Dự thảo trên tay: Rút ngắn thời gian đăng ký lại nhãn hiệu

Những quy định liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và nhãn hiệu trong Dự thảo Luật sở hữu trí tuệ lần này có gì mới? Và nếu được thông qua, nó sẽ tác động như thế nào đến các bên liên quan trong hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ?

Sau khi Kênh VOVGT đề cập đến những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (gọi tắt là Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi) do Bộ Khoa học và Công nghệ soạn thảo, nhiều thính giả rất quan tâm đến những nội dung của Dự thảo. Trong đó có nội dung liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và nhãn hiệu...

Những quy định liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và nhãn hiệu trong Dự thảo Luật sở hữu trí tuệ lần này có gì mới? Và nếu được thông qua, nó sẽ tác động như thế nào đến các bên liên quan trong hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ?

Ảnh nh họa (internet)

Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi sau khi bổ sung 80 điều của 14 chương và 1 mục , Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ có 18 chương và 235 điều, tăng 13 điều so với Luật hiện hành.

 Mục tiêu cơ bản của việc sửa đổi Luật sở hữu trí tuệ là “ tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan và thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp” và “Đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ”

Đáng chú ý, tại khoản 2 Điều 95, Dự thảo sửa đổi theo hướng làm rõ hơn trường hợp văn bằng bảo hộ bị chấm dứt hiệu lực do không nộp phí, lệ phí duy trì, gia hạn hiệu lực. Ngoài ra, những nhãn hiệu được bảo hộ đã trở thành tên gọi thông thường của hàng hóa, dịch vụ cũng bị chấm dứt văn bằng bảo hộ. Chẳng hạn như nhãn hiệu“ni lông” đã trở thành tên gọi thông thường của mặt hàng ni lông sẽ không còn được bảo hộ.

 Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi bổ sung một số quy định nhằm làm rút ngắn thời gian thẩm định đơn đăng ký sở hữu công nghiệp và đẩy nhanh quá trình cấp văn bằng bảo hộ .

Đồng thời, quy định rõ hơn về điều kiện cá nhân được hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp. Cụ thể, cá nhân là luật sư hoặc tốt nghiệp đại học có thể được cấp giấy chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý tên thương mại…còn nếu hành nghề trong lĩnh vực sáng chế, kiểu sáng công nghiệp, thiết kế bố trí, cá nhân phải có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành khoa học kỹ thuật.

Hiện Dự thảo Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi đang trong quá trình lấy ý kiến, dự kiến sẽ trình Quốc hội khóa XV vào tháng 10/2021 để xem xét cho ý kiến.

Để  hiểu rõ hơn những nội dung mới được sửa đổi liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và nhãn hiệu, PV VOVGT đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Bảy- Trưởng phòng pháp chế, Cục sở hữu trí tuệ- Bộ Khoa học và công nghệ, đơn vị chịu trách nhiệm chính xây dựng Dự thảo Luật này:

PV: Ông có thể nói rõ hơn về những nội dung được sửa đổi nhằm đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ?

 Ông Nguyễn Văn Bảy: Trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ, có nhiều nội dung liên quan tới chính sách để đảm bảo sự cân bằng thỏa đáng trong bảo hộ quyền sở hữu tuệ. Điều này là để đảm bảo thỏa đáng cho chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ và cân bằng với lợi ích xã hội.

Nội dung thứ hai, bổ sung một số điều liên quan tới chấm dứt và hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ, đặc biệt là trong lĩnh vực quyền sở hữu công nghiệp,  trong một số tình huống nhất định, để cân bằng lợi ích với xã hội.

Chẳng hạn, những nhãn hiệu không sử dụng trong một thời gian nhất định thì  nhãn hiệu đó phải trở về để cho xã hội để người khác có quyền đăng ký.

Hoặc sau một thời gian, việc sử dụng  nhãn hiệu đó mất khả năng phân biệt hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, cũng có thể bị chấm dứt hiệu lực.

PV:  Dự thảo Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi đã bổ sung thêm những điều kiện nào nhằm tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp?

 Ông Nguyễn Văn Bảy: Tôi nêu ra một số nội dung thể hiện việc đơn giản hóa và làm thuận lợi hơn trong quá trình đăng ký.

Luật sở hữu trí tuệ lần này đi theo xu hướng của thế giới, tức là co ngắn thời gian người thứ ba có thể có ý kiến đối với đơn đăng ký sở hữu công nghiệp. Tuy nhiên, cái quyền của người ta không bị chấm dứt.

Thứ hai nữa liên quan đến nhãn hiệu. Theo quy định hiện hành thì một nhãn hiệu sau khi chấm dứt hiệu lực vì nhiều lý do thì sau 5 năm kể từ ngày chấm dứt hiệu lực, người khác mới có thể đăng ký lại nhãn hiệu đó để sử dụng. Luật lần này dự kiến là thu ngắn lại thời hạn từ 5 năm xuống 3 năm.

Chúng tôi cũng quy định cụ thể cách thức xử lý đối với những đơn đăng ký nhãn hiệu mà nó rơi vào tình huống mà nhãn hiệu đối chứng nhận nhãn hiệu của người khác đã đăng ký bị chấm dứt hiệu lực 5 năm thì quy định các thủ tục để một đơn đăng ký nhãn hiệu, nếu gặp phải tình huống đó thì có cách thức giải quyết một cách hợp lý mà dễ dàng hơn.

PV: Vâng xin cám ơn ông!

Với những điều chỉnh, sửa đổi những quy định liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và nhãn hiệu của Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, các doanh nghiệp, người tiêu dùng sẽ chịu tác động như thế nào? PV cũng đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Thu Anh - Giám đốc Công ty Luật TNHH Em -bis ( Ambys) Hà Nội:

PV:  Dự thảo Luật sở hữu trí tuệ đang sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và nhãn hiệu. Theo Luật sư, có điểm nào sửa đổi chưa hợp lý?

