến thương mại từ châu Á đến Mỹ Latin, các tuyến xuyên Thái Bình Dương và từ châu Á đến châu Âu đều đang gặp phải những hạn chế về không gian trên tàu”

Ông Goetz Alebrand chỉ ra, tình trạng thiếu container rỗng đang ảnh hưởng đến nhiều bến cảng, nhà cung cấp dịch vụ và một số loại container nhất định. Ví dụ điển hình nhất là tình trạng thiếu hụt container 40 feet tại cảng Trùng Khánh, Trung Quốc hồi giữa tháng 5 mới đây.

Hiện 90% thương mại quốc tế phụ thuộc vào vận tải biển - Ảnh Getty Images

Còn theo ông Judah Levine, từ hãng vận tải hàng hóa Freightos, thời tiết xấu ở Đông Á vào cuối tháng 4 gây thêm một số sự chậm trễ, ngoài ra các hãng vận tải biển bỏ qua một số cảng trong khu vực hoặc rút ngắn thời gian quay vòng tại các cảng đích. Điều đó cũng có nghĩa, ít container rỗng được đưa về Trung Quốc hơn.

Ông Levine nhận định, nhu cầu xuất khẩu của Trung Quốc tăng lên gần đây, cùng lượng container rỗng giảm khiến các chủ hàng khó tìm được container tại một số trung tâm xuất khẩu. Điều này đẩy giá cước vận tải tăng vọt.

Đại diện một đơn vị vận chuyển ở Trung Quốc cho biết, thời điểm này, họ buộc phải tìm cách thích ứng với tình hình mới: “Chúng tôi phải chuyển từ dịch vụ chuyển phát nhanh sang các tàu hàng thông thường với thời gian vận chuyển dài hơn để giảm chi phí. Đối với việc lưu kho, trước tiên chúng tôi vận chuyển đến một số kho ở nước ngoài rồi sau đó vận chuyển đường bộ đến điểm cuối cùng”.

Khó khăn chồng chất, khiến nhiều người lo ngại giá cước vận tải biển có thể tăng phi mã như trong thời kỳ đại dịch. Minh chứng rõ nhất là MSC, hãng vận tải biển lớn nhất thế giới, vừa công bố mức giá giá cước mới từ 8.000 - 10.000 USD cho mỗi container 40 feet vận chuyển đến Bờ Tây của Mỹ.

Trong khi đó, Orient Star Group, nhà cung cấp dịch vụ kho, vận chuyển đường biển và đường hàng không ở Hồng Kông, cảnh báo, rất nhiều lô hàng bị trì hoãn vận chuyển do thiếu hụt container rỗng dẫn đến tình trạng hàng hóa tồn đọng lớn. 

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, thị trường vận tải biển dự báo còn nhiều diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần chủ động kế hoạch sản xuất và kế hoạch vận tải, đảm bảo việc ký kết hợp đồng dài hạn nhằm hạn chế tác động do biến động giá cước.

Ông Trần Như Tùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam thông tin, các doanh nghiệp xuất khẩu đang phải chịu tác động kép từ giá cước vận tải tăng và đồng USD tăng giá. Do đó, nhiều doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược, hạn chế nhận hoặc tạm dừng các đơn hàng ở các thị trường xa như châu Âu, Mỹ, Trung Đông, ưu tiên cho các thị trường gần, dễ giao nhận như Nhật Bản, Trung quốc, Hàn Quốc.

Được biết, tại Việt Nam, gần 90% khối lượng hàng hóa thương mại đang được vận chuyển bằng đường biển.