F0 hỗ trợ F0, ở lại để cảm ơn cuộc đời

Những F0 như một liều “vaccine tinh thần”, san sẻ một phần gánh nặng cho các y bác sĩ trong phòng Hồi sức. Họ - là hiện thân của sức mạnh tinh thần, khát khao sống vượt qua bạo bệnh cho bao F0 đang nguy kịch từng ngày.

 

 F0 khỏi bệnh được khuyến khích tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM

KHI BÁC SĨ LÀ F0

Hơn 1 tháng trước, một ngày với bác sĩ Đồng Quang Tráng, Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Lê Văn Thịnh dài đằng đẵng khi bất ngờ dương tính với COVID-19. Nhưng vị bác sĩ bình thản đón nhận như một điều tự nhiên sẽ đến khi chăm sóc bệnh nhân COVID-19.

Do các triệu chứng nhẹ, được chủng ngừa nên chỉ sau 7-10 ngày, bác sĩ Tráng khỏi bệnh. Anh chia sẻ, bản thân đã từng là một F0, nên anh thấu hiểu tâm lý, bệnh cảnh của F0. Sự động viên với họ lúc này là rất quan trọng:

“Tinh thần quan trọng lắm. Vì bệnh nhân F0 trong bệnh viện ai cũng lo lắng. Lo lắng nhiều thứ lắm. Lo lắng bệnh mình có nặng không. Lo lắng cho người nhà. Vì họ thường bị cả gia đình, vì người nằm chỗ này người nằm chỗ khác. Bao giờ cũng vậy, khi nào mình khám bệnh xong mình đều động viên: Các bác cố gắng lên, các bác không sao đâu. Cố lên!”

Những lời động viên từ chính bác sĩ cũng là F0 trở thành điểm tựa cho những bệnh nhân khác. Sau thời gian cách ly, bác sĩ Tráng trở về với công việc của mình ở BV Lê Văn Thịnh, TP.Thủ Đức, hỏi bệnh thăm khám cho những bệnh nhân định kì, không rời tuyến đầu.

Bệnh viện Dã chiến thu dung số 3 (thuộc phường An Khánh, TP. Thủ Đức) với quy mô hơn 2.500 giường, gần đây luôn quá tải khi nâng tầng điều trị. Một tầng hầm giữ xe của tòa nhà được trưng dụng để thiết lập làm khu Hồi sức cấp cứu (ICU) điều trị cho các bệnh nhân nặng, thở máy, thở oxy dòng cao.

Tại đây, các y bác sĩ cùng đội ngũ tình nguyên phải hối hả làm việc ngày đêm.

Bệnh nhân là cụ ông may mắn khi được cùng lúc con gái và con rể là F0 cận kề chăm sóc trong phòng Hồi sức cấp cứu

NỮ BÁC SĨ DƯƠNG TÍNH KIÊN CƯỜNG

Bác sĩ Hoàng Thị Ngọc Tâm, Khoa gây mê hồi sức, Bệnh viện Răng Hàm Mặt TW được điều động bệnh viện hỗ trợ. Nữ bác sĩ nhỏ bé, trong bộ đồ “phi hành gia” muốn ngộp thở vẫn kiên cường hỗ trợ các động nghiệp, theo dõi sinh hiệu từng bệnh nhân khu Hồi sức, dù chị vẫn còn dương tính.

Bác sĩ Tâm chia sẻ: “Bệnh này liên quan đến tinh thần rất nhiều, rồi vệ sinh, dinh dưỡng nữa. Mình hay khuyên tinh thần phải lạc quan, luôn nói với người bệnh sẽ khoẻ, sẽ tốt đẹp. Tập thở làm sao cho phổi giãn nở, không nằm nhiều ngồi vận động, nói chuyện, ăn uống đúng thời gian, uống thuốc điều độ. Bên cạnh đó, nên nghe những bản nhạc nhẹ nhẹ để tinh thần thoả mái nhất có thể”.

