Dự thảo trên tay: Lựa chọn người đi giảng dạy cần khắt khe hơn

Hiện nay chưa có quy định để điều chỉnh về công tác quản lý công dân Việt Nam ra nước ngoài giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật.

Dự thảo Nghị định Quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật do Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo, được cho là sẽ giúp khắc phục các bất cập đó.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Hiện nay chưa có quy định để điều chỉnh về công tác quản lý công dân Việt Nam ra nước ngoài giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật. Ảnh: Tạp chí Tuyên giáo

Lựa chọn người đi giảng dạy cần khắt khe hơn

Về mặt kết cấu, dự thảo Nghị định quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật gồm 5 Chương và 17 Điều, gồm những quy định chung; quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật; trách nhiệm các bộ, ngành…

Về đối tượng áp dụng, ngoài các các đối tượng gồm: học sinh, sinh viên, người đi giảng dạy, nghiên cứu khoa học, Điều 2 dự thảo Nghị định cũng quy định cả giáo viên, giảng viên các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học. Đây là đối tượng mới được quy định tại Nghị định này.

Để đảm bảo an toàn cho du học sinh, Khoản 2, Điều 15 dự thảo Nghị định quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm của tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học. Cụ thể, đơn vị tư vấn du học phải thông tin trung thực, chính xác về học phí và sinh hoạt phí dự kiến và các loại phí liên quan; điều kiện sinh sống, chính sách làm thêm giờ của nước tiếp nhận; những khó khăn, rủi ro có thể gặp phải trong quá trình du học.

Đối với công dân Việt Nam ra nước ngoài giảng dạy, nghiên cứu khoa học, Điều 17 dự thảo Nghị định quy định 4 tiêu chuẩn, trong đó người được cử đi phải không trong thời gian bị kỷ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Có trình độ, năng lực phù hợp với nội dung, chương trình tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại nước ngoài. Đồng thời phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý trực tiếp.

Dự thảo Nghị định cũng giao quyền tự chủ cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc quyết định cử, quản lý giảng viên, giáo viên ra nước ngoài giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật. Cụ thể, Khoản1, Điều 20 quy định, cơ quan có thẩm quyền được được tổ chức tạo nguồn, tuyển chọn, đào tạo và cử người đi giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật tại nước ngoài.

Hiện Dự thảo Nghị định Quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật đã hoàn thành việc lấy ý kiến các Bộ, ngành Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố, các đơn vị liên quan và ý kiến nhân dân, Dự này đang được gửi ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp trước khi trình Chính phủ ban hành.

Tăng cường công tác quản lý công dân Việt Nam đi học nước ngoài theo tất cả các diện (Ảnh nh họa)

Tăng cường công tác quản lý công dân Việt Nam đi học nước ngoài

Công dân Việt Nam không được lợi dụng việc đi giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật tại nước ngoài để ở lại nước ngoài trái phép.

Điều này được đảm bảo thông qua các quy định tại Dự thảo Nghị định quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động du học, ra nước ngoài giảng dạy, nghiên cứu, trao đổi học thuật cũng sẽ chịu tác động từ Nghị định này.

Theo tờ trình của đơn vị soạn thảo, thực tiễn hiện nay đòi hỏi cần tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn du học để thông qua đó quản lý, bảo vệ quyền lợi đối với đối tượng du học sinh tự túc. Việc quy định công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập cũng cần đầy đủ, rõ nét hơn so với quyết định số 05/2013 trên một số nội dung.

Hơn  nữa, hiện chưa có quy định để điều chỉnh về công tác quản lý công dân Việt Nam ra nước ngoài giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật.

Mục đích của việc xây dựng Nghị định quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật là nhằm tăng cường công tác quản lý công dân Việt Nam đi học nước ngoài theo tất cả các diện.

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn du học của các tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển. Một mặt nâng cao chất lượng dịch vụ tư vấn du học đáp ứng nhu cầu của xã hội; nhưng mặt khác phải bảo vệ quyền lợi cho người học, đưa hoạt động dịch vụ tư vấn du học vào nề nếp, góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế về giáo dục.

Một số điểm mới nổi bật của Dự thảo này được dư luận quan tâm là, công dân Việt Nam chậm nhất 30 ngày sau khi đến nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật phải có trách nhiệm đăng ký thông tin vào Hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử quy định do Bộ Giáo dục - Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ LĐ-TB-XH xây dựng và quản lý.

Dự thảo cũng quy định tiêu chuẩn đối với công dân Việt Nam ra nước ngoài giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật, trong đó đáng lưu ý là họ phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý trực tiếp (đối với trường hợp có cơ quan công tác) và có cam kết trở lại làm việc sau khi hoàn thành chương trình giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật tại nước ngoài.

Với những điểm mới này, theo ông Đỗ Mạnh Hùng, chuyên gia phát triển giáo dục, Nghị định sẽ có ý nghĩa tích cực đối với công tác quản lý công dân Việt Nam ra nước ngoài giảng dạy và học tập: "Trong Nghị định có nêu rõ là tất cả các công dân Việt Nam ra nước ngoài theo hình thức là du học hay giảng dạy nghiên cứu khoa học đều phải khai thông tin cá nhân, quá trình công tác, học tập lên hệ thống điện tử của quốc gia.

