Đừng bàn hoài để "trăm dâu đổ đầu dân”

Hiện nay ở nhiều bệnh viện tại TP.HCM và nhiều tỉnh, thành khác đều lâm vào tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế trầm trọng. Nhiều nơi, người nhà bệnh nhân chỉ biết than trời vì khi kê toa hay tiến hành phẫu thuật đều được bác sĩ nói ra ngoài mua vì bệnh viện đã hết.

Thậm chí đến cả máy móc, sinh phẩm xét nghiệm nhiều nơi cũng không đủ. Trường hợp đặt stent mạch vành trong lúc nguy cấp có bệnh viện cũng từ chối vì không còn. Hồi  chuông báo động về thiếu thuốc, vật tư y tế đã liên tục gióng lên.

Nhiều cuộc làm việc của các cấp quản lý yêu cầu các bên liên quan như y tế, bảo hiểm, tài chính phải ngồi lại tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc về đấu thầu thuốc để giải phóng bức xúc này. Các cuộc họp, đề xuất, kiến nghị được đưa ra nhưng không được thực thi trong cuộc sống nên tiếp tục rơi vào khủng hoảng. Căn bệnh sợ trách nhiệm đang bao trùm nên nhiều lãnh đạo đơn vị y tế.

Ngược lại, ngay cả cơ chế bảo vệ người trách nhiệm cũng chưa đủ mạnh để các cá nhân này đủ tự tin, dám quyết đoán vượt qua những rào cản trong cơ chế để tìm đủ thuốc và vật tư cho việc chữa trị hàng ngày cho bệnh nhân. Nhiều đoàn kiểm tra liên ngành, các đoàn giám sát các cấp cũng đã đi tìm hiểu thực tế ở nhiều bệnh viện.

Đã lắng nghe, ghi chép đầy đủ nhưng những văn bản quy định trong đấu thầu thuốc đang làm các bên trở lên rất rối. Nếu làm theo kiểu vận dụng vượt khung thì có thuốc nhưng rất dễ bị sai theo văn bản quy định.

Đó là chưa kể, tình trạng bảo hiểm y tế sẵn sàng” tuýt còi” bất cứ lúc nào; nặng hơn có thể bị cơ quan pháp luật vào cuộc, thanh tra, kiểm tra, truy cứu. Tính kế hoạch hóa trong đấu thầu thuốc khiến năm sau giá thầu phải thấp hơn năm trước cũng khiến nhiều bệnh viện lúng túng; vì với một số thuốc đặc hiệu giá luôn ở mức sàn, không có cách nào hạ được.

Vấn đề thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế, không thể bàn hoài, trong khi các bệnh nhân đang căng thẳng chờ đợi. Đã đến lúc cần các quyết định để chỉnh sửa sớm nhất (Ảnh: Báo Nhân dân)

Vậy nên sẽ khó có thuốc đặc trị trong những trường hợp điều trị đặc biệt. Việc nhiều bệnh viện loay hoay với bài toán tự chủ tài chính nhưng thực sự thu không đủ chi, thiếu nợ triền ên cũng khiến cho nhà cung cấp không mấy mặn mà.

Chuỗi cung ứng toàn cầu có phần bị đứt gãy cũng là tác nhân làm cho trang thiết bị, vật tư y tế dịch chuyển chậm lại.

Tuy nhiên, khi đặt mục tiêu tính mạng và sức khỏe người dân nên trên hết và trước hết. Việc cung cấp thuốc, trang thiết bị vật tư y tế hiện nay cần được tháo gỡ ngay các rào cản, vướng mắc; nhất là quy trình, thủ tục trong đấu thầu.

Các quy định nào đã  lỗi thời, lạc hậu chưa sửa ngay được vì vướng định chế pháp luật thì phải được các bộ, ngành xem xét cho vận dụng theo từng giai đoạn, thời điểm; tránh chỉ bàn nhưng không có văn bản kết luận rõ ràng, dứt khoát. Những người sợ trách nhiệm, không áp dụng để thiếu thuốc triền ên sẽ bị nhắc nhở và phê bình.

Người dám làm, dám chịu, với động cơ đúng, đáp ứng được yêu cầu chăm sóc cho bệnh nhân cũng cần được cam kết bảo vệ. Những tập thể, cá nhân liên quan cố tình gây khó trong giải quyết các bức xúc về thiếu thuốc, thiếu vật tư trang thiết bị phải bị giám sát, kiểm tra và xử lý.

Vấn đề thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế, không thể bàn hoài, trong khi các bệnh nhân đang căng thẳng chờ đợi. Đã đến lúc cần các quyết định để chỉnh sửa sớm nhất.