Đưa việc xả trạm vào phương án tài chính của các trạm BOT

VOVGT- Không chỉ vào những dịp nghỉ lễ, mà cả những ngày cuối tuần, tình trạng ùn tắc GT tại các cửa ngõ ra vào Thủ đô Hà Nội cũng thường xuyên xảy ra...

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Xả trạm BOT quốc lộ 5 Hưng Yên vì tài xế trả tiền lẻ. (Ảnh: Tuổi trẻ)

Theo quy định tại Nghị định số 46 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt, trạm BOT có thể bị phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng khi để xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại khu vực thu giá mà không tiến hành xả trạm.

Trước kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng yêu cầu các đơn vị quản lý trạm BOT, nhất là khu vực Hà Nội và TP. HCM cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chủ phương tiện trong việc mua vé và phải mở barie giải tỏa phương tiện trong trường hợp xảy ra tắc đường trước khi vào trạm.

Quy định là vậy, song thực tế ghi nhận qua tổng đài VOVGT khu vực Hà Nội dịp nghỉ lễ vừa qua, nhất là những ngày 27, 28/4, khi nhu cầu của người dân gia tăng nhanh chóng, tình trạng ùn tắc giao thông tại các khu vực cửa ngõ ra vào TP. Hà Nội liên tục xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng, Đặc biệt, trong buổi chiều và tối 27/4, tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra rất nghiêm trọng, kéo dài từ trạm thu phí Pháp Vân đến đường vành đai 3 trên cao đến đoạn BigC khiến giao thông trên tuyến này tê liệt hoàn toàn.

Phản ánh đến Kênh VOVGT, nhiều người tham gia giao thông rất bức xúc khi đơn vị quản lý trạm BOT Pháp Vân vẫn không thực hiện xả trạm theo quy định:

 

# Từ Pháp Vân – cầu Giẽ xuống trạm thu phí Ninh Bình tắc lắm, qua trạm thu phí Pháp Vân về phía Ninh Bình, qua trạm thu phí 1 cây tắc đường dài lắm.

# Tôi đang lưu thông trên tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ hướng đi Hà nam nhưng ùn tắc đến hơn 2 tiếng đồng hồ, không thể di chuyển nổi. Mà theo quy định, Tổng cục Đường bộ thông báo tôi thấy là ùn 750m đã pahir xả trạm mà chúng tôi đứng ở đây phải 3 cây số rồi mà không thấy xả trạm gì cả.

# Mình là lái xe, đang di chuyển từ Cầu Giẽ lên Pháp Vân, mình đi theo hướng ngược lại thì thấy tình hình giao thông thế này: từ chỗ trạm soát vé đến chỗ Pháp vân ùn tắc 7 cây số. Vì chỗ Pháp Vân mình đi ngược chiều lại nên là vẫn không thấy xả trạm gì cả cho nên tất cả giao thông, lưu lượng ùn tắc kinh khủng khiếp quá.

Nhân viên trạm thu phí và lực lượng CSGT cùng phân luồng giao thông tránh ùn tắc qua trạm thu phí cầu Bến Thủy. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Báo cáo tình hình trật tự an toàn giao thông dịp nghỉ lễ của UBATGTQG cũng đánh giá, trong ngày đầu đợt nghỉ lễ tại một số tuyến quốc lộ, tuyến đường vành đai, cửa ngõ ra vào thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM đã xảy ra ùn tắc giao thông khá nghiêm trọng.

Cụ thể, chiều 27/4 và sáng ngày 28/4, ùn ứ cục bộ đã xảy ra trên một số tuyến đường như: Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Giải Phóng, đường vành đai 3 đoạn từ Đại lộ Thăng Long đi về Linh Đàm, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình… Đánh giá về sự chấp hành của các đơn vị quản lý trạm BOT, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách UBATGTQG cho biết:

 

"Rõ ràng là khi có vấn đề thì về nguyên tắc các trạm thu phí phải xử lý, phải xử trạm, tuy nhiên cũng có trạm thực hiện nhưng cũng có trạm không thực hiện."

>>> Phức tạp tại các trạm thu phí BOT khu vực ĐBSCL

Ông Khuất Việt Hùng cũng cho biết, để tăng tính thực thi quy định xả trạm khi xảy ra ùn tắc, nhất là dịp nghỉ lễ, Bộ GTVT đang nghiên cứu, đưa việc xả trạm tự động trong dịp nghỉ lễ vào phương án tài chính của đơn vị quản lý trạm BOT. Ông Hùng cho biết thêm:

 

"Theo tiến trình hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật thì Bộ GTVT đang phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu, xem xét đưa ra quy định có thể xả trạm tự động, tức là không quy định bao nhiêu mét nữa, mà trong những ngày cao điểm, trong những dịp nghỉ lễ sẽ quy định xả trạm và đưa vào phương án tài chính cho các đơn vị kinh doanh BOT. Khi thành quy định pháp luật và lợi ích của tất cả các bên đều được bảo vệ thì chắc chắn khi đấy sẽ thuận lợi hơn."

Cũng trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, nhiều số máy đường dây nóng được các cơ quan chức năng lập ra đều rơi vào tình trạng không thể liên lạc được hoặc tắt máy. Điều này khiến dư luận cho rằng, số máy đường dây nóng lập ra để cho có. Cụ thể về nội dung này sẽ được chúng tôi tiếp tục đề cập trong chuyên mục Tiêu điểm tiếp theo, mời quý vị và các bạn cùng nghe.

>>> Quy định xả trạm khi ùn tắc kéo dài: Cần cơ chế kiểm soát để đảm bảo thực thi