Tôi cho rằng với việc này, chúng ta sẽ có một lượng thông tin rất đầy đủ, chính xác và có thể kịp thời giúp đỡ những trường hợp mà cần phải hỗ trợ. Các đối tượng này phải có các cập nhật báo cáo thường xuyên giúp cho cơ quan quản lý nắm bắt được tiến độ, kết quả học tập. Từ đấy đánh giá được hiệu quả rồi nguồn lực của mình đầu tư ra có đạt được đúng với mục tiêu hay không".

Giảng viên một trường ĐH trong giờ giảng (ảnh nh họa)

Bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người dân

Các quy định mới này có gì cần chỉnh sửa thêm? Nếu được thông qua sẽ tác động như thế nào đến hoạt động du học cũng như việc cử người đi nước ngoài giảng dạy, nghiên cứu? Phóng viên VOVGT có cuộc trao đổi với ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách  của Quốc hội về nội dung này.

PV: Ông đánh giá như thế nào về tính cấp thiết của dự thảo này?

Ông Hoàng Văn Cường: Chúng ta có cả một Luật về việc cử người lao động ra làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Còn đối với việc đi học, đi giảng dạy, nghiên cứu không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật cử người lao động đi nước ngoài. Nhưng trong Luật Giáo dục đại học đã có một điều quy định là Chính phủ phải có Nghị định để quy định cụ thể về tiêu chuẩn, về cách quản lý đối với người Việt Nam ra nước ngoài nghiên cứu, giảng dạy.

Do vậy, việc ra đời Nghị định này đó là việc hết sức cần thiết.

PV: Với những quy định đặt ra trong dự thảo, theo ông đã đáp ứng được tính cấp thiết đó chưa?

Ông Hoàng Văn Cường: Tôi cho rằng cũng còn những điểm mà trong quy định này cũng cần tính đến, chẳng hạn, khi quy định về quản lý đối với những người đi giảng dạy ở nước ngoài thì chúng ta đang chủ yếu là đề cập những người thuộc các tổ chức, các cơ quan quản lý. Thế nhưng, có thể có những chuyên gia, những người đã nghỉ hưu...  không còn cơ quan, tổ chức nào quản lý họ, nhưng người ta vẫn có thể trở thành những chuyên gia tự do, đối tượng này cũng cần được quản lý.

Hoặc là quy định trách nhiệm của công dân, nếu người ta đi học tập, làm việc, giảng dạy, nghiên cứu mà người ta không tuân thủ quy định này thì sẽ xử lý người ta làm sao?

Chúng ta cũng cần phải có quy định bao phủ hơn để thấy rằng việc chúng ta làm vừa là đảm bảo quyền lợi, nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm của những người tham gia vào những hoạt động này.

PV: Một trong những nội dung đáng chú ý tại dự thảo quy định tiêu chuẩn đối với công dân Việt Nam ra nước ngoài giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật. Theo ông, những quy định đó có phù hợp hay không, vì sao?

Ông Hoàng Văn Cường: Tôi cho rằng đối với người đi ra nước ngoài làm việc với tư cách như các chuyên gia, quy định cần phải cụ thể hơn.

Khi nói rằng có đủ trình độ, năng lực phù hợp với công việc tham gia thì phải khẳng định như thế nào là đủ. Ví dụ ít nhất người ta phải từng làm những việc đó các đơn vị, ở những nơi được trong nước thừa nhận thì anh mới được ra nước ngoài làm việc đó.

Vấn đề thứ hai, những người đang trong giai đoạn bị xem xét, kể cả trong quá khứ, có liên quan đến chuyên môn, hoặc đã bị cấm hành nghề; thì có lẽ cũng không thuộc tiêu chuẩn, đối tượng được cử đi đại diện cho một nhóm tri thức nào đó ra nước ngoài để giảng dạy hoặc nghiên cứu.

PV: Theo ông, nếu dự thảo được thông qua và được ban hành thì nó sẽ có tác động xã hội như thế nào?

Ông Hoàng Văn Cường: Khi Nghị định này thông qua thì bản thân người ra nước ngoài để du học, kể cả du học tự túc, giảng dạy, nghiên cứu trao đổi sẽ có cơ sở tốt hơn trong việc bảo vệ quyền lợi của mình.

Như vậy, những người tham gia vào những hoạt động này sẽ được đảm bảo quyền lợi tốt hơn; nhưng đồng thời, trách nhiệm cũng sẽ phải đề cao hơn và cũng sẽ chọn lọc được những đối tượng đi ra nước ngoài đảm bảo mang được hình ảnh, trí tuệ của người Việt Nam tốt hơn.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông

---

Với sự nở rộ các tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học, không ít tổ chức lợi dụng sự thiếu hiểu biết về giáo dục quốc tế của một số gia đình và học sinh, đặc biệt khu vực nông thôn để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp để trục lợi.

Đặc biệt, hiện nay chưa có quy định để điều chỉnh về công tác quản lý công dân Việt Nam ra nước ngoài giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật.

Dự thảo Nghị định Quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật do Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo, được cho là sẽ giúp khắc phục các bất cập đó.

Nếu dự thảo được thông qua sẽ tạo ra sự thay đổi như thế nào trong họat động cử công dân Việt Nam ra nước ngoài giảng dạy, nghiên cứu và học tập? Bạn kỳ vọng gì vào dự thảo Nghị định này? Mời bạn chia sẻ qua hotline 02437.919191 hoặc qua fanpage VOV giao thông.

---

Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” lúc 13h15, thứ Hai và thứ Tư hàng tuần trên FM91, trên Spotify, Aple Podcast hoặc Google podcast