Đừng để “hủ tục nhậu” ăn sâu

Ông bà ta ngày trước có câu “miếng trầu là đầu câu chuyện” ý muốn nói đến vai trò chất xúc tác của “miếng trầu” trong mọi cuộc trò chuyện, giao tiếp, gặp gỡ.

Nhưng mọi thứ giờ đây đã khác, chén rượu ly bia đã thay thế hoàn toàn và trở thành “thứ không thể thiếu” trong tất cả các sự kiện bất kể là vui hay sầu.

Có hàng tỷ lý do để người Việt dính dáng đến rượu bia, dù chủ động hay bị động. Thực tế là, người Việt có thể nhậu từ nhà, ra ngõ, xuống phố hay cả cơ quan, nơi làm việc.

Việc Việt Nam lọt top những quốc gia hàng đầu thế giới về tiêu thụ rượu bia khó có thể được xem là sự tự hào, mà ngược lại nó cho thấy văn hóa của người Việt lệ thuộc ngày càng nhiều vào loại thức uống có cồn này.

Ở khía cạnh nào đó, sự lệ thuộc này gián tiếp dẫn đến tình trạng khó hoặc chưa có biện pháp hữu hiệu để xử lý triệt để tình trạng người tham gia giao thông mà trong người “có chút cồn”.

Dù đã rất nhiều chiến dịch, chuyên đề xử lý vi phạm nồng độ cồn được các ngành chức năng triển khai rầm rộ song tất cả dường như vẫn “đang ở vạch xuất phát”.

Số vụ, số người chết, người bị thương vì tai nạn giao thông có liên quan đến bia rượu vẫn chiếm tỷ lệ rất cao và “con ma men” vẫn là nỗi ám ảnh của rất nhiều gia đình không may mất đi người thân.

Đã bắt đầu có những động thái mạnh tay hơn từ các nhà làm luật khi đề xuất tăng mạnh mức phạt hành chính, phạt lao động công ích, xử lý hình sự, tịch thu phương tiện…đối với người tham gia giao thông có sử dụng rượu bia.

Song cũng bắt đầu xuất hiện những “trở lực” bước đầu như người vi phạm ít tiền bỏ xe, người có điều kiện thì số tiền xử lý không khác gì muối bỏ biển, rồi phương tiện tịch thu lâu ngày tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ…

Theo chúng tôi, các biện pháp chế tài dù là hành chính, dân sự hay hình sự cũng chỉ đóng vai trò bổ trợ trong xử lý các hành vi vi phạm giao thông liên quan đến cồn. Điều quan trọng là Đảng và Nhà Nước cần có mục tiêu cụ thể trong việc điều chỉnh ý thức của người dân trong việc sử dụng rượu bia.

Cần thiết có thể xem việc uống rượu bia quá mức là “quốc nạn” để từ đó có những quyết sách phù hợp trong tuyên truyền kết hợp xử lý bằng các biện pháp chế tài đồng bộ, hơn là dừng lại ở những sự vụ cụ thể.

Có câu:

Rượu nào rượu lại say người

Bớ người say rượu chớ cười rượu say.

Rượu bia suy cho cùng chỉ là vật chất vô tri vô giác và không thể tự chịu trách nhiệm nếu để xảy ra hậu quả. Chỉ có người sử dụng rượu bia và cố tình đổ lỗi cho bia rượu khi gây ra tai ương cho người khác.

Thay vì đổ lỗi, mỗi người nên bắt đầu từ việc thay đổi ý thức, hành vi và cách ứng xử trước sự cám dỗ của bia rượu hay thức uống có cồn.