Đừng yêu cầu lắp thiết bị rồi để đấy

Nạn “xe dù, bến cóc” hoành hành ở các đô thị không phải vấn đề mới, hiện đã trở thành vấn nạn nhức nhối khiến người dân bức xúc,giao thông rối loạn. Trong khi đó, kho dữ liệu khổng lồ từ hàng trăm nghìn phương tiện đã lắp thiết bị giám sát hành trình, lắp camera lại chưa được sử dụng một cách hiệu quả.

Từ năm 2014, theo quy định tại Nghị định 86/2014, tất cả xe kinh doanh vận tải hành khách phải lắp thiết bị giám sát hành trình (còn gọi là hộp đen) và truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ Việt Nam để phục vụ công tác quản lý.

Dữ liệu này ngoài những thông tin cơ bản của doanh nghiệp vận tải, biển kiểm soát, còn có hành trình, tốc độ vận hành của phương tiện, số lần mở cửa xe…

Tiếp đó, Nghị định 10/2020 của Chính phủ và Thông tư 12/2020 của Bộ GTVT cũng yêu cầu từ 1/7/2021, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách từ 10 chỗ trở lên phải lắp camera giám sát. Dữ liệu camera giám sát cũng bao gồm vị trí, tọa độ của xe… kèm theo hình ảnh qua camera.

Thông tin, dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình và camera lắp trên xe đều được sử dụng để phục vụ công tác quản lý nhà nước về GTVT, trong đó, từ doanh nghiệp đến các Sở GTVT, công an các địa phương đều có thể truy cập phục vụ công tác quản lý nhà nước, kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật và công tác khác để bảo đảm an ninh trật tự, ATGT.

Như vậy, căn cứ vào dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, camera, từ doanh nghiệp vận tải đến các lực lượng chức năng hoàn toàn có thể theo dõi, kiểm tra được hành trình xe chạy và các vị trí, địa điểm thường xuyên dừng đỗ của xe trên hệ thống dữ liệu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam thu thập, kết hợp với công tác tuần tra, kiểm soát để thực hiện xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

Cụ thể, doanh nghiệp vận tải phải bố trí cán bộ để theo dõi, khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình cũng như camera phục vụ công tác quản lý, điều hành, nhắc nhở, chấn chỉnh và xử lý các trường hợp vi phạm.

Tuy vậy, không doanh nghiệp nào dại gì giám sát chính mình, nếu không muốn nói họ cho phép tài xế vơ vét hành khách bằng mọi giá.

Còn các Sở GTVT, CSGT, ngày cả với địa phương nhức nhối về nạn xe dù, bến cóc như Hà Nội còn chưa tận dụng được dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình và camera để quản lý, nói gì các địa phương khác.

Ảnh nh họa

Đó là chưa kể các lực lượng chức năng từ TTGT, CSGT nếu có truy cập dữ liệu này cũng chủ yếu giám sát phương tiện đăng ký trên địa phương mình, chứ không có chức năng giám sát, xử lý phương tiện đăng ký của địa phương khác thông qua thiết bị công nghệ.

Thậm chí có tình trạng đùn đẩy, né tránh của các lực lượng chức năng khi xử lý “xe dù, bến cóc”, nhà xe dừng đỗ đón trả khách ngay trước mắt lực lượng CSGT, TTGT, nhưng vẫn không bị xử lý. Điều này có thể dễ dàng bắt gặp trên các tuyến đường trước cửa bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình, Nước Ngầm…

Từ thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng, các địa phương, nhất là Sở GTVT, TTGT, CSGT cần bố trí nhân lực khai thác một cách hiệu quả dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và camera để phục vụ công tác hậu kiểm, xử lý.

Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cần tăng cường đôn đốc các địa phương sử dụng dữ liệu thiết bị giám sát hành trình, camera để hậu kiểm, xử lý nghiêm các nhà xe, doanh nghiệp vi phạm.

Cùng với việc giao quyền sử dụng, cần có cơ chế giám sát và chế tài để xử lý những địa phương buông lỏng quản lý, không sử dụng hiệu quả dữ liệu thiết bị giám sát hành trình, camera phục vụ công tác quản lý vận tải trên địa bàn mình.

Bên cạnh đó, cũng cần nâng cấp hệ thống phần mềm, tự động nhận dạng, phân tích những vi phạm phục vụ công tác xử lý một cách hiệu quả, tránh trường hợp phải rà soát, đối chiếu một cách thủ công, gây khó cho các đơn vị, địa phương khai thác.

Chỉ khi dữ liệu từ các thiết bị công nghệ được sử dụng một cách hiệu quả trong việc đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp vận tải làm ăn chân chính, chứ không phải yêu cầu DN lắp thiết bị rồi đề đấy, trong khi nạn “xe dù, bến cóc” không chỉ tạo sự cạnh tranh không bình đẳng, mà còn đe dọa trực tiếp đến ATGT./.