Đừng để công trình chậm tiến độ vì điện nước và hạ tầng kỹ thuật

Hiện nay, trong xây dựng cơ bản, nhất là giao thông ở TP.HCM và nhiều địa phương khác trong cả nước nổi lên thực trạng, cầu chờ đường hoặc cầu đường chờ công trình điện nước được di dời.

Hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) ì ạch thi công

Điều này, vô tình khiến cho nhiều dự án trọng điểm bị dậm chân tại chỗ, không sao tiếp tục thi công được. Có những cây cầu, tuyến đường gần như hoàn chỉnh; nhưng đường đấu nối vẫn nằm chình ình nhiều cột điện, ống nước. Khi được hỏi thì ngành điện nước cho rằng muốn di dời phải có đấu nối, quy hoạch vì không thể tự dưng vì khánh thành cầu, đưa vào sử dụng đường mà ngắt điện, cắt nước của người dân ở toàn khu vực thâm chí là cả quận.

Ở TP.HCM còn có nhiều dự án khu dân cư, khu chung cư người  dân đã vào ở từ lâu nhưng hệ thống đường sá xuống cấp; điện nước vẫn chưa đồng bộ theo. Cư dân phản ánh thì các đơn vị đổ thừa qua lại việc bảo trì, đấu nối. Thậm chí có dự án, chủ đầu tư đã bị vướng vòng lao lý, nên hệ thống hạ tầng kỹ thuật không ai bảo dưỡng, chịu trách nhiệm; người dân chỉ biết than trời vì không có ai đứng ra  giải quyết.

Rõ ràng trong xây dựng cơ bản nói chung và xây dựng dự án giao thông nói riêng, đồng bộ hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật đi theo là một yêu cầu mang tính quyết định đến hiệu quả thực sự của công trình mang lại; trong đó điện nước chính là những điều kiện thiết yếu không thể thiếu với bất cứ dự án, công trình nào.

Nếu hạ tầng kỹ thuật không được làm cùng lúc sẽ kéo theo cả công trình bị trì trệ, chậm tiến độ. Nguyên nhân của thực trạng này đầu tiên phải kể đến việc quy hoạch dự án, công trình khi làm đã không tính đúng, tính đủ về di dời, đấu nối hạ tầng kỹ thuật ra sao.

Đó cũng là biểu hiện của việc cát cứ, mạnh ai nấy làm. Ngành giao thông, xây dựng chỉ nhăm nhăm làm việc của mình mà không gắn bó, tương tác tốt với ngành điện, ngành nước và ngược lại. Công tác phối hợp để tháo gỡ, giải tỏa các khó khăn vướng mắc vì thế càng kéo dài; công trình dự án đội thêm vốn, đội thời gian xảy ra thường xuyên.

Ngoài ra công tác chỉ đạo, chỉ huy thống nhất ở từng dự án đã không được thường xuyên, nhất quán; khiến các đơn vị đều lúng túng trong phối hợp; để cho các nút thắt về hạ tầng kỹ thuật không sao cởi bỏ được.

TP.HCM và nhiều địa phương khác đang tập trung vào giải ngân vốn đầu tư công, nhất là trong xây dựng cầu đường và cơ sở hạ tầng để giúp vực dậy nền kinh tế đang có dấu hiệu xuống sức. Coi đây là” vốn mồi”; là động lực kích thích các ngành kinh tế khác tăng trưởng theo.

Tuy nhiên để các công trình, dự án hoàn thành đúng tiến độ, phục vụ tốt quốc kế dân sinh thì việc đồng bộ hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật đi theo là yêu cầu bắt buộc. Nếu làm chậm hoặc không tương thích thì chính là lực cản làm giảm tốc công năng mà các công trình, dự án đem lại; thậm chí là lực cản; gây trì trệ và sự lãng phí lớn.

Do vậy, khi đã tính toán đến việc xây cầu làm đường, thì việc quy hoạch, thiết kế thi công hạ tầng kỹ thuật đi theo cần làm một cách chi li, bài bản; lường trước các kịch bản để cần thì điều chỉnh ngay trên thực tế để công trình kịp tiến độ và không” vênh” nhau.

Để làm được điều này thì cơ quan quản lý, nhất là cấp có thẩm quyền phải theo sát từng khâu từng bước từ khâu thiết kế, lập quy hoạch đến việc kiểm tra giám sát trên thực tế công trình. Uốn nắn, chỉnh sửa kịp thời sai sót; đề ra các biện pháp khắc phục ngay các khó khăn, vướng mắc nảy sinh.

Đặc biệt là chấm dứt” quyền anh, quyền tôi” trong xây dựng cơ bản để hướng tới mục tiêu mục đích cuối cùng là toàn bộ hệ thống dự án, công trình, kể cả hạ tầng điện, nước đi theo phải đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng; đưa công trình sớm vào khai thác đúng như kế hoạch đã đề ra.