Gây tai nạn mà đi giày dép không phù hợp bị phạt tới 150 triệu đồng, trừ 9 điểm bằng lái

Việc đi giày cao gót, hay thậm chí là dép xỏ ngón khi lái xe có vi phạm luật giao thông hay không? Xử phạt như thế nào?

Hiện trường vụ tai nạn sáng 20/11

Vào khoảng 7h sáng ngày 20/11, một người phụ nữ điều khiển ô tô Mercedes GLC 250 màu đen mang BKS Hà Nội lưu thông đến khu vực cầu Hòa Mục hướng Lê Văn Lương đi Láng Hạ bất ngờ đâm trúng liên tiếp 3 xe máy và 1 xe đạp điện. Hậu quả khiến 1 người tử vong, 1 người bị bỏng, 1 người bị thương nặng cùng 5 phương tiện bị thiêu rụi hoàn toàn. 

Người phụ nữ điều khiển xe Mercedes gây tai nạn sau đó được xác định là bà Vũ Thị Hồng Thái (SN 1972, ở phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy). Tại cơ quan công an, bà Thái bước đầu khai nhận do đi giày cao gót, đạp nhầm chân ga khiến xe mất kiểm soát, gây tai nạn liên hoàn.

Đây không phải lần đầu tiên xảy ra tai nạn giao thông liên quan tới giày cao gót. Nhiều người hẳn vẫn chưa quên vụ tai nạn liên hoàn tại ngã tư Hàng Xanh (TP.HCM) đêm 21/10/2018 khiến 1 người chết, 5 người bị thương. Trong vụ việc này, ngoài việc nữ tài xế có nồng độ cồn trong người cao, còb nguyên nhân khác do chính người này thú nhận là do đi giày cao gót nên đã gặp khó khăn trong xử lý tình huống. 

Việc đi giày cao gót trong khi lái xe tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây mất ATGT. Về vấn đề này, anh Đức Dũng, một giáo viên dạy lái xe lâu năm tại trường Cao Đẳng Nghề Công Nghiệp cho biết: "Người lái xe đi giày cao gót thì việc cảm nhận lực sẽ không tốt, thứ hai là khi di chuyển từ chân ga sang chân phanh sẽ dễ gặp bất lợi. Chưa kể với nhiều loại giày cao gót hiện nay có quai sẽ có thể vướng vào các chi tiết như chân ga, chân phanh làm cho người lái dễ bị tâm lý, có những phản xạ không tốt, luống cuống gây mất an toàn. "

Tại hầu hết các quốc gia, luật giao thông đường bộ không có điều luật cụ thể về việc cấm phụ nữ đi giày cao gót. Điều này tương tự với các loại dép xỏ ngón; vì chúng không có độ bám tốt khiến dễ trượt chân; thậm chí là mắc kẹt, gây mất an toàn. 

Nguyên nhân tai nạn là do người điều khiển ô tô đi giày cao gót, đạp nhầm chân ga khiến xe mất kiểm soát

Một nghiên cứu năm 2013 tại Anh cho thấy, giày dép không phù hợp gây ra 1,4 triệu vụ tai nạn mỗi năm. Một khảo sát với hơn 1.000 lái xe cho thấy, 60% từng suýt gặp tai nạn vì giày dép không phù hợp, và 20% vẫn đi loại giày, dép đó.

Một trường hợp khác là đi chân đất khi lái xe. Nghe có vẻ lạ, nhưng nhiều người có sở thích đi chân đất khi lái xe vì cho rằng làm vậy sẽ thoải mái và dễ điều khiển hơn. Tuy nhiên, khi đó sẽ phải dùng nhiều lực hơn để đạp ga khi đi chân đất. Và lái xe trong khoảng thời gian dài, sẽ khiến chân dễ mỏi, dẫn đến mất kiểm soát. 

Tại Anh, có đến 80% phụ nữ sử dụng giày dép không phù hợp khi lái xe; 33% tài xế nữ đi các loại dép xỏ ngón và 15% chọn đi chân đất. Một khảo sát với 750 phụ nữ tại Anh cũng chỉ ra rằng, 45% phụ nữ dù biết việc đi giày dép có thể gây mất an toàn, nhưng họ vẫn dùng chúng mỗi khi lái xe. 

Dù không có luật cấm, nhưng không có nghĩa là bạn có thể thoải mái dùng chúng mà không phải chịu bất cứ trách nhiệm nào. 
Một giáo sư tại đại học luật Nam Texas, Mỹ cho biết: “Về lý thuyết, không có luật nào cấm đi giày cao gót hay chân đất khi lái xe. Nhưng nếu để xảy ra va chạm hoặc tai nạn, yếu tố giày cao gót hoặc dép xỏ ngón hoàn toàn có thể khiến người gây tai nạn phải chịu án phạt nặng.”

Tại Anh, nếu để xảy ra tai nạn, yếu tố giày cao gót, dép xỏ ngón hay chân đất sẽ bị coi là “trang phục không phù hợp, ảnh hưởng tới khả năng điều khiển phương tiện của người lái”. Người vi phạm có thể bị phạt lên tới 5.000 bảng Anh (hơn 150 triệu VNĐ) và trừ 9 điểm bằng lái. Cần lưu ý rằng, tổng điểm bằng lái chỉ có 12 điểm, nếu bị phạt hết sẽ bị tước bằng lái 3 năm. 

Nếu vì lí do công việc hay tiệc tùng mà bắt buộc phải đi giày cao gót, đừng ngại mang theo một đôi giày khác để dùng khi lái xe. Chị Khánh Chi, một người thường xuyên lái xe chia sẻ: “Trước khi mình học lái, giáo viên có nhắc nhở về việc đi giày cao gót dễ bị mất kiểm soát khi lái xe, nhưng công việc lại bắt mình thường xuyên phải đi giày cao gót. Do đó, mình luôn để sẵn một đôi giày thể thao trên xe. Khi lái xe thì đi giày thể thao, lúc xuống xe lại đi giày cao gót. Vừa đảm bảo an toàn lại không ảnh hưởng tới công việc”.

Các chuyên gia ATGT của Anh đưa ra lời khuyên: Giày khi lái xe không nên quá mỏng hoặc quá dày; có độ bám để giúp chân không bị trượt; không nên quá nặng; giày phải đảm bảo cho mắt cá chân hoạt động thoải mái, tự nhiên. Đồng thời, kích cỡ giày hoặc dép không nên quá lớn để tránh việc đạp nhầm cả chân ga và chân phanh cùng lúc.