Gia cố ‘mắt xích’ còn yếu trong sát hạch, cấp, đổi GPLX

Để nâng cao chất lượng sát hạch, cấp giấy phép lái xe trước hết cần khắc phục được mắt xích còn yếu là hoạt động khám, cấp giấy chứng nhận sức khỏe tài xế

Hiện trường vụ tai nạn liên hoàn do tài xế Nguyễn Văn Thâu gây ra

Đã có tai nạn thảm khốc mà có nguyên nhân từ việc người mắc bệnh tâm thần ngồi sau vô lăng. Điển hình như vụ tài xế Nguyễn Văn Thâu (36 tuổi) điều khiển xe đầu kéo gây tai nạn liên hoàn hôm 30/12/2021 làm 15 người thương vong ở thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định.

Đáng nói, thời điểm gây ra tai nạn, tài xế Thâu vẫn đang uống thuốc điều trị bệnh tâm thần, do Bệnh viện Tâm thần tỉnh Bình Định chuyển về địa phương để cấp cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, trong hồ sơ gửi Sở GTVT Bình Định, giấy khám sức khỏe do Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình (trụ sở TP Quy Nhơn) cấp ngày 24/6/2021, lại ghi rõ Nguyễn Văn Thâu vẫn "Đủ điều kiện sức khỏe lái xe ô tô hạng FC" và "Đủ điều kiện sức khỏe lái xe ô tô hạng E".

Một lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, đơn vị cấp giấy chứng nhận ‘Đủ điều kiện sức khỏe lái xe ô tô hạng FC ’ cho Thâu, khẳng định, thời điểm kiểm tra sức khỏe để đổi giấy phép lái xe, Nguyễn Văn Thâu ‘hoàn toàn bình thường’ và ‘không có dấu hiệu gì về bệnh tâm thần’.

Tuy nhiên, xác nh cho thấy tài xế Thâu đã có sổ chữa bệnh và bắt đầu được điều trị bệnh tâm thần từ năm 2006. Từ thời điểm đó đến khi gây ra tai nạn, đều đặn mỗi tháng, Nguyễn Văn Thâu vẫn nhận cấp thuốc điều trị tâm thần và đang được theo dõi bởi cơ quan y tế địa phương.

Thực tế này chỉ ra, nếu không phải quy trình khám để cấp giấy chứng nhận sức khỏe ‘có vấn đề’ thì việc quản lý, liên thông dữ liệu hồ sơ giữa các cơ sở y tế hiện nay còn tồn tại quá nhiều bất cập. Để đến nỗi, một bệnh nhân đang điều trị bệnh tâm tầm ở cơ sở y tế này, lại được khẳng định ‘hoàn toàn khỏe mạnh’ khi tới khám ở một cơ sở y tế khác.

Mới đây, Phòng CSGT, Công an Hà Nội khẳng định, ‘hoàn toàn không có chuyện hơn 4.000 người bị bệnh tâm thần ở Hà Nội đã được cấp giấy phép lái xe và giờ kiến nghị thu hồi’.

Thông tin đúng ở đây là, qua rà soát từ cộng đồng phát hiện hơn 4.000 người bị bệnh tâm thần, nên phía công an kiến nghị Sở Giao thông vận tải không cấp giấy phép lái xe cho những người này, nếu trường hợp nào đã được cấp, sẽ phải tiến hành thu hồi.

Tuy nhiên, dư luận cũng đặt câu hỏi, liệu với quy trình khám chứng nhận sức khỏe hời hợt như hiện nay, sẽ có bao nhiêu trường hợp bệnh nhân tâm thần, chưa rà soát ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, không bị phát hiện và vẫn được cấp giấy phép lái xe.

Trong khi đó, thời gian qua dư luận vô cùng bức xúc trước tình trạng những người không còn khả năng nhận thức, không có khả năng điều khiển hành vi nhưng vẫn điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn nghiêm trọng, dẫn đến nhiều thương vong.

Rõ ràng, Quy trình khám để cấp giấy chứng nhận sức khỏe đã có đủ, nhưng việc thực hiện và giám sát thực thiện quy trình này như thế nào mới là điều đáng nói.

Những vụ tai nạn thương tâm thời gian qua đang gióng lên hồi chuông báo động, để đã đến lúc cơ quan quản lý cần siết chặt hơn quy trình khám bệnh xin cấp giấy phép lái xe cũng như hoạt động tổ chức sát hạch cấp phép lái xe.

Bên cạnh đó, liên thông dữ liệu giữa các cơ sở y tế, ứng dụng các thiết bị công nghệ vào hoạt động khám bệnh cấp Giấy khám sức khỏe để sàng lọc những lái xe không đạt yêu cầu. Có chế tài xử phạt đối với những người khai báo gian dối về tiền sử bệnh, nhất là những bệnh không được hành nghề lái xe nhưng vẫn cố tình hành nghề.

Gần đây, nhiều giải pháp, nội dung mới được kiến nghị đưa vào chương trình đào tạo, thi nhằm nâng cao chất lượng sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

Tuy nhiên, để công tác này thực sự hiệu quả, trước hết cần khắc phục được mắt xích còn yếu là hoạt động khám, cấp giấy chứng nhận sức khỏe tài xế, có như vậy mới có thể ngăn ngừa và lường trước được những vụ tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra.