Đừng đổ lỗi cho thiên tai

Nếu có dịp được dong xe dọc các tuyến cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ từ Bắc chí Nam, từ Đông sang Tây hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên bởi sự biến chuyển tích cực của mạng lưới hạ tầng giao thông nước nhà.

Song, tôi tin rằng không ít người cũng sẽ “ngỡ ngàng, hoảng hốt” bởi những sườn núi “trơ đá”, những vạt đồi thưa thớt cây ăn trái hay những tuyến đê kè bị “khoét hàm ếch” vài chục mét…

Hiện trường vụ sạt lở hôm 4/8 khiến hàng chục xe ôtô mắc kẹt ở Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: Báo Lao Động

Tuy chưa có thống kê chính thức nào nhưng có thể xem năm 2023 là năm có số vụ sạt lở vào loại nhiều nhất và gây hậu quả nặng nề nhất từ trước đến nay. Các vụ sạt lở trải đều ở các khu vực phía Bắc, ền Trung Tây Nguyên và cả vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long.

Không chỉ gây thiệt hại về người, tài sản, hạ tầng mà một số vụ thậm chí được dự báo có thể gây …vỡ hồ chứa, gây nguy hiểm cho cả khu vực rộng lớn.

Biến đổi khí hậu đã và đang diễn biến phức tạp hơn, các hình thái của thời tiết, thiên tai ngày càng khốc liệt và không tuân theo quy luật nào. Điều này khiến công tác dự báo, ứng phó, phòng chống và khắc phục hậu quả ngày một khó khăn hơn. Tuy vậy, thiên tai không phải là nguyên nhân để đổ lỗi cho những sự cố vừa qua.

Chính tư duy “phát triển nhanh và nhanh hơn nữa” mà không quan tâm nhiều đến việc bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên đã và đang khiến chúng ta phải trả giá. Hay nói đúng hơn thiên tai chính là hệ quả do nhân tai mang lại.

Đã đến lúc phải nghiêm túc nhìn nhận khái niệm “phát triển bền vững” và thực hành chặt chẽ các yêu cầu về quy hoạch, xây dựng, bảo tồn và tuyệt đối “không hi sinh môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”. Hạn chế tác động đến môi trường cũng sẽ giúp hạn chế được thiên tai.

Do đó, các bên liên quan cần chung tay, hợp tác, trách nhiệm và quyết liệt hơn ngay từ những việc nhỏ nhất, chỉ có vậy mới có thể giảm thểu được hậu quả từ thiên tai gián tiếp do nhân tai gây ra.