Đường sắt: Không thể thích chạy thì chạy, thích dừng thì dừng

Có cách nào "giải cứu" đường sắt không? Thực tế là quá khó. Nhưng có một điều cần hiểu, ở nhiều nước khác đường sắt vẫn đang phải bù lỗ, họ không hy vọng đường sắt sinh lãi vì họ coi đường sắt như một ngành để giải quyết các bức xúc trong vận tải xương số

 Kênh VOVGT giới thiệu bài viết của cựu nhà báo Anh Thiện, một người nhiều năm theo dõi và viết về ngành đường sắt, sau những vấn đề gây xôn xao dư luận liên quan tới ngành này gần đây. 

Ảnh nh họa

Hôm trước thấy ngành Đường sắt xin ý kiến có thể dừng chạy tàu mà buồn quá. Một ngành xương sống của đất nước không thể có chuyện thích chạy thì chạy, thích dừng thì dừng được.

Nhớ lại cách đây quãng dăm năm, ngành này cũng có ý kiến xin dừng 5 đoàn tàu chợ do quá thua lỗ. Nhưng mới chỉ có ý kiến mà người dân dọc các tuyến này đã lên tiếng tiếp tục chạy tàu, bởi lẽ còn nhiều vùng giao thông khó khăn chỉ tàu mới vào được.

Đường sắt quan trọng lắm, chạy từ Nam chí Bắc có thể vận tải khối lượng lớn để giảm tải cho đường bộ đang bị quá tải nghiêm trọng.

Vậy nên dừng là dừng thế nào. Nhiều người tự hỏi tại sao đường sắt lỗ? Thậm chí không còn đủ năng lực để duy trì chạy tàu, trong khi đường đã có, tàu liên tục được đóng mới, chỉ mang toa lên đường sắt là chạy được.

Bao năm nay đường sắt cứ loanh quanh tách - nhập, bộ máy cồng kềnh, cầu đường quá tải trong khi nhiều toa rỗng khách.

Vẫn những bệnh cũ đã biết từ lâu, đường sắt khổ nhỏ, đường đơn, đầu kéo lạc hậu, phần lớn các khâu vận hành vẫn làm thủ công bằng sức người là chính. Tốc độ tàu chậm, phần lớn cả tuyến chỉ đạt 50km/h, hiếm lắm mới có đoạn lên được 90km/h.

Chất lượng dịch vụ cả trên tàu dưới ga vẫn kém không theo được sự phát triển của khách hàng trong hiện tại nữa nên cần thay đổi mạnh mẽ. Từ những yếu tố đó nên không thu hút được khách hàng là đương nhiên. 

Một điều có lẽ là sai lầm của đường sắt là lấy vận tải hành khách làm trọng tâm. Trong khi lĩnh vực này phải mất quá nhiều chi phí mới có thể thu được tiền vé lẻ của hành khách.

Đơn cử như tàu chợ tuyến địa phương, để thu được 30 - 50.000 đ/vé của khách, phải vận hành cả một hệ thống từ nhà ga, điều độ, gác chắn, chạy tàu (toàn đầu tàu cũ, toa cũ nát) tốn nhiên liệu và bảo dưỡng...

Nhiều chuyến tàu chỉ có vài khách nên lỗ là đương nhiên. 

Trong khi đó vận tải hàng hóa khối lượng lớn lẽ ra là thế mạnh do mất ít chi phí đóng mới, bảo dưỡng toa xe... thì lại không hút được mối hàng. Hồi trước mình tìm hiểu nguyên nhân thì thấy có chủ hàng bảo để chở được một chuyến hàng trên đường sắt phaỉ qua nhiều thủ tục, từ khâu bốc xếp hàng, kiểm tra vận trình, chờ đợi giờ tàu chạy.

Nhiều khi chở hàng trên đường sắt cứ nơm nớp lo cầu đường bị phong tỏa vì tai nạn, thiên tai. Mà đặc thù đường sắt nếu có tai nạn phải chờ thông đường cả ngày, thậm chí cả tuần liền mà không có cách nào đưa hàng ra được do nhiều đoạn đường lại nằm ở vị trí "hiểm" ô tô không thể vào được. Đấy là chưa kể khi hàng đến ga vẫn phải đưa ô tô vào bốc xếp chở về kho bãi...

Nhiêu khê thế nên nhiều chủ hàng bỏ đường sắt.

Vậy có cách nào "giải cứu" đường sắt không? Thực tế là quá khó. Nhưng có một điều cần hiểu, ở nhiều nước khác đường sắt vẫn đang phải bù lỗ, họ không hy vọng đường sắt sinh lãi vì họ coi đường sắt như một ngành để giải quyết các bức xúc trong vận tải xương sống, bảo đảm an ninh quốc gia...

Đường sắt ở ta cũng vậy. Không thể nói chuyện thích chạy thì chạy, thích dừng thì dừng. Có chăng cái ý kiến xin dừng chạy tàu chỉ như một chiêu "ăn vạ" mà thôi.

Vấn đề ở đây là ngành Đường sắt nên tiếp thu và tìm cách giải quyết các vấn đề mà các chuyên gia vận tải đã chỉ ra từ nhiều năm trước đây: tinh giảm bộ máy vận hành, cơ cấu lại nguồn thu cho các đơn vị kiếm tiền trực tiếp để có nguồn lực đầu tư phát triển, đầu tư công nghệ vận hành để giảm các khâu thủ công, tăng chân hàng tại các cảng... 

Nói thì nhiều lắm và dễ lắm.

Thực ra đây là những vấn đề không mới, đã được chỉ ra từ nhiều năm trước.