Tại đây, có những gia đình có đến 4 F0, 7 F0 cùng nhập viện. Khi những F0 khoẻ mạnh - họ chính là những cánh tay nối dài, là cộng sự của các y bác sĩ. Mỗi ngày, khi bác sĩ tập trung chuyên môn thì người thân bệnh nhân nặng kề bên chính là liệu pháp tinh thần tốt nhất cho F0 đang thở máy. 

Được nghe một tiếng thì thầm thân quen động viên, một cái năm tay quen thuộc sẽ là niềm động viên vô bờ cho bệnh nhân thêm chút kiên cường. 

TIẾP THÊM KHÁT VỌNG SỐNG

Đoàn Trang Ngọc Lâm (23 tuổi, Gò Vấp) đã 9 ngày túc trực bên bà nội 70 tuổi đang thở máy tại khu Hồi sức cấp cứu. Người cháu nội nắm tay bà không rời; làm theo những hướng dẫn bác sĩ khi hỗ trợ tìm ven truyền dịch; và Lâm không ngưng ghé sát thì thầm động viên nội. Đến giờ, bệnh nhân lớn tuổi nhất phòng đã ổn, tạm thời qua cơn nguy kịch.

“Bữa đó em đi gửi hàng, nội em đi theo, nhưng nội em không đeo khẩu trang. Qua ngày hôm sau thì có triệu chứng. Triệu chứng lúc đầu nhẹ lắm, chẳng qua nhức đầu, ho rồi chiều phát nặng mới đưa vô bệnh viện. Cấp cứu 2 ngày trị COVID hết rồi đưa qua đây, nội em giờ đỡ đỡ rồi, hôm giờ cũng được 9 ngày. Gia đình có 4 F0 có một đứa em không bị…” 

Phan Nguyễn Xuân Đào (quận 4, TP.HCM) là F0 trong gia đình 6/7 người đều nhiễm. Người ông của Đào 74 tuổi trở nặng phải thở máy nên thường xuyên. Đào nhập viện trước ông và cũng đang dương tính.

Đào thổ lộ: “Người già ở đây một mình sẽ rất là buồn. Có một tối ông gọi em không được, sau khi em lên tầng trên thì ông kêu đứa em xuống túc trực bên cạnh để ông có cảm giác có người chăm sóc cho an tâm. Nhà em đến 6 người F0 đều cách ly BV Dã chiến số 3. Em tự hứa với long  nếu em khỏi hẳn hoặc ông em khỏi bệnh em sẽ ở đây giúp những bệnh nhân cấp cứu”.

Thêm F0 khỏi bệnh là một thêm một liều vaccine tinh thần cho người bệnh. Họ cũng chính là “cánh tay nối dài”, là cộng sự của các y bác sỹ. Họ đã thắp thêm niềm tin cũng như sẻ chia, giúp đỡ những bệnh nhân F0 cô đơn, không may mắn có người thân bên cạnh.

“Cảm ơn cuộc đời vì đã được sống” – đó là lý do mà họ vẫn tiếp tục như những chiến binh thầm lặng trong trận chiến này….

Một số hình ảnh VOVGT ghi nhận:

Hai bác sĩ đang hội chẩn để điều trị cho một bệnh nhân COVID nặng đang thở máy
Tầng giữ xe của BV Dã chiến số 3 chuyển đổi công năng thành khu Hồi sức cấp cứu điều trị cho BN Covid nặng
Bệnh nhân nặng thường được theo dõi sát sao các chỉ số sinh hiệu, các bác sĩ có thể hội chẩn với các đồng nghiệp bên ngoài  bằng bộ đàm hoặc điện thoại
Điều dưỡng đang kiếm ven chuyền dịch cho một BN lớn tuổi
Một bệnh nhân tập ngồi thở được nhân viên y tế hỗ trợ và hướng dẫn
Một F0 khỏi bệnh chăm sóc cho người thân là F0 đang được theo dõi cực và thở máy
Nhân viên y tế liên tục thực hiện các thủ thuật trong bộ đồ  “phi hành gia” mướt mồ hôi
Nhiều F0 không có người nhà vẫn được chăm sóc tận tâm bên trong phòng Hồi sức cấp cứu
Bác sĩ Đồng Quang Tráng sau khi khỏi bệnh tiếp tục quay trở lại với công việc tuyến đầu