Đừng để văn hoá phai nhạt vì COVID

Những thói quen, tập tục truyền thống của người Việt như thăm hỏi, chúc Tết không còn được duy trì; lễ hội - một phần trong sinh hoạt đời sống những ngày đầu xuân cũng phải tạm dừng tổ chức hoặc hạn chế đông người tham gia…

Những ngày cuối năm này, các địa phương trên cả nước liên tiếp ra thông báo sẽ tạm dừng việc tổ chức lễ hội đầu năm cũng như các hoạt động sinh hoạt văn hoá tụ tập đông người do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Bộ Y tế cũng đưa ra khuyến cáo về việc các địa phương không tổ chức bắn pháo hoa dịp tết nguyên đán, không tổ chức các sự kiện tập trung đông người khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh tăng cao. Nhiều địa phương trong thời gian qua đã liên tiếp ghi nhận nhiều ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng. Bên cạnh đó, biến chủng Ocron đang có tốc độ lây lan nhanh, diễn biến phức tạp…

Hội làng Đồng Kỵ (Quang Hùng-VOVGT)

Mặc dù lễ hội truyền thống là một phần quan trọng trong đời sống sinh hoạt văn hoá tinh thần của người dân, tuy nhiên trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 những năm vừa qua, nhiều địa phương đã buộc phải cho tạm dừng hoạt động lễ hội để đảm bảo an toàn sức khoẻ cho người dân.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Đỗ Vân Long – Phó Chủ tịch xã Tân Triều cho biết: 'Theo chỉ đạo chung của Trung ương, của thành phố, của huyện về công tác phòng chống dịch, xã Tân Triều năm nay là năm thứ 3 liên tiếp tạm ngừng tổ chức lễ hội truyền thống do công tác phòng chống dịch… Qua tiếp xúc với các cụ cao tuổi, người dân trong làng chúng tôi cũng nhận được sự ủng hộ và đồng tình của người dân. Dừng tổ chức lễ hội để đảm bảo sức khoẻ cho người dân, cho gia đình của họ… nên người dân cũng hết sức đồng tình, ủng hộ'.

Làng Triều Khúc, xã Tân Triều được biết đến là một trong những ngôi làng có lễ hội văn hoá độc đáo được ghi danh là Di sản văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia. Lễ hội truyền thống ở Triều Khúc nhằm tưởng nhớ đến vị anh hùng dân tộc Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng.

Rõ ràng, việc dừng tổ chức lễ hội cũng khiến người dân cảm thấy thiếu hụt trong đời sống tinh thần, hơn nữa lại còn kéo dài qua nhiều năm, dù ai cũng biết rằng để đảm bảo an toàn sức khoẻ thì đây là điều cần thiết, như chia sẻ của ông Đỗ Vân Long: 'Việc không tổ chức lễ hội cũng có ảnh hưởng đôi chút liên quan tới sinh hoạt văn hoá của địa phương. Tuy nhiên, cũng vì sức khoẻ của nhân dân mà người dân cũng hết sức đồng tình ủng hộ, không tập trung đông người, nhất là ở các cơ sở tôn giáo, tâm linh…'

Năm nay, những lễ hội truyền thống trên địa bàn Hà Nội, như lễ hội chùa Hương, Gò Đống Đa, Hội Gióng… đều phải tạm dừng hoặc thu gọn quy mô.

Chia sẻ với VOV Giao thông, ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng ban Quản lý khu di tích - thắng cảnh Hương Sơn (Mỹ Đức, Hà Nội) cho biết, mùa lễ hội năm 2022 sẽ không tổ chức lễ khai hội chùa Hương vào ngày 17/2 (tức mùng 6 tháng Giêng âm lịch), để đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch COVID-19:

'Theo chỉ đạo của Thành uỷ và UBND TP. Hà Nội là không tổ chức lễ hội và không tổ chức đón khách. Tôi cũng như người dân cũng muốn phát triển kinh tế, nhưng theo chỉ đạo của Bí thư và lãnh đạo thành phố, huyện phải chấp hành. Cũng mong dịch sớm được đẩy lùi để mở cửa đón khách…'

Dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống sinh hoạt văn hoá tinh thần của người dân (Quang Hùng-VOVGT)

Không chỉ có lễ hội phải tạm dừng tổ chức, mà việc truyền dạy những phong tục truyền thống tại các làng xã cũng phải tạm dừng trong thời gian này. Như ở Triều Khúc, việc truyền dạy điệu múa đánh bồng tại các lớp của các nghệ nhân cũng phải tạm hoãn.

Những nghệ nhân ở đây cho biết, việc lớp trẻ không được tập luyện thường xuyên khiến tinh thần của điệu múa cũng sẽ bị phai nhạt đi ít nhiều. Hay như ở Thổ Hà, Bắc Giang, việc học hát quan họ, học múa trống trong lễ hội Thổ Hà chủ yếu được truyền dạy trực tiếp, nên khi nghệ nhân không được gặp học trò trên sân đình để dạy, sẽ rất khó giữ lửa đam mê cho các thế hệ trẻ…

Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ Đinh Đức Tiến – Khoa Lịch sử - Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: 'Rõ ràng việc dịch bệnh kéo dài đã gây hệ luỵ rất lớn trong xã hội, không chỉ về vấn đề kinh tế mà còn ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống sinh hoạt văn hoá tinh thần của người dân.

