Đừng “từ từ rồi tính”

Trước thực tế, vẫn đang tồn tại các cơ sở giáo dục không đáp ứng đủ điều kiện về cơ sở vật chất, không gian và đặc biệt là tiêu chuẩn an toàn PCCC, nhưng vẫn hoạt động thì những mối nguy hiểm đe dọa đến an toàn của học sinh khi đến trường vẫn đang hiện hữu.

Trong cuộc họp phụ huynh đầu năm nay ở một trường tiểu học nọ mới xây, cô hiệu trưởng dãi bày rất thật với nỗi lo về nguy cơ mất an toàn, khi lan can tầng 3 quá thấp so với chiều cao của trẻ bây giờ. Tuy nhiên trường chưa được nghiệm thu PCCC, nên chưa thể làm lưới an toàn.

Mà nếu làm trước thì sẽ không được nghiệm thu. Chia sẻ với nhà trường, mộ số phụ huynh gợi ý, cứ tạm lắp lưới, rồi khi nào PCCC đến nghiệm thu, lại tạm thời tháo ra.

Câu chuyện chỉ là một chi tiết nhỏ thảo luận đầu năm, nhưng cho thấy nhiều điều trong công tác quản lý an toàn PCCC ở trường học. Việc nghiệm thu PCCC đang được nhìn như một hoạt động mang tính thủ tục nhiều hơn là điều kiện thực tế để đảm bảo an toàn cho thầy trò. Hoặc, lo chỗ học cho các con đã, PCCC từ từ rồi tính. Bởi họ cho rằng, nguy cơ đó không đáng ngại bằng tai nạn thương tích hay đuối nước.

Nhưng thực tế không phải vậy. Nguy hiểm do cháy nổ không chỉ đến trực tiếp từ khói, lửa, mà còn từ vô số các yếu tố khác, nhất là sự hoảng loạn trong sự cố.

Áp lực thiếu chỗ học đã khiến câu chuyện PCCC đang được xếp vào thứ yếu, khiến hàng loạt cơ sở mầm non phải thuê trụ sở trong nhà chung cư, nhà ống.

Song đáng lo hơn nữa, là các quy định về PCCC lại chưa kịp cập nhật cho phù hợp với thực tế này.

An toàn của giáo viên và những đứa trẻ non nớt phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí của chủ cơ sở, sự cẩn thận của những người tham gia hoạt động tại trường, và những sự đề phòng bằng…tâm lý.

Trong khi, việc giáo dục kỹ năng thoát hiểm cho trẻ em ở độ tuổi lớn hơn một chút cũng tùy thuộc vào tiến độ chương trình, không gắn với tập huấn thực tế.

Hướng dẫn các biện pháp an toàn PCCC & CNCH cho các nhà trường. Ảnh: ANTĐ

Đó là những bất cập cần rà soát, điều chỉnh ngay trước xảy ra các vụ “mất bò”.Và trường học, với các đồ dùng rất dễ cháy, với nhóm đối tượng rất dễ bị tổn thương, nhẽ ra phải là ưu tiên hàng đầu của công tác phòng ngừa hỏa hoạn.

Nhưng muộn còn hơn không, bởi sự học của trẻ là cả đời, và an toàn sinh mạng không thể nào để treo lơ lửng.

Trước khi nói đến ý thức và kỹ năng, điều kiện đầu tiên phải là an toàn của cơ sở vật chất, đến từ việc thẩm định và phê duyệt các thiết kế để đảm bảo an toàn của công trình ngay từ trước khi xây dựng.

Vấn đề kiểm soát và quản lý các rủi ro trong quá trình vận hành công trình trường lớp cần có sự phối hợp chặt chẽ của địa phương, các nhà trường, đại diện hội cha mẹ học sinh và cả cơ quan bảo vệ trẻ em, để quy định được thực thi chứ không chỉ là “thủ tục”.

Rủi ro cháy nổ không chỉ đến từ trong nhà trường, mà còn tiềm ẩn từ rất nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, cư trú xung quanh, đòi hỏi có sự quản lý chặt chẽ của các lực lượng chức năng trên địa bàn.

Với các cơ sở giáo dục không đủ điều kiện, địa phương cần đảm bảo tuyệt đối không cấp phép, không để những nhóm trẻ, nhà trẻ tự phát hoạt động chui, dẫn đến nguy cơ mất an toàn.

Tất nhiên, cùng với sư an toàn của công trình luôn là an toàn của con người, bằng hiểu biết và kỹ năng được trang bị cho cả thầy và trò, một cách bài bản.

Khi chính quyền địa phương coi an toàn PCCC ở trường học là một nguy cơ thực sự cần quản lý, thì ngoài việc đôn đốc sát sao, cũng sẽ có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên trách về PCCC, và kiến nghị hoàn thiện các bất cập trong quy định

Nói cách khác, khi nào người đứng đầu địa phương thấy “sốt ruột” với nguy cơ cháy nổ đang đe dọa an toàn của trẻ em và sốt sắng chỉ đạo, thì các rủi ro mới có cơ hội được rà soát, loại bỏ kịp thời./.