Đừng lấy của để dành

Tiền Bảo hiểm xã hội (BHXH) bản chất là câu chuyện “của để dành” cho tương lai, nhất là với người già lúc ốm đau, bệnh tật sẽ được hưởng sau khi về hưu.

Việc người lao động ồ ạt rút một lần vô tình sẽ gây ra gánh nặng an sinh về sau cho xã hội, gia đình và chính bản thân người lao động. 

Ảnh nh họa

Đại dịch COVID-19 khiến nền kinh tế đóng băng, cuộc sống của nhiều người lao động, công nhân tại các công ty tư nhân, liên doanh bị tê liệt do mất việc làm nhưng vẫn phải tiếp tục trang trãi tiền trọ, sinh hoạt, điện nước.

Nhất là tại các tỉnh thành phía Nam như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương… là những khu vực tập trung nhiều nhà máy, khu công nghiệp và chủ yếu là dân nhập cư, lao động yếu thế. Vì lẽ đó, nếu không có tiền dự trữ, họ buộc phải nghĩ đến việc rút BHXH một lần.

Nhìn lại những năm trước đây cũng có hiện tượng rút BHXH một lần. Người lao động dùng số tiền sau 10 đến 15 năm làm việc để đầu tư, làm ăn trước mắt. Thế nhưng nhiều trường hợp về già phải trắng tay, thậm chí không có sự giúp đỡ của con cái khi cuộc sống khó khăn.

Dù nhiều người cũng nhận thức rõ những ảnh hưởng bất lợi nhưng với thu nhập thấp, không có tích lũy, bữa cơm ngày càng đắt đỏ buộc lòng họ phải làm việc chẳng đừng.

Ngoài áp lực kinh tế, phải nhìn nhận chính sách bảo hiểm còn dễ dãi trong quy định rút BHXH một lần. Trước đây, Luật BHXH 2006 cho phép người lao động được rút một lần nếu sau một năm nghỉ việc. Việc này khiến số người "rút một cục" tăng hơn gấp 4 lần người hưởng lương hưu. Do đó, Luật BHXH năm 2014 đã bỏ quy định rút một lần.

Song khi vừa vấp phải kiến nghị của người lao động, Quốc hội đồng ý cho lao động hưởng BHXH một lần nếu có yêu cầu tại Nghị quyết số 93. Điều này đã không thúc đẩy được người lao động bảo lưu chờ lương hưu.

Mặt khác nữa, pháp lý quy định thời gian đóng bảo hiểm quá dài cho tuổi về hưu. Trong khi người làm việc trong môi trường không ổn định, không thể chờ đợi quá lâu để hưởng lương hưu khi về già.

Việc này đòi hỏi các cơ quan quản lý là Lao động – Thương binh và Xã hội, cơ quan Bảo hiểm xã hội cần có biện pháp trước mắt và lâu dài; trong đó phải giải quyết kịp thời chính sách an sinh xã hội, nhất là trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp gói an sinh covid-19 một cách nhanh chóng.

Đồng thời, nhà nước phối hợp doanh nghiệp tạo ra nhiều việc làm để thu hút người lao động tạo ra thu nhập.

Song song đó, nhà nước cần điều chỉnh luật BHXH, rút ngắn thời gian đóng BHXH về hưu; cũng như thực hiện các chế định để hạn chế việc rút BHXH một lần dễ như hiện nay, tránh tình trạng bị phản ứng khi “xiết lại” việc rút BHXH 1 lần như trước đây.

Các giải pháp kèm theo sau đó là tuyên truyền đến doanh nghiệp thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động; tuyên truyền người dân yên tâm sản xuất, không hoang mang rút BHXH một lần để chi trả trước mắt.

Muốn được như vậy, ngành BHXH cần đảm bảo quyền lợi cho người lao động khi tuổi cao, gặp ốm đau, tai nạn. Đặc biệt điều kiện hưởng lương hưu dễ hơn và các chính sách khuyến khích, hỗ trợ khác đi kèm nhằm giữ chân họ trong hệ thống BHXH.

Chi tiêu BHXH một lần chính là chi tiêu mất tương lai. Vì vậy, bằng kinh nghiệm sống của mình, người lao động cần hết sức cân nhắc và phải tính toán cả lợi ích trước mắt lẫn lâu dài trước khi quyết định./.