Những lễ hội phải tạm dừng hoạt động khiến cộng đồng dân cư ở nơi đó sẽ cảm thấy hụt hẫng, việc liên tiếp trong nhiều năm liền chúng ta không tổ chức lễ hội đã ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc sống của người dân. Chưa kể tới việc những mối quan hệ rất được coi trọng trong cộng đồng làng xã như đi lại, thăm hỏi nhau trong dịp lễ tết… phải hạn chế khiến các giá trị này bị mất mát, phai nhạt đi khá nhiều'.

Trẻ nhỏ là những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch bệnh kéo dài (Quang Hùng-VOVGT)

Mặc dù cho tới nay, Việt Nam là một trong những quốc gia có độ phủ vacine chiếm tỷ lệ lớn nhất, nhưng với sự phức tạp của các biến chủng mới, lây lan nhanh trong cộng đồng thì việc hạn chế tụ tập đông người, tạm dừng tổ chức lễ hội vẫn là điều bắt buộc phải làm.

Mỗi địa phương cần phải tìm cho mình những cách phòng chống dịch hiệu quả để đảm bảo an toàn sức khoẻ cho người dân, nhưng không làm phai nhạt đi những truyền thống văn hoá tốt đẹp của địa phương mình.

Đừng để văn hoá làng phai nhạt vì COVID

Những năm trở lại đây, tôi cũng như các đồng nghiệp khác ở các báo vào dịp đầu năm mới gần như không có việc gì để làm. Là những người yêu thích theo dõi các hoạt động văn hoá, lễ hội truyền thống, nhưng do dịch bệnh COVID-19, hầu như tất cả các địa phương đều phải tạm dừng hoặc thu gọn hoạt động lễ hội. Thế nên chúng tôi gần như trở nên “thất nghiệp” trong những ngày này.

Việc cánh phóng viên không còn đất để tác nghiệp mùa lễ hội có lẽ cũng không quá quan trọng. Bởi nếu so với sự thiếu hụt, mất mát của người dân thì chẳng đáng gì.

Cứ nghe chia sẻ của những nông dân Đồ Sơn – nơi có hội chọi trâu nổi tiếng mỗi dịp xuân về mới thấy. Hai năm trở lại đây, trâu không được chọi, họ vẫn phải chăm bẵm không để trâu gày,trâu yếu… với niềm hy vọng sẽ sớm đưa được chú trâu yêu quý của mình lên xới chọi. Nhưng rồi, năm nay chắc chắn sẽ vẫn không thể nào đạt được tâm nguyện, mà trâu thì cứ mỗi năm lại già, yếu đi thêm…

Bên cạnh đó là những lễ hội truyền thống quy mô lớn như hội Gióng, hội Gò Đống Đa, lễ hội Đền Hùng, Lễ hội Bà Chúa Xứ… cũng phải thu hẹp quy mô tổ chức, hạn chế người tham gia hoặc không cho phép người dân tới dự vì sự an toàn sức khoẻ.

Điều đáng nói ở chỗ, với lớp trẻ, 3 năm là một quãng thời gian không phải là dài nhưng cũng là đủ thời gian để tạo nên những thói quen. Khi không có cơ hội được tham gia sinh hoạt văn hoá, không được truyền dạy những truyền thống tốt đẹp của cha ông bằng việc được sống trong bầu không khí lễ hội, liệu rằng họ có còn nhận thức được đây là những nét văn hoá quý báu của cha ông mình.

Tất nhiên, họ sẽ vẫn được nghe kể, được dạy dỗ từ các lớp cha anh đi trước, nhưng rõ ràng khi không được “thực hành”, được sống trong lễ nghi, phép tắc, một đứa trẻ chỉ cần sau một thời gian ngắn sẽ nhanh chóng lãng quên những điều đã được dạy dỗ.

Khác với người ở thành phố, người sống trong không gian văn hoá làng có những nét đời sống riêng của họ. Ở cộng đồng ấy, họ cùng nhau sáng tạo, bảo tồn và hưởng thụ những giá trị vật chất và tinh thần, trong mối quan hệ với tự nhiên và cộng đồng cư dân ở đó. Từ đó hình thành nên nhân cách của con người làng xã. Và ở mỗi nơi, lại có một nét tính cách riêng, diện mạo riêng.

Điều chúng tôi muốn nói ở đây là, khi tất cả chúng ta dồn toàn lực để đẩy lùi Covid-19, bên cạnh việc tập trung khôi phục kinh tế, thì điều quan trọng không kém, đó là việc phải giúp các cộng đồng cư dân giữ gìn được bản sắc văn hoá. Nếu không, khi đại dịch qua đi, chúng ta sẽ mất rất nhiều, chứ không phải chỉ có tính mạng con người và thiệt hại về kinh tế…