Đừng để “ngọt miệng, đắng lòng”

Trước những tác động của đồ uống có đường đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là gánh nặng bệnh tật và chi phí xã hội do sự gia tăng các bệnh không lây nhiễm đòi hỏi cần có sự can thiệp một cách nhanh chóng.

Giải pháp đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường được đa số các nước phát triển áp dụng thời gian qua cho thấy đây là giải pháp hữu hiệu nhằm thay đổi thói quen của người tiêu dùng, từ đó giảm nguy cơ sức khỏe cho thế hệ tương lai.

 

Hiện Việt Nam chưa đánh thuế đồ uống có đường. Bởi vậy, đề xuất đánh thuế đồ uống có đường tại hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận.

Đáng chú ý, sau khi tổng hợp ý kiến các Bộ, ngành, địa phương đóng góp ý kiến cho đề xuất xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, có 100 văn bản tham gia ý kiến cho dự thảo Luật của 16 bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, Hiệp hội, doanh nghiệp, có 35 đơn vị hoàn toàn nhất trí, 65 đơn vị cơ bản nhất trí và có một số ý kiến cụ thể về kết cấu dự thảo.

Đặc biệt, có 74 ý kiến nhất trí bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và 26 ý kiến khác.

Điều đó cho thấy, việc bổ sung đồ uống có đường vào danh mục chịu thuế tiêu thu đặc biệt được dư luận đặc biệt quan tâm, coi là một trong những biện pháp giảm lượng tiêu thụ đồ uống có đường, qua đó góp phần giảm các bệnh về béo phì, tim mạch…

Bởi vậy, trong dự thảo mới nhất về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt gửi Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường, nước dinh dưỡng và một số sản phẩm khác, trừ sữa...

Bộ Tài chính cũng cho rằng việc bổ sung thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường là thực hiện theo chủ trương Nhà nước đã nêu tại các Nghị quyết số 07 năm 2016  và Nghị quyết số 20 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng…

Việt Nam chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào đồ uống có đường, mà sản phẩm này chỉ chịu thuế giá trị gia tăng 10%.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay có khoảng 85 quốc gia áp dụng thuế đối với đồ uống có đường và việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường đã mang lại hiệu quả rõ rệt, từ việc giảm lượng tiêu thụ đồ uống có đường đến giảm các chỉ số thừa cân, béo phì, đồng thời những sản phẩm tốt cho sức khỏe như nước sinh tố, nước rau củ quả được sử dụng nhiều hơn.

Chẳng hạn, ở Mexico, năm 2012, tỷ lệ béo phì lên tới 32,8%. Do vậy, từ năm 2012, Chính phủ Mexico quyết áp thuế đối với nước uống có đường và đồ ăn vặt các loại. Kết quả, trong vòng 10 năm, dự tính thuế sẽ giúp giảm hơn 200 nghìn trường hợp béo phì và giảm 61 nghìn trường hợp mắc bệnh tiểu đường type 2.

Chính phủ Mexico tính toán, với 1 USD chi cho việc thu thuế đồ uống có đường sẽ tiết kiệm được 3,98 USD chi cho chăm sóc sức khỏe.

Tương tự, tại Anh, thuế nước ngọt được ban hành và có hiệu lực từ tháng 4/2018. Sau 1 năm thực hiện thu thuế, lượng đường tiêu thụ từ đồ uống có đường giảm 10%. Chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt dường như không ảnh hưởng bất lợi đến doanh nghiệp sản xuất nước giải khát, nhưng đã giúp giảm 8% số trẻ gái độ tuổi 10-11 bị béo phì/năm, tương đương hơn 5.200 trường hợp.

Hiện nay, Việt Nam chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào đồ uống có đường, mà sản phẩm này chỉ chịu thuế giá trị gia tăng 10%.

Trong khi chúng ta đã có kinh nghiệm trong việc đánh thuế đối với thuốc lá, rượu bia… do đó, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường sẽ thuận lợi hơn. Nếu áp dụng mức thuế suất cụ thể theo lượng đường của đồ uống , khả năng thực hiện khá cao.

Đặc biệt, thực tế các nước đánh thuế đồ uống có đường cho thấy, doanh nghiệp không giảm thu, lợi nhuận không bị giảm, nhưng người dân và xã hội được lợi kép: giảm chi phí cho đồ uống có đường, giảm chi phí cho việc chăm sóc sức khỏe do ít bị đe dọa bởi các bệnh không lây nhiễm có nguồn gốc từ đồ uống có đường.

Bởi vậy, đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm đồ uống có đường là một trong những biện pháp hiệu quả để định hướng tiêu dùng, giảm mức tiêu thụ đồ uống có đường, góp phần dự phòng và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm, giảm nguy cơ sức khỏe cho các thế hệ tương lai./.