Đừng đặt nhân dân vào thế bất khả kháng

Việc dùng ngân sách mua lại một số dự án BOT chưa từng có tiền lệ. Dù chưa có quyết định cuối cùng trong việc Nhà nước có mua lại hay không, song đây cũng là bài học trong việc triển khai dự án BOT, cả cho phía cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư.

 

Trạm thu phí Bờ Đậu thuộc dự án Thái Nguyên - Chợ Mới. Ảnh: Thanh niên

Theo các quy định tại hợp đồng dự án BOT, trường hợp xảy ra tình huống bất khả kháng làm ảnh hưởng đến việc thu phí hoặc doanh thu thu phí, Bộ GTVT có trách nhiệm báo cáo cấp có thẩm quyền để hỗ trợ cho nhà đầu tư đảm bảo việc thu hồi vốn và lợi nhuận theo hợp đồng và thanh toán, bồi thường các khoản chi phí do nhà đầu tư đã thực hiện, được xác định thông qua kiểm toán.

Đây là căn cứ để Bộ Giao thông vận tải đề xuất Nhà nước chi ra hơn 11 ngàn tỷ đồng để mua lại 7 dự án BOT bị lỗ do “những nguyên nhân khách quan, không thể lường trước hoặc do thay đổi chính sách từ phía cơ quan nhà nước”.

Theo lời ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng Vụ đối tác công – tư (PPP). Tuy nhiên, điều quan trọng là cần phải nhìn nhận thật chính xác cái gọi là nguyên nhân bất khả kháng ở đây là gì.

Ví dụ: ở dự án tuyến Thái Nguyên – Chợ Mới và nâng cấp, mở rộng QL3. Theo hợp đồng, nhà đầu tư được phép thu phí trên tuyến Thái Nguyên – Chợ Mới và tại km 77 thuộc QL3. Tuy vậy, do vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân nên nhà đầu tư mới chỉ thu phí trên tuyến Thái Nguyên – Chợ mới từ ngày 25/1/2018.

Hoặc, Dự án BOT quốc lộ 38. Sau khi thỏa thuận với UBND tỉnh Bắc Ninh, đơn vị kiến nghị Bộ GTVT cho phép đặt trạm phụ để ngăn chặn tình trạng xe trốn trạm thu phí, đi vòng qua phía cầu Hồ (tỉnh Bắc Ninh).

Các dự án BOT kể trên cho thấy, hợp đồng không thể thực hiện đều vì lý do các trạm thu phí vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân, bằng cách không trả phí, hoặc tìm cách không đi qua trạm, khiến cho chủ đầu tư không thể thu hồi vốn theo kế hoạch.

Vấn đề là người dân có lý khi phản đối, vì trạm thu phí đặt sai chỗ để có thể thu tiền của cả những người không sử dụng dự án.

Vậy thì sự bất khả kháng ở đây không phải xuất hiện khi các dự án đã hoàn thành, đã được nghiệm thu, mà bất khả kháng ngay từ đầu, trong hợp đồng, khi chấp nhận việc cho các nhà đầu tư đặt trạm thu phí ở những vị trí không thể chấp nhận đối với người dân.

Có thể, vì mong muốn có được nhà đầu tư để tham gia dự án, các cơ quan quản lý nhà nước đã buộc phải chấp nhận những điều khoản bất hợp lý. Nhưng, khi sự bất hợp lý ấy trở thành bất khả kháng, thì cuối cùng, người thiệt hại vẫn là nhà nước, tức là chính người dân.

Và như vậy, sự nỗ lực để thu hút nhà đầu tư cho các dự án BOT là vô nghĩa khi mà ngay từ đầu các điều khoản trong hợp đồng đã dẫn đến kết cục là người dân vẫn phải bỏ tiền cho các dự án hạ tầng, bỏ tiền cho một sự đã rồi, để khắc phục hậu quả, mà hoàn toàn mất đi sự chủ động, thậm chí phải bỏ qua các quy định kiểm soát nh bạch như đối với các dự án đầu tư công.

Cho dù không có sự nhập nhèm, cố tình để vòng vèo biến một dự án từ hình thức BOT thành một dự án đầu tư công mà không cần tuân thủ các quy trình phê duyệt ngặt nghèo đi nữa; thì việc đặt nhà nước và nhân dân vào sự đã rồi bằng những hợp đồng bất khả kháng cũng là một vấn đề cần truy cứu một cách nghiêm túc.

Người dân có thể đóng góp để có hạ tầng tốt hơn bằng cách mua trái phiếu xây dựng hạ tầng nếu như hiệu quả của các dự án được kiểm soát một cách nh bạch.

Nhưng người dân rất khó để chấp nhận việc bỏ tiền ra mua lại các dự án được hình thành dựa trên các điều khoản hợp đồng mà chính người dân cũng không thể chấp nhận nổi.

Nên, sự bất khả kháng ở đây có thực sự là bất khả kháng, khi mà những điều khoản bất khả thi vẫn dễ dàng được phê duyệt?