Luật sư Nguyễn Thu Anh: Dự thảo sửa đổi Luật sở hữu trí tuệ  về cơ bản là đã đề cập được đến những vấn đề mà bộ luật hiện hành còn thiếu sót hoặc chưa thể giải quyết được.

Tuy nhiên, Dự thảo sửa đổi này cũng còn có một điểm chưa hợp lý, cơ bản nhất, đó là việc vẫn gộp tất cả các đối tượng sở hữu trí tuệ rất khác nhau thuộc sự quản lý của các bộ ngành khác nhau vào một bộ luật, khiến cho bộ luật cồng kềnh, mang tính quy định chung chung, không đủ tính cụ thể và rõ ràng, cần các văn bản dưới luật giải thích.

Khi cần có sự sửa đổi dù chỉ liên quan đến một đối tượng, cũng phải chờ đến khi có kế hoạch sửa đổi Luật mới thực hiện được, không mang tính kịp thời với sự phát triển rất nhanh của khoa học, kinh tế và xã hội.

PV: Dự thảo Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi rút ngắn khoảng thời gian để người khác đăng ký lại nhãn hiệu chấm dứt hiệu lực  từ 5 năm xuống 3 năm. Bà có ý kiến gì về đề xuất này?  Tác động đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng như thế nào?

Luật sư Nguyễn Thu Anh: Trước hết tôi hoan nghênh đề xuất sửa đổi quy định rút ngắn thời gian để người khác đăng ký lại nhãn hiệu đã chấm dứt hiệu lực từ 5 năm xuống 3 năm.

5 năm là thời hạn tương đối dài, vì nền kinh tế thị trường hiện nay phát triển rất nóng, rất nhanh, ngày càng nhiều các sản phẩm mới và các thương hiệu mới được tung ra . Do đó, một nhãn hiệu không được sử dụng sẽ bị lãng quên rất nhanh, do đó 3 năm sẽ hợp lý hơn 5 năm.

Việc rút ngắn xuống 3 năm cũng không ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, bởi lẽ, chỉ các nhãn hiệu không còn phù hợp với sản phẩm, không có hiệu quả trong việc kinh doanh và không còn được sử dụng thì mới không được gia hạn.

Do đó, thông thường khi không được gia hạn thì bản thân nhãn hiệu đó cũng đã không được sử dụng từ lâu trước khi hết hạn bảo hộ, do đó nó cũng đã bị người tiêu dùng lãng quên trong thực tế từ trước khi chấm dứt hiệu lực.

Việc giảm bớt thời gian xuống 3 năm cũng làm tăng thêm nguồn tài nguyên nhãn hiệu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khác có cơ hội xác lập quyền đối với các nhãn hiệu sớm hơn và đưa sản phẩm mới ra thị trường kịp thời hơn.

PV:  Một trong những nội dung đáng chú ý của Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi là dịch chuyển dần biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và nhãn hiệu,  từ cơ quan hành chính sang Tòa án như thông lệ thế giới. Theo Luật sư, cần lưu ý gì để đạt được mục tiêu này?

Luật sư Nguyễn Thu Anh: Hiện tại, dù không có các con số thống kê đầy đủ, xử lý các hành vi xâm phạm bằng biện pháp hành chính từ trước tời giờ có lẽ chiếm hơn 95% các vụ việc thực thi quyền, các vụ việc được đưa ra tòa là một con số rất nhỏ.

Tuy nhiên, các vi phạm liên quan đến Quyền SHTT càng ngày càng tinh vi hơn nên việc giải quyết sẽ phức tạp hơn, và các hành vi xâm phạm có thể xảy ra giữa các doanh nghiệp lớn, có yếu tố nước ngoài, việc giải quyết bằng các biện pháp hành chính sẽ không thể đáp ứng được, do đó xu thế dịch chuyển dần biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT từ cơ quan hành chính sang Tòa án là tất yếu. 

Sự dịch chuyển này cần có một lộ trình để có sự làm quen, sự chuẩn bị của các Tòa án, về nhân lực và kiến thức ….Nên có Tòa chuyên trách về SHTT, các thẩm phán phải được đào tạo chuyên ngành SHTT, các bản án của các vụ việc giải quyết cần được công bố công khai để có tính răn đe cũng như nh bạch đường lối xét xử các vụ việc của Tòa án.

PV: Xin cám ơn Luật sư!

Với sự phát triển của nền kinh tế, hội nhập kinh tế thế giới, ngày càng xuất hiện nhiều các nhãn hiệu mới trên thị trường, trong đó có nhiều nhãn hiệu không thể thực hiện đăng ký do trùng với những nhãn hiệu trước đó nhưng chưa hết thời gian bảo hộ.

Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi nếu được thông qua hứa hẹn đảm bảo sự nh bạch, cân bằng lợi ích xã hội, mở ra cơ hội cho nhiều doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình  xác lập quyền đối với các nhãn hiệu, tạo thuận lợi cho người tiêu dùng trong lựa chọn sản phẩm.

--

Bạn nghĩ sao về Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi? Bạn có góp ý gì để các quy định hoàn thiện hơn nữa?

Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho Dự thảo Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi qua hotline 02437.91919, qua fanpage VOVGT, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên cổng thông tin điện tử của Bộ Khoa học và Công nghệ .

Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” lúc 13h15p, thứ Hai và thứ Tư hàng tuần trên FM91, vovgiaothong.vn, hoặc nghe lại trên các nền tảng podcast dành cho di động: Spotify, Aple Podcast và Google podcast.